Một thế hệ người Trung Quốc lớn lên không hề dùng Google, Facebook hay Twitter

Người ta thường nói đùa với nhau rằng trên thế giới có hai loại mạng một là internet, hai là chinanet vì Trung Quốc không cho phép bất cứ một công ty web nước ngoài nào đặt chân vào thị trường của mình. Nhiều người thường nghĩ sẽ thật kinh khủng nếu như không được tiếp xúc với internet thế giới, nhưng với người Trung Quốc, điều đó có đúng? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Người ta thường nói đùa với nhau rằng trên thế giới có hai loại mạng một là internet, hai là chinanet vì Trung Quốc không cho phép bất cứ một công ty web nước ngoài nào đặt chân vào thị trường của mình. Nhiều người thường nghĩ sẽ thật kinh khủng nếu như không được tiếp xúc với internet thế giới, nhưng với người Trung Quốc, điều đó có đúng? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Wen Shengjian, 14 tuổi, sống tại Dongying, Trung Quốc, cho biết anh biết tên của Google, Facebook, Twitter và Instagram, nhưng "Tôi không cần chúng".

Để mở đầu, hãy cùng đến với Wei Dilong, 18 tuổi, sống và học tập tại thành phố Liuzhou Trung Quốc, thích bóng rổ, nhạc hip hop và các phim siêu anh hùng của Hollywood. Anh dự định sẽ theo chuyên ngành hóa học tại Canada khi vào đại học vào năm 2020.

Wei là một ví dụ điển hình của thanh thiếu niên Trung Quốc: Cậu ta chưa bao giờ nghe nói về Google hay Twitter. Tuy nhiên, có từng nghe về Facebook. "Nó giống như Baidu phải không?", cậu ta hỏi phóng viên, và Baidu mà cậu ấy nhắc đến chính là công cụ tìm kiếm thống trị khắp đất nước Trung Quốc.

Một thế hệ người Trung Quốc lớn lên với một hệ thống internet tách biệt hoàn toàn so với phần còn lại của thế giới. Trong suốt một thập kỉ qua, Trung Quốc đã chặn tất cả các công ty web nước ngoài như Google, Facebook, Twitter và Instagram, cũng như hàng ngàn trang web nước ngoài khác, gồm The New York Times và Wikipedia tiếng Trung. Một loạt các trang web Trung Quốc tương tự những trang web này xuất hiện và phục vụ những nhu cầu tương tự - nhưng phải chịu kiểm duyệt rất khắc khe.

Bây giờ, tác động của hệ thống internet tách biệt này đang ngày một nghiêm trọng hơn với cả một thế hệ Trung Quốc. Nhiều người trẻ Trung Quốc đang phải chịu sự tách biệt, cô lập với phần còn lại của thế giới. Và, việc quen với các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến khiến người dân Trung Quốc không ngó ngàng gì đến các thông tin đã bị kiểm duyệt, điều này cho phép Bắc Kinh có thể tự xây dựng cho mình một đế chế với các giá trị thay thế, cạnh tranh với nền dân chủ tự do phương Tây. Và những xu hướng này đang ngày một lan rộng. Trung Quốc hiện đang đưa mô hình internet bị kiểm duyệt sang các nước khác, bao gồm Tanzania và Ethiopia.

Kết quả này là hoàn toàn trái ngược với những gì mà người phương Tây dự đoán về tác động của internet. Trong bài phát biểu vào năm 2000, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lập luận rằng sự phát triển của internet sẽ giúp Trung Quốc hướng đến một xã hội cởi mở hơn, giống như Hoa Kỳ. Ông nói : "Trong thế kỷ mới, tự do sẽ lan truyền qua diện thoại di động và cáp internet". Nhưng có vẻ như, mọi thứ đang theo một chiều hướng xấu hơn.

Đối với những tập đoàn internet quy mô lớn ở Mỹ và các nước phương Tây khác, mong muốn có thể chen chân vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc đang ngày càng trở nên xa vời. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chứng minh một điều rằng họ sẽ đi theo con đường kiểm soát tư tưởng một cách chặt chẽ hơn dưới thời của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Trong nửa đầu năm nay, Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc cho biết họ đã đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép của hơn 3000 trang web.

"Tôi lớn lên với Baidu, vì vậy tôi đã quen với nó", Zhang Yeqiong, 23 tuổi, làm việc tại Xinji, Trung Quốc, nói về công cụ tìm kiếm trong nước.

Tuy nhiên, những tập đoàn internet lớn của Mỹ vẫn đang cố gắng để tham gia vào thị trường này. Google đang phát triển một công cụ tìm kiếm cho phép kiểm duyệt dành cho người dùng điện thoại thông minh ở Trung Quốc trong trường hợp được chính phủ nước này cho phép. Và vào tháng trước, Facebook cũng đã được chấp thuận cho phép đặt một công ty con tại tỉnh phía đông tỉnh Chiết Giang – nhưng sự chấp thuận này bị rút lại ngay sau đó.

Thậm chí, nếu các ứng dụng và trang web nước ngoài được phép du nhập vào Trung Quốc, rất có thể họ sẽ phải đối mặt với sự thờ ơ của giới trẻ nước này.

Hai nhà kinh tế học đến từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Stanford đã tiến hành làm một cuộc khảo sát kéo dài 18 tháng về vấn đề này. Kết quả khảo sát cho thấy rằng, sinh viên đại học Trung Quốc không mấy quan tâm tới việc tiếp nhận những thông tin nhạy cảm, bị kiểm duyệt về chính trị của đất nước mình. Hai người họ đã cho gần 1000 sinh viên tại hai trường đại học Bắc Kinh công cụ miễn phí để thoát khỏi kiểm duyệt nội dung, nhưng gần một nửa trong số họ đã không sử dụng chúng. Trong số những người đã sử dụng, hầu như họ không dành thời gian để duyệt các trang tin nước ngoài đã bị chặn bởi kiểm duyệt, tức là, họ chỉ dùng thử cho "vui".

Các học giả cho biết : "Kết quả đã cho thấy rõ rằng việc kiểm duyệt của Trung Quốc có hiệu quả như vậy không chỉ vì chế độ đang làm khó những người muốn truy cập thông tin nhạy cảm, mà nó còn hiệu quả vì chính phủ của họ đã tạo nên một môi trường internet thay thế quá hoàn chỉnh, khiến người dân không còn nhu cầu tiếp nhận những thông tin chính gốc".

Một nhân vật trẻ khác được phỏng vấn: Zhang Yeqiong, 23 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty thương mại điện tử ở Xinji, một thành phố nhỏ cách Bắc Kinh vài giờ lái xe, tiếp tục trả lời với nội dung tương tự cậu thanh niên 18 tuổi ban đầu "Tôi lớn lên với Baidu, vì vậy tôi đã quen với nó".

Tư tưởng này đã bắt đầu từ những thế hệ người sinh ra ở Trung Quốc từ những năm 1980, từ thế hệ này cho đến cả một thập kỷ sau đó, mọi người đều quen với các nội dung thay thế, nhưng trong số đó, vẫn có một số thành phần khác biệt. Một trong số những người có tư tưởng khác biệt nổi tiếng nhất là Han Han, một blogger, người từng đặt nhiều thắc mắc về hệ thống chính trị và giá trị truyền thống của Trung Quốc. Anh đã bán hàng triệu quyển sách và có hơn 40 triệu người theo dõi trên Weibo, một ứng dụng tương tự như Twitter.

Còn bây giờ, không có người Trung Quốc nào giống như Han nữa, những người trẻ có tư duy đổi mới đã không còn. Ngay cả Han, hiện tại đã 35 tuổi cũng không còn giữ những tư tưởng ngày trước của mình. Hiện tại anh chỉ chủ yếu đăng tải các bài về việc kinh doanh của mình trên Weibo, trong đó bao gồm làm phim và xe đua.

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc thường sử dụng các sản phẩm thay thế như Baidu, dịch vụ truyền thông xã hội Wechat và nền tảng chia sẻ video ngắn Tik Tok, và họ hoàn toàn hài lòng với những thứ này. Vào tháng ba năm nay, một tập đoàn lớn tại Trung Quốc, Tencent, đã tiến hành khảo sát hơn 10.000 người dùng sinh năm 2000 hoặc sau đó, và kết quả cho thấy có đến 8 trên 10 người nghĩ rằng Trung Quốc đang ở thời kì thịnh vượng nhất trong lịch sử phát triển hoặc đang trở thành một nước mạnh hơn mỗi ngày. Gần như tất cả họ đều khá lạc quan về tương lai của mình.

"Các ứng dụng Trung Quốc đã có mọi thứ", Shen Yanan, 28 tuổi, làm việc tại Baoding, Trung Quốc, một người không quan tâm đến chính trị.

Một người trẻ khác nữa, tự cho mình là một người yêu nước, lạc quan và hướng ngoại, cô Shen Yanan. Cô Shen, 28 tuổi, làm việc trong một bộ phận của trang web bất động sản tại Baoding, một thành phố gần Bắc Kinh, dân số khoảng 3 triệu người. Cô cho biết mình tin rằng Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và sẽ cố hết sức cống hiến để đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Mỗi buổi tối, cô thường dành một đến hai giờ để xem các vở Opera của Hàn Quốc trên điện thoại. Cô ấy không có bất kỳ ứng dụng tin tức nào trên điện thoại vì cô không quan tâm đến chính trị. Shen đã từng du lịch đến Nhật Bản và đã từng dùng thử Google Maps vài lần ở đó, nhưng cũng không truy cập vào bất kỳ trang web nước ngoài nào khác cả.

Cô nói rằng: "Các ứng dụng Trung Quốc hầu như đã đáp ứng tất cả ".

Bạn của cô Shen, Chu Junquin, cũng 28 tuổi, một quản lí nhân lực, cho biết cô thường dành 2-3 giờ để xem các video ngắn hài hước trên Tik Tok sau giờ làm việc. Đôi khi cô đọc tin tức trên các ứng dụng tin tức như Jinri Toutiao nhưng chỉ đọc được rằng nhiều quốc gia đã bị lôi kéo vào chiến tranh và các cuộc bạo loạn. Và cô cũng như bạn của mình vẫn đánh giá "Trung Quốc tốt hơn rất nhiều".

Chúng ta sẽ đến với một bạn trẻ hơn, Wen Shengjian, 14 tuổi, ước mơ trở thành rapper và thần tượng một số tay chơi rap nổi tiếng như Drake và Kanye West. Shengjian cho biết gia đình cậu đã chuyển từ Bắc Kinh đến Dongying, một thị trấn thuộc tính Sơn Đông Trung Quốc. Cậu bé này cho biết mình nhận thấy rằng các rapper ở Mỹ rất hay sáng tác về vấn đề xã hội và thậm chí một số còn chỉ trích cả tổng thống trong các tác phẩm của mình.

Và cậu trai trẻ này cho biết điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra ở Trung Quốc, bởi vì đây là một nước đang phát triển và cần sự ổn định xã hội. Đó là một nội dung mà Đảng Cộng sản buộc các phương tiện truyền thông nhà nước và sách giáo khoa của trường học phải tuyên truyền rộng rãi, mọi lúc mọi nơi.

Shengjian, một bạn trẻ thích chơi bóng rổ và muốn trở thành một rapper, cho biết những lời chỉ trích xã hội trong sản phẩm âm nhạc của các rapper Mỹ sẽ không phù hợp Trung Quốc.

Một người bạn của gia đình nói với cậu, ông ta nói chính phủ đã chặn nội dung nước ngoài vì nó "không thích hợp với đặc điểm và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc".

Shengjian cho biết cậu thích chơi bóng rổ, và có biết đến Google, Facebook, Twitter và cả Instagram. Cậu kể lại rằng có một người bạn của bố đã cho cậu biết các trang web đó đã bị chặn bởi vì một số nội dung của nó "không phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc".

Và cậu cũng nói thêm rằng: "Tôi không cần chúng".

Khi người Trung Quốc trẻ học tập ở nước ngoài và được tiếp cận một hệ sinh thái Internet mới thì sao nhỉ. Hãy cùng đến với Perry Fang, 23 tuổi, 2 năm trước đã chuyển từ Quảng Châu Trung Quốc đến Sydney, Úc để học về marketing. Và tại Sydney, anh đã tiếp cận được với một loạt các trang web hoàn toàn mới, gồm Google, Facebook, YouTube và Snapchat.

Bây giờ, khi trở về Trung Quốc để thăm gia đình vào các dịp lễ, Fang cho biết rằng mọi thứ thật khó khi không được dùng Google. Và anh cũng biết rằng mình không nên duyệt các tin chính trị nhạy cảm trước mặt bố mẹ vì họ sẽ mắng nếu anh làm như vậy.

Fang nói : "Các ứng dụng Trung Quốc sẽ trở nên vô dụng ngay sau khi bạn chuyển ra nước ngoài, nhưng với Google và những web khác, bạn có thể sử dụng chúng ở bất kỳ quốc gia nào bạn đến. Cộng với việc lợi tức đầu tư của nó cũng rất cao".

Thật ngạc nhiên phải không nào? Người dân Trung Quốc hoàn toàn hài lòng với những điều kiện internet hiện tạị. Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào về hệ thống internet này, hãy cho chúng tôi biết dưới phần bình luận nhé.

Theo NYTimes

Theo VnReview

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mot-the-he-nguoi-trung-quoc-lon-len-khong-he-dung-google-facebook-hay-twitter-a33252.html