Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông chủ Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cũng là nhà đồng sáng lập, đồng sở hữu thương hiệu này - vừa có thư gửi các lãnh đạo Trung ương với lời đề nghị khẩn thiết nói trên. Nhận thấy đây là vấn đề lớn, Báo Người Lao Động phỏng vấn bà Thảo để làm rõ thêm thông tin.
"CHỈ CÓ ANH VŨ VÀ TÔI HIỂU TRUNG NGUYÊN"
- Người Lao Động: Với những thông tin mới nhất về nhân sự cấp cao ở Tập đoàn Trung Nguyên vừa được bổ nhiệm, một lần nữa bà bị loại ra khỏi ban điều hành. Nếu bà không trực tiếp tham gia điều hành trong vai trò Phó tổng giám đốc thường trực và người đồng sáng lập như hơn 20 năm qua, thương hiệu này sẽ ra sao?
+ Bà LÊ HOÀNG DIỆP THẢO: Tôi bắt đầu từ Trung Nguyên, và đây là một thương hiệu rất đặc biệt của Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, tôi quan tâm nhất là làm sao để cứu được thương hiệu này. Bởi những gì tôi chia sẻ chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện.
Trong 25 năm qua, tôi nắm giữ vị trí là phó tổng giám đốc thường trực của công ty, xây dựng từ một công ty rất nhỏ thành tập đoàn. Và để hiểu giá trị, tầm nhìn chiến lược tiếp theo cho Trung Nguyên, ngoài 2 người sáng lập là anh Vũ (Đặng Lê Nguyên Vũ - PV) và tôi thì chưa thể có ai đảm đương được vị trí đó.
Mới đây, tôi bất ngờ nhận được thông tin từ phía nhân viên là có người khác đảm nhiệm vị trí của mình. Đã có sự lo lắng của các nhân viên, khi người này đã ra vào nhiều lần, ngồi ngay chính phòng làm việc của tôi trong nhiều năm. Và nay, ban hành quyết định bổ nhiệm phó tổng giám đốc thường trực mới thì nhân viên hoảng hốt. Vị trí này ở công ty khác thì không sao, nhưng ở Trung Nguyên thì khác, bởi vị trí này trong nhiều năm qua chỉ có tôi.
"SAI LẦM", "MẤT KIỂM SOÁT"?
- Nếu bà không giữ vị trí đó, việc phát triển cà phê Trung Nguyên về thương hiệu, hiệu quả như thế nào?
+ Trong 5 năm qua, khi anh Vũ ở trên núi và tôi cũng bị âm mưu đẩy mình ra khỏi công ty, còn họ - nhóm người toan tính chiếm đoạt công ty, càng ngày càng chứng tỏ đã nắm giữ hết toàn bộ tập đoàn.
Đã có những chiến lược sai lầm của Trung Nguyên thời gian qua. Đầu tiên họ chuyển đổi sang thương hiệu không đúng, mà tôi đã cảnh báo, là đi lệch chiến lược ban đầu. Thậm chí gần đây đưa ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận bằng 0 là không tưởng! Trong khi các sản phẩm Trung Nguyên, G7 thì rất được ưa chuộng nhưng giờ lại chuyển sang bao bì khác, màu sắc, cách thức, thậm chí người ta nhìn vào không biết đó là cà phê. Với cách làm thương hiệu như vậy là quá sai.
- Sự thay đổi này theo ý tưởng của Chủ tịch Tập đoàn Đặng Lê Nguyên Vũ hay do sự lèo lái của nhóm điều hành mới?
+ Câu chuyện hơn 5 năm qua, với những chuyện xảy ra thì cũng dài. Bằng sự cố tình tâng bốc anh Vũ, làm anh ảo tưởng, không đúng quy luật thị trường và thực tế, nhất là chiến lược xuyên suốt hơn 20 năm qua của Trung Nguyên. Những năm gần đây, việc thay đổi cách điều hành, hoạt động khiến tôi thật sự không yên tâm, cảm thấy lo lắng rằng tập đoàn đang có dấu hiệu mất kiểm soát.
Tôi nhận thấy những sự việc như vậy xảy ra liên tục. Vì nguyên tắc, các sự việc phải được làm tốt hơn trong 20 năm qua nhưng gần đây thì đi xuống, sự mất kiểm soát ở hầu hết các quán cà phê, thậm chí nhiều nơi phải đóng cửa.
"HỌ BƠM ANH VŨ LÊN..."
- Vậy còn tình hình sức khỏe, hình ảnh của ông Vũ gần đây? Những hình ảnh thỉnh thoảng lại xuất hiện cho thấy ông không được bình thường, thậm chí có vẻ hoang tưởng. Là người trong cuộc, bà có thể chia sẻ thêm?
+ Như tôi có chia sẻ, sau đợt anh thiền 49 ngày trên núi thì ảnh không còn là ảnh.
Trước thời điểm đó, anh Vũ rất tuyệt vời.
Với một doanh nhân, đặc biệt là người điều hành tập đoàn lớn như vậy, việc đầu tiên nhận thấy là các hoạt động xã hội rất nhiều, phải xuất hiện trước công chúng và xã hội nhiều. Nhưng tất cả bạn bè thắc mắc mấy năm qua không gặp ai. Vài cuộc làm việc với nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp khác cũng có trục trặc. Sai lệch từ chuyện họ bơm anh Vũ lên và tưởng rằng như thế là đúng.
Biểu hiện sự không bình thường về tinh thần của anh Vũ tương đối rõ, nhưng sau quá trình 49 ngày mới rơi vào tình trạng đó. Tôi nghĩ cần phải cứu anh.
- Họ là những ai?
+ Là những nhóm người đang thao túng Trung Nguyên.
Lúc còn ở bên cạnh anh, tôi thường nói với anh là trong phạm vi anh em đồng sự, cần phải có những người tâm phúc. Đó là những người biết nói không khi ông chủ của mình sai, biết đâu là giới hạn của pháp lý, đạo lý. Minh tuệ là điều cần thiết.
Không ngờ rằng hôm nay tôi đã phải nhắc lại điều này, không với anh mà là những người xung quanh anh, đang hưởng những lợi ích từ Trung Nguyên. Hãy dừng những hành động sai trái lại!
"THIỀN SAI CÁCH"
- Tranh chấp ở Trung Nguyên thời gian qua không chỉ là những câu chuyện gia đình, mà còn là một thương hiệu cà phê được nhiều kỳ vọng... Vậy đến giờ, bản thân bà và những người cộng sự, sẽ làm gì và làm cách nào để cứu ông Vũ, vực dậy thương hiệu cà phê Trung Nguyên, bởi như bà chia sẻ, có thể mất đi thương hiệu Trung Nguyên mà không thể lấy lại được?
+ Nếu mọi người cùng đồng cảm và đồng lòng với nhau là thương hiệu Trung Nguyên cần thiết phải bảo vệ, có ý nghĩa rất lớn. Hoặc nếu không, những tư tưởng sai lệch của Trung Nguyên lan tỏa ra xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người, nhất là giới trẻ.
Quay lại câu chuyện này, anh Vũ cần được giúp đỡ để chữa bệnh trong vòng tay gia đình. Anh Vũ là một doanh nhân có khát vọng, ý chí và tài năng hơn những người bình thường, tư duy của anh cũng rất dị biệt.
Để xây dựng tập đoàn, anh là người đưa chiến lược, còn tôi là người thực thi chiến lược đó một cách hoàn hảo nhất. Anh là một doanh nhân thành công.
Bước sai lầm của anh là Thiền sai cách. Người thầy dạy Thiền cho anh không phải là một thiền sư. Tôi đã cố gắng ngăn cản việc này, thậm chí còn giận dữ với người dạy thiền của anh. Nhưng vô vọng vì dường như cả hai đều bị hoang tưởng.
Chúng tôi gầy dựng công ty từ hai bàn tay trắng nên luôn là thế hệ đi đầu và là tấm gương để các thể hệ trẻ noi theo. Anh Vũ thật sự cần được cứu, vì anh xứng đáng được cứu. Bởi vì anh là một doanh nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Bởi vì các con của tôi cần có cha. Xã hội hãy giúp tôi được làm tròn vai trò của người vợ, chăm sóc chồng khi ốm đau và đưa Trung Nguyên về với quỹ đạo đúng đắn của nó, hoạt động bình thường, lành mạnh.
- Vậy bà đã bao giờ thương lượng với nhóm người nào đó mà bà cho là đang thao túng Trung Nguyên?
+ Rất nhiều lần tôi đề nghị gặp, đề xuất cách thức để giải quyết vấn đề nhưng họ né tránh. Thậm chí, liên tục bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn khác nhau họ cố gắng đẩy tôi ra khỏi gia đình mình, công ty của mình, khởi kiện trong và ngoài nước để khủng bố tinh thần mình. Đây là những việc trái đạo lý, không thể chấp nhận được.
Họ không buông tha anh ấy.
"TÔI PHẢI TRỞ VỀ TRUNG NGUYÊN, CỨU ANH VŨ..."
- Nỗ lực của bà là có, nhưng chưa mang lại kết quả và dường như ngày càng xa dần mong muốn ban đầu. Vậy thì hành động cụ thể tiếp theo của bà như thế nào, cần sự can thiệp của pháp luật, chứ không thể nỗ lực duy ý chí?
+ Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cứu anh Vũ, gia đình và thương hiệu Trung Nguyên. Vừa qua tòa án sơ thẩm đã xử yêu cầu khôi phục lại chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực cho tôi. Và hiện Trung Nguyên đang kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Tôi phải trở về công ty, nắm giữ vị trí phó tổng giám đốc thường trực và khi đó không ai cản trở được việc cứu anh Vũ và công ty.
+ King Coffee được tung ra từ tháng 10-2016, khi ở Mỹ. Sau đó, đến Trung Quốc, Hàn Quốc rồi mới đến Việt Nam. Và hiện nay, chúng tôi cần rất nhiều thời gian và sự ủng hộ để xây dựng được một thương hiệu vươn ra toàn cầu.
- Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
THÁI PHƯƠNG - TRẦN NHÃ THỤY (thực hiện). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Người lao động
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuu-chong-toi-cuu-trung-nguyen-a33539.html