Bắc Kinh dường như đang muốn thay đổi thông điệp sau làn sóng chỉ trích nhắm vào những người được cho là cổ súy chủ nghĩa dân tộc quá mức, thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại ngày càng nóng với Mỹ đang gây ra sự chia rẽ trong đảng Cộng sản Trung Quốc, khi một số nhà phê bình nói rằng lập trường dân tộc chủ nghĩa quá mức của Bắc Kinh có thể đã làm gia tăng vị thế của Washington, theo bốn nguồn tin gần gũi với chính phủ.
Quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình hiện vẫn vững chắc, nhưng làn sóng chỉ trích bất thường nhằm vào chính sách kinh tế và cách chính phủ xử lý cuộc chiến thương mại đã hé lộ những rạn nứt hiếm hoi trong nội bộ Bắc Kinh.
Phản ứng mạnh đang được cảm nhận ở cấp cao nhất của chính quyền, dường như nhắm vào Vương Hỗ Ninh, chiến lược gia kiêm lý thuyết gia của ông Tập, một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Một học giả nổi tiếng và có ảnh hưởng với những quan điểm được một số thành phần trong đảng ủng hộ cũng bị chỉ trích vì quan điểm diều hâu về sức mạnh của Trung Quốc.
Dân tộc chủ nghĩa quá mức
Các nguồn tin cho hay ông Vương, kiến trúc sư của "Giấc mộng Trung Quốc" - tầm nhìn về một Trung Quốc hùng mạnh và thịnh vượng, đã bị ông Tập khiển trách vì tạo ra hình ảnh dân tộc chủ nghĩa quá mức cho Bắc Kinh và điều đó chỉ góp phần khiêu khích Mỹ.
"Ông ấy đang gặp rắc rối vì tuyên truyền sai cách và thổi phồng Trung Quốc quá nhiều", một trong những nguồn tin có quan hệ với hệ thống lãnh đạo và tuyên truyền của Trung Quốc cho biết.
Văn phòng của phát ngôn viên đảng Cộng sản Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận về ông Vương và mối quan hệ giữa ông với ông Tập, hoặc liệu Trung Quốc có sai lầm trong thông điệp của mình về cuộc chiến thương mại hay không.
(Từ trái qua) Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Vương Hỗ Ninh và Thủ tướng Lý Khắc Cường, 3 trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Getty.
Theo một cố vấn chính sách đề nghị giấu tên, nội bộ chính phủ Trung Quốc ngày càng cảm thấy rằng tình hình trước mắt với đất nước đã "trở nên xấu hơn" sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi đáng kể vì căng thẳng thương mại.
Những người có ảnh hưởng khác cũng có chung cảm giác này.
"Nhiều nhà kinh tế và trí thức đang buồn rầu về chính sách của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại", một học giả tại một cơ quan nghiên cứu tư vấn chính sách Trung Quốc nói với Reuters. "Quan điểm bao trùm là lập trường hiện tại của Trung Quốc quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình".
Quan điểm đó trái ngược với suy nghĩ hồi đầu năm của nhiều học giả Trung Quốc, những người đã tung hô khả năng Bắc Kinh sẽ trụ vững trong căng thẳng thương mại khi đối mặt với những yếu kém chính trị của ông Trump trong nước.
Trung Quốc nghĩ rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Washington vào tháng 5 để tránh cuộc chiến thương mại, nhưng sau đó đã sốc khi chính quyền Trump, trong mắt Bắc Kinh, quay lưng với thỏa thuận.
"Quá trình đi từ mâu thuẫn thương mại đến chiến tranh thương mại đã làm cho người ta suy nghĩ lại mọi thứ", vị cố vấn chính sách cho biết. “Điều này được xem là liên quan đến việc một số tổ chức và học giả Trung Quốc đã thổi phồng sức mạnh của nước này, ảnh hưởng đến nhận thức của Mỹ và thậm chí cả quan điểm trong nước".
Một quan chức nắm rõ về các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc cho biết thông điệp đã đi chệch hướng.
"Trong cuộc chiến thương mại lần này, tư duy về tuyên truyền đã đi theo hướng ông Trump là kẻ điên", vị quan chức cho biết. "Trên thực tế, điều ông ấy lo sợ chính là việc chúng ta mạnh lên".
Thông điệp của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại với Mỹ được cho là đã đi chệch hướng.Ảnh: Reuters.
Trung Quốc có còn tự tin?
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, các quan chức ngày càng tự tin tuyên bố những gì họ coi là vị trí xứng đáng của Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới, từ bỏ chiến lược "giấu mình chờ thời" nổi tiếng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Sự tự tin càng trở nên rõ ràng khi chính phủ đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai, Con đường" để xây dựng các tuyến thương mại kết nối Đông - Tây, cũng như thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ như tranh chấp Biển Đông và Đài Loan.
Hồ An Cương, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa và là chuyên gia trong lĩnh vực "chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc", là nhân vật nổi bật ủng hộ quan điểm rằng Trung Quốc đã đạt được "quyền lực toàn diện".
Trong những tuần gần đây, ông Hồ đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội từ công chúng, khi những người chỉ trích nói ông phải chịu trách nhiệm về việc khiến Mỹ cảnh giác với Trung Quốc bằng cách thổi phồng và phóng đại sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự của nước này.
Theo vị cố vấn chính sách, một số người trong giới quan chức cũng có chung quan điểm với ông Hồ. Ông Hồ từ chối bình luận khi Reuters liên lạc.
Sự rạn nứt trong đảng xảy ra khi thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, và chính phủ phải vật lộn để ổn định nền kinh tế, giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại.
Trong những tuần qua, Trung Quốc đã khuyến khích cho vay và cam kết áp dụng chính sách tài khóa - bao gồm cắt giảm thuế và chi ngân sách nhiều hơn cho chính quyền địa phương - để đối phó với sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế và những bất định gia tăng một phần do cuộc chiến thương mại leo thang.
Ông Tập cũng phải đối mặt với những "trận chiến" khác, bao gồm sự tức giận của công chúng trong bê bối vaccine kém chất lượng cũng như những cuộc biểu tình ở Bắc Kinh tuần này khi các sàn cho vay trực tuyến phá sản, bị nghi ngờ lừa đảo.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu được cho là đang nhóm họp bí mật tại thị trấn nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà, để lại khoảng trống chính sách khi ông Tập và các quan chức khác hoàn toàn "biến mất" trên truyền thông nhà nước. Dựa vào những gì xảy ra trong những năm trước, cuộc họp thường niên có thể kéo dài đến hai tuần.
Giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang họp kín tại Bắc Đới Hà, thị trấn nghỉ dưỡng thuộc tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Kyodo.
Không rõ liệu "ông trùm" tuyên truyền Vương Hỗ Ninh có phải đối mặt với bất kỳ hệ lụy nào hay không, và có thể có những lý do khác cho những căng thẳng trong đảng liên quan đến ông.
Một nguồn thứ ba có quan hệ với giới lãnh đạo nói với Reuters rằng căng thẳng có liên quan đến việc ông Vương phản đối sự sùng bái cá nhân đã và đang hình thành.
Ông Vương vẫn xuất hiện trên truyền thông nhà nước và các nhà ngoại giao cũng như nguồn tin từ giới lãnh đạo nói rằng không có khả năng ông sẽ bị loại khỏi Ủy ban Thường vụ, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất Trung Quốc. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Dù truyền thông nhà nước những ngày qua tràn ngập những bình luận đầy thách thức về Mỹ và chiến tranh thương mại, đã có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong thông điệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bắt đầu "giảm tông" trong việc tuyên truyền cho "Made in China 2025", chính sách công nghiệp do nhà nước hậu thuẫn, cốt lõi cho những than phiền của Washington về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Kênh tin tức tiếng Anh của truyền hình quốc gia CGTN, hướng đến người nước ngoài, cũng đang tập trung vào việc người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi hàng tiêu dùng rẻ tiền của Trung Quốc có giá đắt hơn, cũng như việc chính sách thuế quan sẽ gây thiệt hại ra sao cho nền kinh tế Mỹ.
Song tư duy của giới chức chính phủ Trung Quốc là thiệt hại đã xảy ra, và Trung Quốc nhận ra một cách khó khăn rằng việc tuyên truyền trong nước của họ đang bị soi xét cẩn trọng ở nước ngoài theo cách chưa từng có trước đây.
"Trung Quốc không thể 'giấu mình chờ thời', nhưng ít nhất chúng ta có thể kiểm soát mức độ của việc tuyên truyền và kể câu chuyện về Trung Quốc một cách thích hợp", một nguồn tin trong giới chính sách nói.
"Khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, Trung Quốc ít bị bên ngoài chú ý nhưng hiện Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ".
Đông Phong
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/noi-bo-ran-nut-tq-xuong-nuoc-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-a33681.html