Khi còn sống, Jobs đã đề cập đến việc ông hy vọng mình sẽ để lại những di sản gì cho Apple rất nhiều lần. Steve Jobs đã không ngừng mơ ước "thay đổi thế giới" và những gì ông để lại đã thực sự làm được điều đó.
Khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, kênh truyền hình ABC News đã làm một chương trình chia sẻ những thông đến nhà lãnh đạo huyền thoại của hãng Apple. Cùng với những câu chuyện, những bài phát biểu truyền cảm hứng của Steve Jobs, 7 nguyên tắc sống mà ông đưa ra cho đến nay vẫn là những điều mà ai cũng có thể học hỏi trên con đường tìm kiếm thành công.
1. Theo đuổi đam mê
"Làm những gì bạn yêu thích" là điều mà Steve Jobs đã nhắc đi nhắc lại trong các bài phát biểu nổi tiếng của mình. Trong một lần xuất hiện công khai cùng Bill Gates , Jobs giải thích vai trò của niềm đam mê đối với việc thúc đẩy thành công rằng: “"Mọi người nói bạn cần phải có rất nhiều niềm đam mê cho những gì bạn đang làm và điều đó hoàn toàn đúng. Lý do là vì theo đuổi đam mê rất khó. Nhưng nếu bạn không có đam mê, cho dù bạn là ai, bạn cũng dễ dàng từ bỏ công việc”.
Một số người cho rằng niềm đam mê đang được đánh giá quá cao, nhưng thực tế lại cho thấy chỉ những ai theo đuổi công việc mình yêu thích thì mới có thể thành công.
2. Tìm ra động lực cao quý trong bạn
Tôi từng hỏi cựu giám đốc điều hành của Apple, John Sculley về thực hư của câu chuyện “nước đường”. Đó là vào năm 1983, Jobs đã cố gắng thuyết phục Sculley từ bỏ PepsiCo về làm việc cho Apple. Sau đó, Sculley gặp Jobs để từ chối lời đề nghị. Nhưng chỉ với một câu hỏi "Anh muốn cả đời đi bán thứ nước đường ấy, hay cùng tôi thay đổi thế giới?", Jobs đã khiến John Sculley, CEO của PepsiCo bỏ lại sự nghiệp ông gây dựng hơn 10 năm để cùng Steve Jobs điều hành Apple.
Có mấy ai dám mơ về việc "thay đổi thế giới" và có bao người dám biến ước mơ đó thành hiện thực? Vậy mà có một Steve Jobs vẫn không thôi mơ ước và còn thuyết phục thành công CEO của PepsiCo nghỉ việc để cùng thực hiện giấc mơ thay đổi thế giới với mình.
Sculley nói rằng, kinh nghiệm đã dạy ông rằng có một động lực cao quý sẽ dẫn đường chúng ta đi đến thành công. Và giấc mơ thay đổi thế giới của Jobs đã hoàn toàn thuyết phục được ông.
3. Đơn giản hóa mọi thứ
Steve Jobs đã từng nói rằng: “Đơn giản chính là đỉnh cao của mọi sự tinh tế, phức tạp”. Tại đài tưởng niệm của Jobs trong khuôn viên trường Apple ngay sau khi ông qua đời, nhà thiết kế Jony Ive đã giải thích câu nói này như sau: "Cách chúng tôi tiếp cận thiết kế là cố gắng đạt được hiệu quả tối đa với nguồn lực nhỏ nhất và luôn cố gắng phát triển những giải pháp đơn giản nhất”.
Jobs luôn cố gắng xây dựng sự đơn giản trong mọi thứ, từ thiết kế đến chiến lược. Khi Jobs trở lại Apple năm 1997 sau khi bị sa thải mười hai năm trước đó, sáng kiến đầu tiên của ông là cắt giảm số lượng sản phẩm hiện đang chào bán tới 70%. Bởi vì ông muốn các kỹ sư của Apple tập trung vào 30% còn lại, hay như cách gọi của Jobs là "tập trung vào tinh hoa".
4. Khai phá sự sáng tạo
Jobs đã từng nói bí mật để sáng tạo đó là: “Hãy bước ra khỏi cái bạn đang làm, cố gắng tìm kiếm những gì tốt nhất mà người khác đã làm và sau đó áp dụng vào công việc của bạn”. Trong vài năm qua, các sách và tài liệu nghiên cứu đã chứng minh rằng Jobs đã đúng. Các doanh nhân sáng tạo nhất thế giới luôn có tầm nhìn vượt ra ngoài lĩnh vực của họ để tìm kiếm ý tưởng.
Ví dụ, Jobs đã từng đi lang thang trong nhà bếp để tìm kiếm ý tưởng cho Apple II, và ông tìm thấy ý tưởng về một chiếc máy tính thân thiện thiện, hữu ích – sản phẩm mà mọi người dùng đều muốn nó xuất hiện trong ngôi nhà của mình.
Sáng tạo không chỉ xảy đến ngẫu nhiên, hãy chủ động tìm kiếm nó từ lĩnh vực bạn đang làm việc.
5. Tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng
Một trong những cuốn sách nổi tiếng viết về Steve Jobs, The Apple Experience, đã khéo léo chỉ ra mô hình lợi nhuận của Apple là tập trung vào khách hàng. Có nhiều thương hiệu nổi tiếng đã bắt chước cách thức hoạt động này của cửa hàng Apple, trong đó có cả Tesla.
Cựu giám đốc bán lẻ cho Tesla, George Blankenship, chính là người đã giúp xây dựng 100 cửa hàng Apple đầu tiên cùng với Steve Jobs. Trong một cửa hàng Tesla ở San Jose, California, khi có người nói với Blankenship rằng: "George, điều này gợi nhắc tôi về một cửa hàng Apple". Blankenship đã nghiêng người, hạ thấp giọng và nói: " Nó chính là một phiên bản giống Apple, nhưng thay vì bán máy tính, chúng tôi bán xe".
Chìa khóa cho sự thành công của cửa hàng Apple là con người. Họ không chỉ thuê nhân công, họ thuê cả nhân cách. Bản thân Steve Jobs cho rằng họ có thể dạy bất cứ ai bán iPad, nhưng họ không thể dạy nhân viên cách thân thiện. Vì thế, ngay từ đầu, chủ trương của Apple là thuê những người có đam mê và niềm yêu thích với chính công việc mình làm để tạo ra hiệu quả cao nhất.
6. Trở thành người kể chuyện
Steve Jobs nổi tiếng là một doanh nhân có tài ăn nói. Ông là cha đẻ của nhiều bài thuyết trình đầy cảm hứng ngay cả khi PowerPoint và Keynote chưa được phát minh. Trong sự kiện ra mắt đầu tiên của Macintosh năm 1984, Jobs không cần phải trình chiếu để xây dựng nên một câu chuyện.
Thông qua việc sử dụng khả năng kể chuyện, ông đã vẽ một bức tranh về một kẻ phản diện, một cuộc đấu tranh và một anh hùng. Và trong đoạn cao trào của câu chuyện, ông thậm chí còn kéo chiếc máy tính ra khỏi một chiếc túi vải màu đen ngay giữa sân khấu. Jobs là một người kể chuyện tuyệt vời khi ông đã biến sản phẩm ra mắt vào buổi biểu diễn thành một màn trình diễn ấn tượng.
7. Đừng chỉ bán sản phẩm, hãy bán cả những giấc mơ
Trong một bài thuyết trình công khai vào năm 1997 để khởi động chiến dịch quảng cáo mang tính biểu tượng "Think Different" , Jobs nói: "Một số người nghĩ rằng họ - những người mua Mac là điên rồ, nhưng trong sự khác biệt đó, chúng ta thấy dáng hình của những thiên tài”. Khách hàng của bạn sẽ không quan tâm đến sản phẩm, công ty hoặc ý tưởng của bạn. Cái họ thực sự quan tâm là chính bản thân họ cùng với những ước mơ và hy vọng.
Không chỉ khác biệt từ những ý tưởng quảng cáo, mỗi sản phẩm của Apple còn rất độc đáo bởi những những thông điệp mà nó mang đến. Đó chính là “ước mơ” Apple đã “gieo” cho người dùng về một thế giới tương lai hoàn mỹ và đơn giản hoá với những sản phẩm của họ. Và việc sở hữu một sản phẩm mang biểu tượng “quả táo cắn dở” vì thế cũng trở thành ước mơ của rất nhiều người.
Theo Minh Ngọc
Trí Thức Trẻ/INC