Cristiano Ronaldo - khi siêu sao về làng

Trận ra mắt của CR7 trong màu áo Juventus không diễn ra trước hàng vạn khán giả hay ngập trong ánh flash, mà ở một miền quê hẻo lánh.

Chỉ là một trận đấp ở làng, nhưng màn ra mắt của Juventus trước mùa giải mới vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng hâm mộ. Ảnh: La Presse.

Chỉ là một trận đấu ở làng, nhưng màn ra mắt của Juventus trước mùa giải mới vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng hâm mộ. Ảnh: La Presse.

Juventus đã bảo vệ sự riêng tư và an toàn cho Ronaldo đến tận răng. Từ khi tin đồn Ronaldo sẽ về Juventus râm ran, một vài người phát hiện ra anh ở một sân golf, một tiệm bánh pizza và một nhà hàng gắn sao Michelin. Nhưng ngoài những lần chớp nhoáng ấy, bóng dáng của đương kim chủ nhân Quả Bóng Vàng vẫn biền biệt. Người hâm mộ thường chỉ thấy được anh trên mặt báo, và trên tài khoản mạng xã hội của CLB.

Đấy là lý do vì sao công chúng háo hức được nhìn thấy Ronaldo, bản hợp đồng trị giá 117 triệu đôla của CLB, bằng xương bằng thịt. Các CĐV cũng không quên hô "Grande Agnelli! Grande Agnelli!" để tri ân ngài Chủ tịch trẻ tuổi Andrea Agnelli vì ông đã thực hiện "Bản hợp đồng của thế kỷ", như cách tờ Tuttusport gọi thương vụ mua Ronaldo.

Juventus hoàn toàn có thể bán ra số vé gấp đôi sức chứa của sân Allianz cho trận đấu ra mắt của Ronaldo. Nhưng truyền thống và nhân dạng là những điều mà người Italy không bao giờ bỏ qua. Juventus có thể chơi ở Turin, nhưng họ vẫn đến đây, một góc của thung lũng Chisone hẻo lánh, vì truyền thống của CLB nằm ở đấy.

Ronaldo chưa đá trận nào cho Juventus kể từ khi gia nhập CLB. Anh tươi cười với đám đông người hâm mộ đang hò reo, khi chuẩn bị vào trận đấu với Juventus B. Ảnh: ANSA.

Ronaldo chưa đá trận nào cho Juventus kể từ khi gia nhập CLB. Anh tươi cười với đám đông người hâm mộ đang hò reo, khi chuẩn bị vào trận đấu với Juventus B. Ảnh: ANSA.

Villar Perosa là quê hương của gia tộc Agnelli. Nói cách khác, đấy cũng chính là cái nôi của Juventus. Từ sân bóng đá duy nhất trong làng, phóng tầm mắt ra, du khách có thể nhìn thấy được màu của những quả dâu tằm mọc trên những triền núi. Người dân ở đây nói tổ tiên của nhà Agnelli đã trồng hàng cây ấy. Họ cho những con tằm ăn lá dâu, rồi bán tơ lụa cho những nhà máy may mặc trong vùng. Số tiền ấy sau này sẽ được đầu tư để tạo nên hãng FIAT. Phần còn lại, như chúng ta vẫn nói, đã là lịch sử.

Từ một nơi có thể nhìn thấy dãy Alps và biên giới nước Pháp, trận giao hữu thường niên của Juventus đã diễn ra. Họ đã duy trì truyền thống này từ năm 1931. Marco Ventre, thị trưởng Villar Perosa kiêm... nhân viên pháp y, đã ngồi giữa các CĐV nơi đây. Ông mặc một chiếc áo có hàng chữ dài: "Một cộng đồng muốn kiến tạo tương lai phải biết nhớ về quá khứ. Lịch sử của làng ta gắn liền với gia đình Agnelli. Một mối liên kết đã có từ quá khứ, tiếp tục sống ở hiện tại và kéo dài đến tương lai".

Trận giao hữu giữa làng là một biểu tượng, là lời nhắc nhở hùng hồn cho nguồn gốc của gia tộc Agnelli và Juventus. Và dù cho một ngôi sao có thành danh đến đâu đi nữa, anh ta vẫn luôn phải trở về đây để gửi một lời chào đến quá khứ. Ronaldo tất nhiên cũng chẳng phải là một ngoại lệ. Chơi bóng giữa làng là một lời giới thiệu trực quan và hùng hồn về lịch sử của CLB, hơn mọi thước phim tài liệu và mọi quyển sách.

Villar Perosa trở nên náo động trong hôm qua vì sự xuất hiện của Ronaldo, trong trận cầu thường niên của Juventus trước mỗi mùa giải mới. 

Villar Perosa trở nên náo động trong hôm qua vì sự xuất hiện của Ronaldo, trong trận cầu thường niên của Juventus trước mỗi mùa giải mới.

Bầu không khí ở đây rất yên bình. Làng chỉ có 4.000 dân, sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chờ Juventus mỗi năm một lần đến đá trận giao hữu trước khi bước vào mùa giải mới. Nhưng năm nay đặc biệt hơn mọi lần, cũng chỉ vì Ronaldo.

Juventus đến sân vào lúc 16h, nhưng các CĐV đã chờ ở đó suốt nhiều giờ đồng hồ. Và không chỉ có cư dân bản địa. Một cặp bố con đã rời Bologna từ 5h sáng để kịp đến đây. Hồi đầu tuần, Dario Merlo, một người bán thuốc lá ở địa phương, cho tờ La Repubblica biết ông nhận nhiều cuộc gọi từ những người quen cũ, có khi là từ tận đảo Sicily. Họ muốn đổi mì ống hạnh nhân, hoặc bất cứ thứ gì để lấy một tấm vé vào sân, được mở bán với giá 15 và 25 euro (từ 20 đến 30 đôla).

Không có tấm vé ấy, bạn sẽ không được vào Villar Perosa. Trước giờ trưa, đường vào làng đã kẹt xe. Khoảng 600 cảnh vệ tuần tiễu để bảo vệ an toàn cho dân làng, ba chốt kiểm soát an ninh được dựng lên. Lần gần nhất Villar Perosa nhộn nhịp như thế là khi Juventus tậu Roberto Baggio từ Fiorentina năm 1990.

Bỏ qua lý do an ninh, chiều Chủ nhật vừa qua đích thực là một ngày hội. Bọn trẻ trong làng mặc áo Ronaldo cùng với chữ “J” được thợ hớt tóc khắc lên đầu. Mọi người xếp hàng mua bia và panino đầy các quán bar. Ở một chỗ khác, người ta xếp hàng để mua chiếc áo có hình Gianni Agnelli và Ronaldo trên đó. Họ không quên trêu chọc nhau bằng câu hỏi: "Thế Inter đã ký với Modric chưa?".

Trẻ em xếp hàng để được húi chữ CR7 lên tóc trước khi vào xem trận đấu. 

Trẻ em xếp hàng để được húi chữ CR7 lên tóc trước khi vào xem trận đấu.

Khi trận đấu diễn ra, cơn sốt lên đến đỉnh điểm. Sau khi đám đông gầm lên: “Grande Agnelli! Grande Agnelli!”, họ càng gầm lớn hơn khi thấy thủ quân Giorgio Chiellini dẫn các đồng đội bước ra sân. Các cầu thủ khoe chiếc Cup Serie A và Cup Italy giành được mùa trước với các CĐV.

Đi ra từ phía đường hầm dành cho “đội khách” là Juventus B, gồm những cầu thủ dự bị và đa số là những cầu thủ trẻ. Dù cho sự nghiệp có trôi về đâu đi nữa, ít nhất họ cũng có một điều để tự hào: từng đấu với Ronaldo trong trận đầu tiên siêu sao này khoác áo Juventus. Những trung vệ tuổi teen như Matteo Anzolin và Riccardo Capellini đã nghĩ gì khi ngăn chặn Ronaldo? Phải tập trung nhìn bóng thay vì nhìn người? Lo sợ vì sẽ làm chấn thương cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Serie A? Hay nỗi ngượng ngùng nếu như bị qua mặt một cách dễ dàng? Có lẽ là tất cả. Nhưng khi trận đấu khép lại, không có một chấn thương nào, không có một phút giây căng thẳng nào, chỉ là những ký ức tuyệt vời, về một trải nghiệm để đời.

Ronaldo không mất quá nhiều thời gian để tạo dấu ấn. Giống như một... định mệnh, số 7 của Juventus ghi bàn ngay phút thứ bảy. Anh đuổi theo một đường chuyền dài từ Federico Bernardeschi và tung cú sút vào góc. Sau đó, anh còn cố thực hiện một cú tung người móc bóng, biểu diễn vài cú đánh gót và có hai đường chuyền dọn cỗ cho Paulo Dybala và Douglas Costa. Ronaldo vẫn vậy, đẹp như tạc tượng và chơi bóng hết mình, không phân biệt tính chất trận đấu.

Kết thúc hiệp một, Ronaldo được giữ lại trong phòng thay quần áo để... lánh nạn. Bởi như Patrice Evra từng cảnh báo đồng đội cũ: "Anh nghĩ là mình nhanh lắm, cho đến khi anh chơi bóng tại Villar Perosa". Vì vừa dứt trận, các CĐV đều tràn xuống cả sân và... lột đồ các cầu thủ mang về kỷ niệm. Họ càng yêu ai thì... lột càng nhiều. Ở Italy, “nghi thức” này được gọi là "bagno di folla", tức “tắm giữa biển người”. Emre Can và Leonardo Bonucci đã phải ký tên cho các CĐV  khi chỉ còn mỗi chiếc quần lót trên người.

Khán giả Juventus tràn vào sân

Khán giả tràn vào sân, khiến trận đấu ra mắt của Ronaldo cùng Juventus phải dừng lại từ phút 75.

Khi đám đông tan đi, những ngọn đồi xanh của Villar Perosa lại hiện ra, hiền hòa và tĩnh lặng. Người nhà Agnelli đã không còn hái lá dâu nuôi tằm nữa. Họ đã tiến vào những ngành kinh doanh bạc tỷ, đã trở thành những nhân vật quyền lực mà cả Italy gọi là “Hoàng gia Agnelli”. Nhưng họ chưa bao giờ quên xuất phát điểm của gia tộc. Đấy là lý do họ mang Ronaldo đến Villar Perosa. Đấy là lý do họ mang Ronaldo về Juventus. Từ nơi đây, những điều thiêng liêng và vĩ đại nhất đã được ươm mầm.

Người nhà Agnelli đã có gần như mọi thứ họ muốn, nhưng trong tim họ luôn có hình ảnh của những bãi nương dâu.

Hoài Thương/VNE tổng hợp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cristiano-ronaldo-khi-sieu-sao-ve-lang-a34081.html