Giá lợn hơi tại Việt Nam đã tăng tới hơn 200%, đang ở mức cao nhất thế giới. Ai cũng nghĩ nông dân nuôi lợn lần này 'trúng đậm', nhưng đáng tiếc, sự thực không phải như vậy.
“Cơn sốt” giá lợn hơi đã kéo dài suốt từ tháng 4 đến nay và hiện đã đạt trung bình 50.000 – 56.000 đồng/kg. Giá lợn lên kinh hoàng, phi mã, tăng như chứng khoán, cao nhất thế giới - là những từ ngữ mà các chuyên gia nông nghiệp, chủ tịch các hiệp hội chăn nuôi địa phương dùng để mô tả về cơn sốt giá lợn hơi năm nay.
Suốt gần 2 năm trải qua "bão giá", đến nay người chăn nuôi lợn mới có cơ hội gỡ gạc khi giá lợn hơi liên tục tăng cao. Ảnh: Hải Đăng
Điều này trái ngược với thời điểm cuối năm 2017. Tôi còn nhớ khi ấy, ở Hà Nội cũng như về các vùng quê, đi đến đâu cũng nghe bàn chuyện giải cứu heo. Lúc đó, giá heo hơi xuống sâu tới mức chỉ còn 20.000 – 22.000 đồng/kg mà thương lái còn chê ỏng chê eo. Không bán được heo, càng để lâu trong chuồng càng tốn tiền cám, nên nhiều hộ cực chẳng đã phải tự giết mổ, rồi tự mang ra chợ bán với giá 100.000 đồng/3kg. Hồi ấy gần như cả nước rộ lên phong trào giải cứu thịt heo, tôi và mấy chị em đồng nghiệp cũng rủ nhau ăn đụng, mua 1 con về chia ra ăn dần cả tuần.
Nhưng nay thì mọi chuyện đảo ngược. Giá heo từ chỗ siêu rẻ vì dư thừa, nay tăng giá gấp 2-3 lần. Ai có heo bán đúng thời điểm này, hẳn là “vớ bẫm”. Theo tính toán của người nuôi, sau khi trừ chi phí mỗi con heo trọng lượng trên 100kg có thể cho lãi từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, bà con chia sẻ, đó chỉ là “đếm cua trong lỗ”, bởi trên thực tế số hộ có heo bán hiện nay không nhiều. Sau đợt khủng hoảng thừa, giải cứu năm ngoái, nhiều nông hộ đến giờ vẫn chưa “hoàn hồn”, nợ tiền cám, nợ ngân hàng chưa trả được, thì lấy đâu ra heo nuôi tiếp. Ở nhiều nơi, như huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hơn 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải bỏ nghề, còn các chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp vẫn duy trì nhưng cũng giảm từ 20-50% tổng đàn so với lúc cao điểm.
Trước, nông dân khóc ròng vì thua trắng, heo nuôi không biết bán cho ai, giá rẻ như cho. Nay, nông dân lại khóc thầm tiếc rẻ, vì không có heo mà bán. Giá heo hơi tăng cao nhất thế giới, nhưng nông dân vẫn thua thiệt, vẫn thu lợi thấp nhất, không có được đồng nào.
Giá lợn hơi tăng cao, nhưng không nhiều hộ chăn nuôi còn lợn để bán. Ảnh: Hải Đăng
Khi nông dân không còn lợn để bán, thì lợi nhuận khủng từ đợt tăng giá lợn hơi lần này không chảy vào túi nông dân, mà vào túi các "đại gia" chăn nuôi lớn như Công ty C.P, Dabaco, Vissan...
Báo cáo của Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho thấy, cùng kỳ năm 2017, tập đoàn này lỗ khoảng 20 tỷ đồng nhưng qua nửa đầu năm 2018 đã đạt lợi nhuận 93 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu thuần của Masan Nutri-Science đạt 3.492 tỷ đồng vào quý II.2018, tăng 9,1% so với quý I.2018…
Tất nhiên, các “đại gia” này chăn nuôi quy mô lớn, thị trường có biến động, khủng hoảng, họ có lỗ chục tỷ, trăm tỷ thì vẫn trụ được và “sức khỏe” cũng hồi phục rất nhanh, không như nông dân dốc hết cơ nghiệp vào đàn heo, lỗ vài trăm triệu là đã trắng tay, phá sản.
Nhìn lại diễn biến của thị trường thịt heo thời gian qua cũng như sự thua thiệt của người nông dân, có thể thấy rõ ràng sự điều tiết của cơ quan chức năng có vấn đề. Chỉ trong vài tháng, giá heo hơi từ chạm đáy thua lỗ đến tăng cao chót vót, thậm chí cao nhất thế giới, là điều “rất bất thường”, “khó giải thích” – như thừa nhận của không ít chuyên gia nông nghiệp, đại diện hiệp hội chăn nuôi địa phương.
Khi giá lợn hơi giảm quá sâu và lâu, dư luận nói rất nhiều về vai trò quản lý, điều hành của ngành chăn nuôi, nay giá lợn tăng cao, dư luận lại một lần nữa cho rằng vai trò nắm bắt, định hướng của ngành nông nghiệp rất yếu. Người ta cũng đặt câu hỏi, vai trò điều tiết, bình ổn giá của ngành công thương ở đâu khi trong suốt gần 2 năm qua không có động thái gì rõ rệt, bỏ mặc người nông dân “bơi” trong “bão giá”?
Thực tế là trong cuộc khủng hoảng năm 2017, người nuôi lợn phải ngậm đắng nuốt cay khi 1kg thịt lợn không mua nổi 1kg táo tàu, rẻ như mớ rau ngoài chợ. Để chống chọi với tình trạng giá lợn giảm kỷ lục, người nông dân phải vét nhẵn túi, cắm sổ đỏ lấy tiền mua cám cho lợn ăn... Trong cơn khốn khó ấy, vai trò của các bộ, ngành ở đâu?
Ông Trần Duy Hưng tăm cho đàn lợn tại trang trại của gia đình ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Theo các chuyên gia, chúng ta không nên can thiệp vào thị trường thịt lợn, bởi đó là quy luật cung cầu. Nhưng chính Bộ NNPTNT cũng thừa nhận giá lợn hơi xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI), đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới. Nếu lại để “nước đến chân mới nhảy”, thì lúc đó vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của các bộ, ngành cơ quan liên quan sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Trong cơn “diễn biến phức tạp”, giá lợn hơi tiếp đà tăng phi mã ấy, Bộ NNPTNT tuần trước đã phải ra công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn. Trước đó là hàng loạt lời cảnh báo người nuôi không nên găm hàng tạo sốt ảo, không nên tái đàn ồ ạt... Những cảnh báo, khuyến cáo quen thuộc ấy chẳng có những con số, dự báo, thống kê cụ thể. Người nông dân vừa chép miệng tiếc rẻ nhìn giá lợn hơi tăng cao từng ngày, vừa ngó nghiêng lo sợ lại tái diễn vòng luẩn quẩn năm trước ế thừa – giải cứu, năm sau thiếu – tăng giá, lại ồ ạt nuôi, chưa kịp bán thu tiền thì năm sau nữa lại thừa ế – giải cứu…
Vậy điều người nông dân cần lúc này là gì?
Họ cần có bàn tay tổ chức, điều hành rõ nét hơn của cơ quan nhà nước. Họ cần thông tin thị trường, cần có dự báo hàng tuần, hàng tháng chứ không phải con số thống kê 4 tháng 1 lần thiếu tin cậy như hiện nay.
Họ cũng cần Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, rồi các cơ quan chức năng làm đầu mối để kết nối, bắt tay nhau sản xuất theo chuỗi, rủ nhau vào HTX để làm ăn có kế hoạch, kết nối họ với những nhà chế biến, tiêu thụ… Đặc biệt, họ rất cần Nhà nước đứng ra định hướng, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Có như thế, thì chẳng cần giá lợn hơi tăng cao nhất thế giới, họ cũng sẽ được nở những nụ cười thu hoạch hạnh phúc nhất thế giới, vì thu được lợi nhuận cao, xứng đáng với công sức đã bỏ ra, mà không phải ngồi chép miệng tiếc rẻ như hiện nay hay khóc ròng sau những cuộc giải cứu vì ế thừa.
Minh Huệ
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nong-dan-bi-bo-lai-phia-sau-khi-gia-lon-tang-a34406.html