Cụm từ “nhà đầu tư thiên thần” do William Wetzel, sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Mạo hiểm (Center for Venture Research) thuộc trường đại học New Hampshire đặt ra trong một nghiên cứu về cách thức gọi vốn của các công ty. Khác với các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) đóng vai trò đại diện và quản trị tiền của nhiều nhà đầu tư khác, các “thiên thần” thường không phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và hoạt động một các đơn lẻ. Họ có xu hướng sử dụng chính quỹ cá nhân để nuôi các start-up từ giai đoạn “trứng nước”. Bên cạnh đó, số vốn angle investor bỏ ra không nhiều, có thể chỉ ở mức một, hai trăm triệu đồng, nhưng cũng nhờ đó mà những cam kết giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư cũng “dễ thở” hơn. Theo nghiên cứu công bố năm 2015 của hai học giả Robert Wiltbank thuộc đại học Willamette và Warren Boeker thuộc đại học Washington (Hoa Kỳ), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (internal rate of return) trung bình của một nhà đầu tư thiên thần là khoảng 27%. Trong hoàn cảnh không có nhiều sự lựa chọn, đây là một con số chấp nhận được đối với các dự án kinh doanh đang khát vốn.
Khi nào doanh nghiệp cần “thiên thần”?
Bà Vũ Mai Hảo, đồng sáng lập iAngel, một cộng đồng kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam, cho rằng angel investor đóng vai trò như một bước đệm giữa hai thời kỳ quan trọng của doanh nghiệp là giai đoạn khởi nghiệp và giai đoạn đã định hình nhưng cần số vốn lớn để tăng trưởng nhanh. “Các nhà đầu tư thiên thần thường có thứ gọi là “trách nhiệm xã hội” đối với các thế hệ doanh nhân kế cận bằng cách giúp đỡ và đầu tư vào những dự án, ý tưởng kinh doanh mới. Họ chấp nhận rót tiền mặt vào start-up dù biết rõ rủi ro cao, có thể 9/10 dự án mình đầu tư sẽ thất bại”, bà Hảo cho biết.
Bên cạnh dòng vốn nóng “cứu đói” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần còn hoạt động giống như những người thầy, dìu dắt các chủ doanh nghiệp non trẻ bước vào thương trường bằng việc truyền lại hệ thống kiến thức quản trị công ty và mạng lưới những mối quan hệ mà họ đã cất công xây dựng. Nghiên cứu năm 2011 của giáo sư ngành Quản trị kinh doanh tại đại học Harvard (Hoa Kỳ) William R. Kerr và các cộng sự cho thấy sau khoảng thời gian 4 năm, những dự án kinh doanh được các “thiên thần” đỡ đầu và tư vấn thường có khả năng sống sót cao hơn, có sức đề kháng và đội ngũ nhân viên tốt hơn cũng như khả năng gọi vốn từ các nguồn khác như VC cũng cao hơn.
“Trong trường hợp lý tưởng khi doanh nghiệp có thể tiếp cận và mời chào được nhiều “thiên thần”, họ có quyền lựa chọn nhà đầu tư nào có khả năng bổ sung những năng lực mà doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Ví dụ, start-up đang cần thực hiện một chiến dịch marketing mạnh nhằm tăng độ phủ sóng thương hiệu, họ có thể chọn angel investor có nhiều kinh nghiệm làm marketing để chỉ dẫn họ”, bà Hảo giải thích. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng trở ngại lớn nhất khi các start-up tìm đến angel investor là việc không có một công thức chung xác định những yếu tố nhà đầu tư tìm kiếm ở một dự án, khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang khi lập hồ sơ mời thầu hay trình bày ý tưởng của mình.
“Thiên thần” muốn gì ở start-up?
Với tính chất hoạt động đơn lẻ, không chuyên nghiệp và theo sở thích, các angle investor thường ít công khai những tiêu chí ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, nhìn chung, có ba yếu tố đặc biệt quan trọng có thể giúp các start-up tăng cơ hội gọi vốn thành công của mình hơn là (i) lĩnh vực kinh doanh, (ii) con người, (iii) lợi nhuận và khả năng thoái vốn của dự án.
Trước hết, đa phần các “thiên thần” đều đang hoặc đã là những doanh nhân thành đạt ở một lĩnh vực cụ thể và họ có xu hướng quan tâm đến những ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực ấy. Và điều start-up cần làm là tìm đúng và đánh trúng “gu đầu tư” của họ. “Như trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) tại Việt Nam chẳng hạn, chúng ta có thể thấy shark Phạm Thanh Hưng thích những dự án liên quan đến bất động sản, trong khi shark Linh Thái ưu tiên mảng công nghệ, còn shark Nguyễn Xuân Phú thì đa ngành hơn… Các nhà đầu tư thiên thần cũng vậy”, bà Hảo lý giải.
Tuy nhiên, theo khảo sát của EBAN, vẫn có những ngành kinh doanh được các angel investor chú ý hơn cả. Nhóm ngành công nghệ và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các dự án được “thiên thần” lựa chọn với con số lần lượt là 39 và 36%. Riêng trong lĩnh vực công nghệ, các start-up liên quan đến tài chính, công nghệ sinh học và y học thường có cơ hội gọi vốn thành công hơn.
Yếu tố thứ hai giúp start-up “ghi điểm” là về đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Năm 2013, hai nhà nghiên cứu Shai Bernstein đến từ trường đại học Stanford và Arthur Korteweg của trường đại học Southern California (Hoa Kỳ) thực hiện bài khảo sát trên 21 start-up và gần 4.500 nhà đầu tư thiên thần tại Mỹ. Kết quả cho thấy 90% “thiên thần” chọn nguồn lực con người là điều kiện hàng đầu khi xem xét một dự án khởi nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp. Ý tưởng có thể thay đổi, nhưng đội ngũ thì vẫn còn đó. Vậy nên, khi trình bày dự án trước các angel investor, những nhà sáng lập start-up cần thể hiện mình có đầy đủ năng lực triển khai dự án nhờ vào: (i) sự đam mê và tận tâm, (ii) kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực và những dự án liên quan, (iii) tinh thần hợp tác và làm việc nhóm tốt, và (iv) có động lực mạnh mẽ thúc đẩy dự án kinh doanh đến thành công.
Cuối cùng, theo bà Hảo, như bất cứ nhà đầu tư nào khác, các “thiên thần” vẫn phải đánh giá tiềm năng của một start-up dựa trên lợi nhuận (thường ở mức 10% sau 7 năm) và khả năng thoái vốn mà dự án đem lại. Điều này được thể hiện bằng một bản kế hoạch kinh doanh chắc chắn và chi tiết xác các yếu tố như dự trù tài chính, kế hoạch sản xuất và tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng, tầm nhìn ngắn-dài hạn… và đặc biệt là doanh nghiệp định sử dụng số tiền đầu tư của họ vào mục đích cụ thể nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có một kế hoạch rút lui (exit strategy) cụ thể dành cho nhà đầu tư. Thông thường, kế hoạch này có hai dạng: một là công ty khởi nghiệp sẽ được mua với số tiền lớn trong vòng từ 5-10 năm, đủ để trả lại gốc lẫn lãi cho “thiên thần”, hoặc doanh nghiệp phát triển tốt và có thể phát hành cổ phiếu (IPO). Khi đó, khoản tiền đầu tư của angel investor sẽ được quy đổi thành số cổ phiếu tương ứng.
Dù vậy, thực tế đã cho thấy rằng nhà đầu tư thiên thần không phải là người có năng lực thần kỳ có thể biến đưa mọi dự án kinh doanh đến bến bờ thành công. Điển hình như sự hợp tác thất bại giữa mô hình ẩm thực The Kafe và “thiên thần” Dennis Nguyễn, một nhà đầu tư nổi tiếng với vô vàn kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B. Do đó, trước khi chấp nhận đề nghị rót vốn của angel investor, nhà sáng lập cần phải xác định rõ thiên thần ấy sẽ đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn. Càng có nhiều sự lựa chọn, start-up càng dễ tìm được cho mình “thiên thần” phù hợp với mục tiêu phát triển của mình, mà điều này chỉ có thể đạt được nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng được một kế hoạch kinh doanh toàn diện và chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Theo Doanh Nhân