Sai lầm lớn nhất đã thay đổi tư duy ngài Warren Buffett

Dù nhiều người biết đến cuộc đời của ngài Buffett, song chúng tôi nghĩ rằng ít ai để ý ông cũng là một người vô cùng cảm tính khi còn trẻ (!) Và chính công ty Berkshire Hathaway nổi tiếng toàn thế giới lại là sai lầm phi lý trí lớn nhất của Buffett.

Berkshire Hathaway, vốn là một công ty dệt may ở khu vực New England, được thành lập từ hai thế kỉ trước. Khu vực New England là nơi mọc lên nhiều nhà máy dệt và nhuộm tại Hoa Kỳ - bởi vì nghị sĩ Quốc hội đã cho ra sắc thuế ưu đãi. Do địa lý nằm ở khu vực phía Bắc, New England phải nhập xơ sợi qua đường biển từ miền Nam xa xôi, tăng chi phí lên đáng kể. Vậy là ngay từ những ngày đầu tiên, lợi thế cạnh tranh (moat) của nhà máy dệt này đã phải phụ thuộc vào sự bảo hộ của chính trị - một dấu hiệu xấu.

Công ty này qua nhiều đời con cháu, lúc bấy giờ được điều hành bởi James Stanton, một người chi tiêu phóng khoáng. Từ lúc kế nhiệm công ty, thay vì di dời nhà máy về phía Nam để tiết kiệm chi phí hơn, ông Stanton đã đổ hàng chục triệu USD (thời bấy giờ trị giá rất lớn) vào công cuộc hiện đại hóa nhà máy dệt: Lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, thang máy, băng chuyền trên cao, hệ thống chiếu sáng và các phòng thay quần áo cá nhân. Họ phất lên trong thời gian ngắn khi cung cấp vải dù cho chiến tranh WWII, rồi sau đó tiếp tục chịu cơn cạnh tranh về tự động hóa, hàng nhập khẩu và các nhà máy miền Nam với nhân công rẻ hơn.

Ngài Buffett bắt đầu mua vào cổ phiếu Berkshire Hathaway (BRK) từ ngày 12/12/1962 khi ông nhận thấy giá trị sổ sách của BRK lên đến $19.46 mỗi cổ phiếu, cao hơn khá nhiều so với giá thị trường là $7.5. Nhiều năm vừa qua, gia đình Stanton đã dùng tiền dôi ra để mua lại cổ phiếu, do đó, ông và người bạn Cowin của mình muốn mua rẻ, rồi sau đó bán lại cho công ty. Một định hướng ngay từ đầu cũng báo hiệu tương lai không tốt cho khoản đầu tư của ông (!)

Gia đình Stanton phản ứng mạnh trước việc mua bán của Buffett như mối đe dọa lớn, nên họ tăng cường thu mua cổ phiếu và mời Buffett lên để thương lượng. Stanton làm rõ với Buffett bằng một lời đề nghị: “Chúng tôi sẽ bỏ thầu mua lại cổ phiếu vài ngày tới – ông sẽ bán giá nào ông Buffett?” – “Tôi sẽ bán với giá $11.5”- ngài Buffett trả lời. Stanton đồng ý.

Tưởng mọi chuyện đã xong xuôi, tự nhiên không lâu sau, một bức thư gửi qua đường bưu điện, đề nghị mức giá 11 đô 37 cent rưỡi cho một cổ phiếu BRK, được gửi cho Buffett (giá đó chỉ thấp hơn vỏn vẹn 12.5 cent/cp so với lúc giao kèo).

Đến đây, ngài Buffett giận tím tái, ông nói với cô thư ký: “Họ muốn chơi tôi. Cô biết không, gã này muốn chơi trò lừa đảo để hưởng thêm 1/8 đô la sau khi đã bắt tay với tôi.”

Buffett cử người bạn Cowin đến nói chuyện cho ra lẽ, song Stanton lại nói rằng đó là công ty của ông ta và ông ta có thể làm bất cứ gì ông thích. Warren muốn trả thù, ông muốn làm cho Stanton ân hận, và thay vì bán ra, ông quyết tâm đẩy toàn gia đình Stanton ra khỏi hội đồng quản trị của công ty.

Chỉ vì muốn trả thù một cách cảm tính – đồng thời nghĩ rằng tài sản tồn kho và máy móc của BRK thật sự có giá, Buffett đã chi hàng triệu USD để mua phần lớn quyền kiểm soát công ty vào năm 1965. Berkshire Hathaway thực chất không hề đáp ứng đủ ¾ chữ cái “M” (meaning, moat, management & margin of safety). Ngành dệt may là một ngành thâm dụng vốn mà Buffett cũng chẳng ưa thích gì. Công ty không có lợi thế cạnh tranh, ban lãnh đạo cũng không hề có tinh thần cầu tiến và có tầm nhìn để phát triển sang mảng mới. Điểm sáng duy nhất của BRK là biên độ an toàn lớn tại mức giá $7.5. Dưới đây là bảng cân đối kế toán của BRK lúc bấy giờ:

 

Nhìn bảng cân đối trên, có thể thấy Berkshire là một mô hình đốt tiền nghiêm trọng, khi đầu tư nhà xưởng và nguyên vật liệu chiếm phần chủ đạo trong tài sản.

Sau khi được tiến cử vào hội đồng quản trị thành công nhờ số phiếu lớn, gia đình Stanton cũng phải từ nhiệm, Buffett bổ nhiệm kỹ sư Ken Chace lên làm CEO, tiếp quản nhà máy. Vui mừng thắng lợi được phút chốc, tự nhiên ngài Buffett lại cảm thấy mình đã có phần điên rồ:

“Thế là tôi mua được mẩu xì gà tôi muốn cho riêng tôi và tôi cố hút nó. Bạn xuống phố và bạn bắt gặp một mẩu xì gà ướt đẫm, gớm ghiếc và làm bạn tởm lợm. Nhưng mà nó còn hơi rít duy nhất cuối cùng miễn phí. Đó là Berkshire Hathaway năm 1965. Tôi đã đặt rất nhiều tiền vào mẩu xì gà này. Có lẽ tôi đã khấm khá hơn nhiều nếu tôi không nghe về Berkshire Hathaway.”

Thắng lợi xong, thay vì vui mừng, ông lại thấy “tởm lợm”. Mà nhận định của ông đúng lắm! Sau 20 năm duy trì công ty với chi phí vốn hàng triệu USD mỗi năm, đến năm 1985, ông đã quyết định đóng cửa mảng dệt may. May mắn rằng sau khi tiếp quản công ty, ông bán bớt hàng tồn kho, rồi dùng tiền đó đi đầu tư vào những doanh nghiệp sinh lợi hơn, thành tập đoàn tài chính hùng mạnh hàng đầu thế giới như hiện nay.

Đến bây giờ, khi được phỏng vấn lại, ông luôn nói Berkshire là sai lầm lớn nhất của ông. Nó đã làm ông thiệt hại đến 200 tỷ USD chi phí cơ hội theo ước tính của ông. Nên ông muốn giữ tên của nó để khắc ghi rằng: Mấu chốt trong đầu tư chính là mua một doanh nghiệp tuyệt vời với giá hấp dẫn. Và chính từ sai lầm này, Buffett đã có bước ngoặt trong tư duy, và những thương vụ sau này của ông như GEICO, Washington Post, See’s Candies và Coca Cola đều thỏa mãn nguyên tắc đó.

Hà Hùng Anh

FILI

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sai-lam-lon-nhat-da-thay-doi-tu-duy-ngai-warren-buffett-a34677.html