Cạn vốn hoạt động, hai nhà khoa học phải "gõ cửa" Shark Tank: Shark Hưng lần đầu tiên "rút" 17 tỷ đồng cùng Shark Việt đầu tư vào startup công nghệ y học cho tương lai

Liên minh Shark Việt và Shark Hưng đã đầu tư 17 tỷ đồng cho startup công nghệ plasma, giúp làm lành vết thương mà không cần dùng đến kháng sinh.


Liên minh Shark Việt và Shark Hưng đã đầu tư 17 tỷ đồng cho startup công nghệ plasma, giúp làm lành vết thương mà không cần dùng đến kháng sinh.

Tiến sĩ khoa học đi gọi vốn cho công nghệ plasma

Tiến sĩ Hoàng Tùng & Thế Anh từ Công ty Công nghệ Plasma kêu gọi 17 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Với ý tưởng đột phá trong y tế, Công nghệ Plasma lạnh giúp vết thương lành nhanh hơn mà không dùng kháng sinh. Hiện "công nghệ tương lai" này đã được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam.

Anh Hoàng Tùng trở về từ năm 2011 và đến năm 2015 cho ra đời sáng chế plasma.

Plasma hoạt động từ năm 2015 và có 4 người làm founders, 2 trong số đó là anh Hoàng Tùng và anh Thế Anh.

Đến nay, công ty bán chính thức 2 máy và đưa vào mục mua sắm của bệnh viện là 12 cái. Mỗi cái 700 triệu đồng. Founders cho biết, hiện Plasma đang lỗ 2,1 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty là 5 tỷ đồng và đã tiêu số tiền 30 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang gửi các bệnh viện dùng thử 50 cái, còn tồn kho 30 cái”, founder của Plasma nói.

Cạn vốn hoạt động, hai nhà khoa học phải gõ cửa Shark Tank: Shark Hưng lần đầu tiên rút 17 tỷ đồng cùng Shark Việt đầu tư vào startup công nghệ y học cho tương lai - Ảnh 1.

Shark Việt khuyên: Tồn kho nhiều thế thì nên đuổi trưởng phòng kinh doanh

Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng con số tồn kho 30 máy là quá nhiều. “Tồn kho nhiều quá nên đuổi trưởng phòng kinh doanh”, Shark Việt vừa nói vừa cười.

Hai founders cho biết thêm, mỗi máy có thể thu về 100 triệu đồng/tháng nếu bệnh viện mua máy.

- Shark Dzung Nguyễn: Mỗi năm tiêu 14 tỷ đồng. Vậy anh kêu gọi 17 tỷ thì chỉ tiêu được trong vòng hơn 1 năm?

- Anh Thế Anh: Không, giống như chúng tôi đã tát xong ao rồi, giờ chỉ thuê người bắt cá thôi.

Năm nay, dự kiến tổng doanh thu Plasma là khoảng 15-20 tỷ đồng.

Về con số 30 tỷ đồng mà công ty đã tiêu, founders cho biết một nhà đầu tư lớn khác đã góp 27 tỷ đồng. Và con số cổ phần tối đa mà các Sharks có thể đầu tư là 30%.

Các “cá mập” cho rằng đáng lẽ phải chia cổ phần cho các nhà đồng sáng lập rồi để tránh sinh chuyện rắc rối sau này.

Shark Hưng "phán", trong ngành y, các giáo sư, tiến sĩ làm chuyên môn giỏi nhưng kinh doanh không giỏi.

Cạn vốn hoạt động, hai nhà khoa học phải gõ cửa Shark Tank: Shark Hưng lần đầu tiên rút 17 tỷ đồng cùng Shark Việt đầu tư vào startup công nghệ y học cho tương lai - Ảnh 2.

Liên minh Shark Việt - Shark Hưng đầu tư 17 tỷ đồng cho 20% cổ phần

Shark Linh và Shark Dzung cho rằng y học không phải là lĩnh vực đầu tư của họ nên cả 2 không đầu tư.

Shark Hưng nhận xét đây là công nghệ của tương lai, không chỉ làm lành vết thương mà còn có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nên cùng Shark Việt đưa ra đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng cho 10% cổ phần cho 20% cổ phần. Nếu sau 1 năm mà đạt KPI sẽ rót tiền tiếp. Và điều kiện là không ai được bỏ cuộc trong 3 năm. Anh Hoàng Tùng và Thế Anh phải nắm giữ 51% cổ phần.

- Hoàng Tùng: Chuyện tôi và anh Thế Anh giữ 51% thì hoàn toàn có thể được. Vấn đề không phải là ai giữ bao nhiêu % trong đó cả. 4 người đều có tiếng nói như nhau. Đó là điều rất quan trọng.

- Shark Hưng: Không quan trọng mà đó là điều rất có vấn đề. Nếu trong tập thể 2 người có tiếng nói giống nhau. 2 bạn sẽ chịu trách nhiệm trước tôi.

- Hoàng Tùng: Chuyện exit thì sẽ không xảy ra.

- Shark Hưng: Tôi thực sự thích startup này vì nó thực sự là startup, công nghệ của tương lai.

Sau màn đối thoại, Shark Phú cho rằng các startup thường vẽ ra bức tranh đẹp nhưng thực tế không như vậy. Ông đưa ra đề nghị giai đoạn 1 sẽ trả trái phiếu chuyển đổi. Shark Phú sẽ cho vay trước trong vòng 2 năm, nếu đúng như những gì founders nói thì sẽ tính tiếp. Số tiền Shark Phú đưa ra là 17 tỷ đồng cho 30% cổ phần, lãi suất 10%/năm.

Founders từ chối đề nghị của Shark Phú.

Shark Hưng đề nghị giai đoạn 1 đầu tư 6 tỷ đồng, nếu sau 1 năm đạt KPI tính tiếp. Startup đưa ra yêu cầu 17 tỷ đồng tối đa 15% cổ phần công ty đối với Shark Hưng và Shark Việt. Shark Hưng cho rằng ông quan tâm đến 20%.

Shark Việt "khoe" ông đang sở hữu một bệnh viện lớn nên Plasma sẽ đỡ được khoản marketing.

Cuối cùng thống nhất hai bên, Shark Hưng và Shark Việt đầu tư 17 tỷ đồng cho 20% cổ phần, trong đó 12% cổ phần có quyền biểu quyết, và 8% cổ phần ưu đãi cổ tức. Tức là các Shark vẫn được chia cổ tức theo 20% cổ phần, nhưng chỉ có quyền biểu quyết theo 12% cổ phần.

Vài nét về Plasma

- Startup về công nghệ y học, làm lành vết thương không cần kháng sinh

- 4 founders, bắt đầu hoạt động năm 2015

- Mới bán 2 máy (700 triệu đồng/máy). Doanh thu dự kiến năm 2018 là 15-20 tỷ đồng.


Lan Đỗ

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/can-von-hoat-dong-hai-nha-khoa-hoc-phai-go-cua-shark-tank-shark-hung-lan-dau-tien-rut-17-ty-dong-cung-shark-viet-dau-tu-vao-startup-cong-nghe-y-hoc-cho-tuong-lai-a34909.html