Lần đầu tiên, người viết "tâm thư" đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã lên tiếng sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu "khẩn trương kết luận thanh tra cổ phần hóa cảng Quy Nhơn"
Ngày 16-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nêu rõ việc khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra CPH tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn(QNP; trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, phóng viên Báo Người Lao Động phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên tổng giám đốc QNP – người viết tâm thư đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước tại QNP.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên tổng giám đốc QNP – người viết tâm thư đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước tại QNP
- Phóng viên: Bức "tâm thư" gửi Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị không bán hết phần vốn nhà nước tại QNP được viết trong bối cảnh như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hữu Phúc: Ngày 12-5-2014, Vinalines gửi văn bản về việc bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại QNP, trong đó có nội dung đề nghị chúng tôi đánh giá và nêu rõ quan điểm về việc này. Thời điểm đó tôi là tổng giám đốc, nên ngay sau khi nhận văn bản trên, ngày 13-5-2014, tôi triệu tập cuộc họp khẩn gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, người đại diện phần vốn nhà nước, ban tổng giám đốc và đại diện công đoàn QNP để lấy ý kiến. Kết quả, 100% đại biểu tham dự cuộc họp biểu quyết đề nghị nhà nước tiếp tục duy trì tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại QNP.
Sau cuộc họp trên, ngày 14-5-2014, đích thân tôi viết và ký văn bản đề nghị Vinalines giữ lại 49% vốn điều lệ tại QNP, không bán hết cho tư nhân.
- Ngoài ý kiến của tập thể, còn có lý do nào khác khiến ông đề nghị không bán hết phần vốn nhà nước tại QNP?
Thực ra, việc bán hết phần vốn nhà nước tại QNP là trái với chỉ đạo trước đó của Thủ tướng. Cụ thể, theo công văn số 747/TTg-ĐMDN ngày 27-5-2013, Thủ tướng đã có ý kiến về việc CPH tại QNP. Theo đó, Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ tại QNP, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% còn lại.
Bên cạnh đó, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cảng Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung đã được khẳng định ngày càng nhiều hơn. Do đó, khi nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu để tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Hoạt động kinh doanh của QNP nhiều năm trước và sau CPH (thời điểm chưa bán hết phần vốn nhà nước) đều đạt hiệu quả cao, dù điều kiện khó khăn do không có được nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Bởi vậy, khi duy trì tỉ lệ sở hữu ở mức 49%, nhà nước sẽ được nhiều lợi ích hơn so với bán toàn bộ phần vốn tại QNP.
Trong định hướng chiến lược phát triển của Vinalines, cảng Quy Nhơn tiếp tục được xác định là cảng trọng điểm của miền Trung. Cảng đóng vai trò quan trọng là một trong những mắt xích chính gắn kết 3 khối kinh doanh biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hải của Vinalines tại miền Trung. Vì vậy, Vinalines cần phải duy trì sự tham gia quản lý đối với đơn vị cảng biển đứng chân tại các vị trí trọng điểm của khu vực.
Ngoài ra, tại các Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24-12-2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Quy Nhơn thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Không chỉ vậy, cảng Quy Nhơn còn là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đáp ứng cho phát triển kinh tế trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, là đầu mối giao thương cho khu vực Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Do cảng có vị trí rất quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng nên việc nhà nước nắm giữ phần vốn tại QNP là hết sức cần thiết.
Cảng Quy Nhơn sau khi bán hết phần vốn nhà nước
- Việc bán hết phần vốn nhà nước tại QNP trong thời gian qua đã có những ảnh hưởng và tác động như thế nào, thưa ông?
Việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại QNP không nằm trong phương án CPH và thông tin công bố, đã gây ảnh hưởng đến tâm lý các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công ty và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của các thế hệ công nhân, viên chức, lao động (CN-VCLĐ) đã góp sức xây dựng và phát triển cảng Quy Nhơn.
Trước khi bán hết phần vốn nhà nước, QNP ngoài việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được cấp trên giao còn đảm bảo việc làm và thu nhập cao cho CN-VCLĐ. Cụ thể, thu nhập hằng năm của CN-VCLĐ tăng từ 15% trở lên. Khi nhà nước bán hết phần vốn tại QNP, nhà đầu tư sẽ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, vấn đề về đời sống, việc làm của CN-VCLĐ trong công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ dẫn đến tiêu cực cho sự phát triển của cảng. Và thực tế hiện nay cho thấy, thu nhập của nhiều nhân viên, công nhân QNP đã giảm hơn trước nhiều.
Cảng Quy Nhơn trước khi bán hết phần vốn nhà nước còn là kết quả của một quá trình 38 năm xây dựng, dày công đóng góp sức mồ hôi, nước mắt và cả máu của CN-VCLĐ qua nhiều thế hệ. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, CN-VCLĐ là chủ thật sự, gắn bó máu thịt với cảng. Vì vậy, việc bán hết phần vốn tại QNP cũng đồng nghĩa thay đổi toàn bộ mô hình quản lý, những giá trị truyền thống được xây dựng trong 38 năm qua có nguy cơ bị mất.
Theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng, quá trình CPH tại cảng Quy Nhơn có "vấn đề"
- Dư luận cho rằng do việc định giá tài sản trước khi CPH quá thấp nên QNP mới rơi vào tay tư nhân với giá rẻ như vậy. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Thời điểm trước khi CPH, tôi là tổng giám đốc kiêm tổ trưởng tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CPH Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Xác định việc định giá doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và quyết định sự thành công của CPH, tôi đã chỉ đạo các thành viên trong tổ giúp việc thực hiện đầy đủ, đúng các quy trình CPH doanh nghiệp nhà nước theo quy định lúc bấy giờ.
Cụ thể, chúng tôi đã phát thư mời tham gia dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp gửi đến một số tổ chức tư vấn định giá được phép cung cấp dịch vụ. Trên cơ sở 3 đơn vị tham gia nộp hồ sơ, Ban Chỉ đạo CPH Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn chọn Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn thuế (ATC) xác định giá trị doanh nghiệp.
Kết quả, ngày 25-6-2013, trên cơ sở báo cáo của ATC, Hội đồng Thành viên Vinalines đã phê duyệt giá trị để CPH của Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn tại thời điểm 31-3-2013 là gần 514 tỉ đồng. Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp này được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tôi cho rằng tất cả quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án CPH, tổ chức đấu giá tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đều được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Tháng 9-2013, QNP tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần (CP) với mức giá bình quân 12.792 đồng/CP. Ngoài ra, QNP cũng bán 4,04 triệu CP khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty CP Đầu tư và Khóang sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành, trụ sở TP Hà Nội) với mức giá tương tự.
Tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Đầu tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần còn lại vốn góp trong QNP (19,8 triệu cổ phần với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành, giúp doanh nghiệp này gia tăng tỉ lệ nắm giữ trong QNP lên 86,23%, với số tiền mua CP khoảng 440 tỉ đồng.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thuong-vu-ban-cang-quy-nhon-nguoi-viet-tam-thu-len-tieng-a35080.html