Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đã có những cơ quan Nhà nước mà người dân “kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai”

Triển khai chính quyền điện tử giúp tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thi hành nhiệm vụ với người dân và doanh nghiệp. Điều này khiến cho người đi làm thủ tục hành chính mang theo “phong bì” cũng không biết phải “cám ơn” hay đưa cho ai.


Triển khai chính quyền điện tử giúp tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thi hành nhiệm vụ với người dân và doanh nghiệp. Điều này khiến cho người đi làm thủ tục hành chính mang theo “phong bì” cũng không biết phải “cám ơn” hay đưa cho ai.

Sáng 17/8, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018).

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng – Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên công bố chỉ số đánh giá chi phí cho thủ tục hành chính, do đó có thể còn những điều chưa thể "tròn trịa". Tuy nhiên, việc này sẽ giúp cho công tác đánh giá minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn.

"Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp thì các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính còn rất cao. Doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, với nhiều loại chi phí" – ông Mai Tiến Dũng kể.

Theo ông Mai Tiến Dũng, cũng có những điển hình tốt được phát hiện sau quá trình kiểm tra. Tại các cơ quan áp dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến, người đi làm thủ tục hành chính "có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình". Do đó, nếu công khai thì các khoản "lót tay" sẽ không còn, chi phí về thời gian cũng giảm xuống.

"Trong cải cách thì không thể không có người phản đối, vì cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi. Nhưng chúng ta phải quyết tâm bỏ cái cũ để thay bằng cái tiến bộ, phải thuyết phục, động viên, chia sẻ với nhau. Trong quá trình làm có vấp là bình thường, nhưng không vì bất cứ lý do gì để ràng buộc việc cải cách" – ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quyết tâm cải cách của Chính phủ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đã có những cơ quan Nhà nước mà người dân “kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần có đánh giá hai chiều kể cả khi áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. Bởi nếu chỉ các Bộ, ngành thực thi tốt, nhưng doanh nghiệp không hiểu được tinh thần ấy thì "chi phí không chính thức" vẫn tồn tại.

Thủ tục Thuế đứng hạng nhất, Xây dựng đứng cuối bảng

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018) phân tích những thành tựu cải cách TTHC của Chính phủ trong những năm qua và xác định dư địa cải cách cho 8 nhóm TTHC quan trọng cho doanh nghiệp, gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường và Xây dựng.

APCI 2018 gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh hai loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC: Chi phí thời gian (thông qua đo lường về thời gian vật chất cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành); Chi phí trực tiếp mà DN phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả TTHC.

Quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC Thuế, với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này là 2,9 giờ làm việc. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng thế giới (WB) vinh danh trong Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017 (từ 57,99 lên 72,77 điểm).

Đứng thứ hai là nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Mức chi phí được ghi nhận cho nhóm thủ tục này thấp hơn mức chi phí thuê tư vấn trọn gói phổ biến trên thị trường. Điều này cho thấy các TTHC trong nhóm thủ tục này đang dần dễ hơn cho doanh nghiệp tự tìm hiểu và tự thực hiện với chi phí hợp lý hơn.

Những cải cách về đăng ký thành lập doanh nghiệp đã đem lại những kết quả đáng khích lệ khi số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng gia tăng. 2016 là năm đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000. Trong quý đầu tiên của năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 35.200, tương đương với mức gần 400 doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động một ngày.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đã có những cơ quan Nhà nước mà người dân “kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai” - Ảnh 2.

Đứng vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lần lượt là nhóm TTHC Hải quan; Đất đai; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Từ hạng thứ 6 đến thứ 8 là nhóm TTHC Đầu tư, Môi trường và Xây dựng.

Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng APCI 2018 là nhóm thủ tục Xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng. Về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất.


Theo An Bình

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bo-truong-mai-tien-dung-da-co-nhung-co-quan-nha-nuoc-ma-nguoi-dan-kep-phong-bi-cung-khong-biet-dua-cho-ai-a35086.html