Bạn có biết nhảy cổ vũ (cheerleading) từng là bộ môn thể thao của đàn ông? Hay những lập trình viên máy tính đầu tiên là nữ giới? Nhiều định kiến về giới của chúng ta ngày nay hoàn toàn ngược so với quá khứ. Dưới đây là những thứ vốn dĩ thuộc về đàn ông giờ bị cho là nữ tính hoặc ngược lại.
1. Nhảy cổ vũ (cheerleading) từng là môn thể thao của nam giới, nhưng giờ lại gắn liền với nữ giới
Bộ môn nhảy cổ vũ (cheerleading) có nguồn gốc tại Hoa Kỳ, nơi các trường học và các thành phố lớn đều có đội cổ vũ riêng cho đội bóng bầu dục và bóng rổ của mình.
Các khẩu hiệu cổ vũ xuất hiện đầu tiên tại các trường đại học Hoa Kỳ trong thập niên 1880, khi khán giả cùng hô vang để cổ động cho đội nhà trong những trận bóng.
Khẩu hiệu đầu tiên được ghi âm là "Ray, Ray, Ray! TIGER, TIGER, SIS, SIS, SIS! BOOM, BOOM, BOOM! Aaaaah! PRINCETON, PRINCETON, PRINCETON!" tại Đại học Princeton vào năm 1884.
14 năm sau đó, cậu sinh viên Johnny Campbell tại Đại học Minestora trở thành cổ vũ viên đầu tiên trong lịch sử khi anh chính thức đứng ra chỉ đạo đám đông cùng hô vang "Rah, Rah, Rah! Sku-u-mar, Hoo-Rah! Hoo-Rah! Varsity! Varsity! Varsity, Minn-e-So-Tah!", và ngày 2/11/1898 kể từ đó được xem là ngày khai sinh của phong trào cổ vũ theo hệ thống.
Đại học Minnesota sau đó chính thức thành lập đội cổ vũ với 6 nam thành viên, với khẩu hiệu của Johnny Campbell vẫn được dùng cho đến tận ngày nay.
Tuy phong trào cổ vũ bắt đầu với các thành viên nam, các nữ sinh viên bắt đầu tham gia hàng loạt từ năm 1923, một phần vì các trường đại học thời bấy giờ không có nhiều môn thể thao dành cho phái nữ.
Các động tác thể dục và nhào lộn được hòa chung vào với các khẩu hiệu cổ võ. Ngày nay ước lượng có khoảng 97% các cổ vũ viên trên thế giới là phái nữ, ngoại trừ trong trường đại học, nơi mà các đội cổ vũ vẫn có 50% là thành viên nam.
2. Những năm 1940 - 1950 có rất nhiều lập trình viên (coder) là nữ giới, nhưng giờ phần lớn lập trình viên là nam
Thật khó tin nhưng quả thực lập trình từng là công việc của phái nữ. Ngày nay thì đàn ông lại là những người thống trị lĩnh vực kỹ thuật và lập trình, nhưng vào những năm 1940 thì khác.
Những lập trình viên đầu tiên ở Mỹ là nữ. Điều này có thể thấy qua những bức ảnh các cô gái mặc váy bên cạnh chiếc máy tích hợp điện tử và máy tính đầu tiên của Mỹ (ENIAC).
Những bức ảnh này đã xuất hiện từ lâu nhưng mọi người chỉ nghĩ các cô gái này là người mẫu tạo dáng trước máy tính.
Cho đến khi những người phụ nữ ấy được công nhận là lập trình viên thì họ đã ở tuổi 70.
Có tất cả 6 người phụ nữ lập trình cho chiếc máy tính ENIAC. Những người phụ nữ này được tuyển chọn từ 100 người phụ nữ làm công việc tính toán quỹ đạo đường đạn bằng tay.
Đây là một công việc rất nhạt nhẽo, vậy nên hai kỹ sư là John Mauchly và J. Presper Eckert đã nảy ra ý tưởng thiết kế chiếc máy để công việc trở nên dễ dàng hơn. Vì thế ENIAC đã ra đời và hai kỹ sư này đã thuê 6 người phụ nữ để thực hiện tính toán cho chiếc máy tính.
Những người phụ nữ này đã đặt nền móng đầu tiên cho các lập trình viên trong tương lai.
3. Nhân viên trực tổng đài đầu tiên là nam, nhưng khách hàng cảm thấy giọng nữ thân thiện hơn, vì vậy phụ nữ được tuyển
Với điện thoại đời đầu, người ta thường có tổng đài trực điện thoại thủ công. Những người trực tổng đài sẽ chuyển cuộc gọi đến đúng người bằng cách chèn đầu đường dây điện thoại vào đúng ổ cắm. Khi trước thì đàn ông được thuê để làm công việc này.
Nhưng dần dần, các công ty nhận ra nam thanh niên không phù hợp với công việc này và bắt đầu tuyển nữ giới để thay thế.
Các công ty nhận thấy nữ nhân viên trực tổng đài thường lịch sự hơn với khách hàng, và lương trả cho họ cũng rẻ hơn, vì vậy ngày càng nhiều phụ nữ được thuê làm công việc này.
Ngày nay, giọng nói mà chúng ta nghe được cũng là của nữ bởi lẽ đó.
4. Trước Thế chiến thứ II, phần lớn thư ký là nam giới
Từ "thư ký" (secretary) bắt nguồn từ tiếng Latin, đại diện cho từ "bí mật" (secret). Do đó, vị trí thư ký đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức, và cũng là lý do vì sao đây lại là công việc dành cho nam giới.
Chỉ ở thời hiện đại thì thư ký mới trở thành công việc của phái đẹp.
Sự thay đổi này bắt đầu từ Cải cách Công nghiệp. Đây là thời các ngành công nghiệp bùng nổ. Nhu cầu lao động nam giới ở các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, công nghiệp nặng và những công việc đòi hỏi sức mạnh khác cũng tăng cao.
Do đó, công việc bàn giấy thường bị trống và phụ nữ được tuyển vào để bổ khuyết.
Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ trở thành đối tượng phù hợp với công việc là sự ra đời của máy đánh chữ. Phụ nữ có bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo hơn nam giới nên thường giỏi đánh máy hơn.
Ngoài ra, các kỹ năng nội trợ cũng giúp họ thuận lợi hơn trong việc làm trợ lý. Tất cả những lý do đó khiến thư ký trở thành công việc phù hợp với phái nữ như ngày nay.
5. Các bé trai từng mặc váy như bé gái
Khi nói về trang phục, chúng ta luôn bị giới hạn bởi những quy tắc mà xã hội đặt ra cho chúng ta: Váy là cho nữ, quần là cho nam.
Ngày nay thì sự phân biệt đó cũng mờ nhạt hơn. Nhưng thời xưa cũng đã có lúc ranh giới đó còn biết mất hẳn, đặc biệt là giữa bé trai và bé gái.
Ở thế kỷ 19, việc bé trai mặc váy như bé gái là chuyện bình thường. Dù thời đó chế độ phụ quyền lên ngôi, nhưng phụ huynh sẽ không quan tâm nhiều đến chuyện ăn mặc của trẻ khi chưa lên 10. Các bé trai khi nhỏ cũng mặc váy như bé gái.
Lý do rất đơn giản. Trang phục thời xưa cho trẻ con rất nhiều phụ kiện rắc rối, và phụ huynh nhận thấy cho các con mặc cùng loại trang phục thì sẽ dễ dàng hơn.
Mặc váy cho trẻ cũng giúp việc thay bỉm tiện hơn. Khi bé trai đến tuổi thích hợp để không mặc váy nữa, các phụ huynh sẽ tổ chức ngày kỉ niệm có tên là "breeching", đó là ngày các bé trai bắt đầu được mặc quần dài hay quần túm (breeches).
Trang Đặng
(Theo Facts catalogue)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/5-thu-von-di-thuoc-ve-dan-ong-gio-bi-cho-la-nu-tinh-va-nguoc-lai-a35468.html