Là một doanh nhân nổi tiếng, gây ấn tượng với vai trò nhà đầu tư vào các start-up (shark) trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Vietnam), ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CENGroup có nhiều suy nghĩ và kinh nghiệm xung quanh hoạt động góp vốn của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân CENLand (công ty con của CENGroup) cũng đang nhận đầu tư của 2 quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital.
Với góc nhìn của cả nhà đầu tư và bên nhận đầu tư, ông Phạm Thanh Hưng vừa có những chia sẻ với Người Đồng Hành xung quanh những kinh nghiệm gọi và nhận vốn của doanh nghiệp Việt, nhất là sau những ồn ào gần đây của câu chuyện Ba Huân.
- Cuộc hợp hôn rồi chia tay chóng vánh giữa Ba Huân và VinaCapital đã thu hút nhiều sự chú ý trong giới kinh doanh thời gian qua, nhất là khi hoạt động góp vốn, đầu tư của các quỹ trở nên ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Là người làm kinh doanh, ông thấy thương vụ này có những vấn đề gì cần được nhìn nhận lại?
- Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đang nhận đầu tư vốn nước ngoài, tôi cho rằng có 3 điểm cần nghiên cứu kỹ trước khi đồng ý nhận vốn.
Thứ nhất là tìm hiểu kỹ mình đang ký cái gì. Quá trình đàm phán giữa hai bên rất phức tạp và thường kéo dài bởi các quỹ nước ngoài là nhà đầu tư tài chính thuần túy. Các điều khoản họ đưa ra dựa trên thông lệ quốc tế, dựa trên kết quả kinh doanh trong quá khứ và con số dự phóng do doanh nghiệp đề ra. Giá mua cổ phần phụ thuộc hoàn toàn vào hai yếu tố đó. Cũng giống như những gì diễn ra sau chương trình Thương vụ bạc tỷ mà tôi đang tham gia, sau khi cam kết đầu tư sẽ là quá trình due diligence (thẩm định chi tiết). Lúc này, các quỹ hay các “shark” có quyền chấm dứt đầu tư nếu thông tin doanh nghiệp hoặc start-up đưa ra không chính xác.
Mục tiêu của các quỹ là đảm bảo an toàn đồng vốn. Do đó họ sẽ đặt ra những điều khoản chặt chẽ và chi tiết (cố đông sáng lập nắm bao nhiêu, giao dịch bên liên quan được thông báo như thế nào, chống pha loãng ra sao…) để đảm bảo kiểm soát doanh nghiệp một cách minh bạch, tránh các giao dịch chuyển giá hay các vấn đề khác về quản trị. Các trường hợp bất khả kháng cũng được quy định rõ chứ không thể có chuyện xóa cờ đi đánh lại. Tất cả điều này là để nhà đầu tư chấp nhận mức giá doanh nghiệp đưa ra, nó rất khác với đầu tư gián tiếp qua sàn chứng khoán - nơi mà giá cổ phiếu do thị trường quyết định.
Cũng chính bởi vậy mà doanh nghiệp không nên hứa hẹn những gì vượt quá khả năng của mình. Ví dụ như cam kết tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên đến 22% là hết sức mạo hiểm so với trung bình ngành. Với tôi, mức IRR chấp nhận được loanh quanh đâu đó 12-15%. Nếu doanh nghiệp ký mà không hiểu IRR là gì, chỉ nghĩ rằng nó gấp 3 lần lãi vay ngân hàng thì không ổn.
Thứ hai là kỹ năng đàm phán của doanh nghiệp. Ví dụ như CENLand chúng tôi khi đàm phán với các quỹ yêu cầu 1 năm mới rà soát kết quả một lần chứ không phải 6 tháng. Tôi không hiểu sao sau 6 tháng mà đã áp dụng biện pháp bù đắp thiệt hại cho nhà đầu tư bởi nó quá ngắn để một doanh nghiệp bứt phá trong hoạt động kinh doanh. Trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp cũng phải tính việc “bù đắp” này là bằng tiền, bằng cổ phần hay phương án nào khác… Tất cả phải được tính trước và thỏa thuận trước khi “xuống tiền”.
Thứ ba là khi tham gia vào hội nhập quốc tế sâu rộng, người kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm với những gì đã ký, dù có thể thua thiệt do thiếu trình độ. Không thể kêu cứu, đòi hỏi những trợ giúp về mặt hành chính với lý do tôi không hiểu tiếng Anh. Tôi thấy chuyện này hơi buồn cười, vì nếu không biết có thể thuê công ty tư vấn, thuê người dịch ra tiếng Việt, yêu cầu ký bằng tiếng Việt... Còn nếu có câu chuyện liên quan đến gian lận thì đưa ra tòa. Công ty của chúng tôi cũng thường ký văn bản song ngữ nhưng bản tiếng Việt là bản được ưu tiên quyết định khi có bất đồng.
- Đó là ở góc độ doanh nghiệp, còn với các nhà đầu tư, sự việc này nên được nhìn nhận như thế nào?
- Khi tham gia Shark Tank, tôi đánh giá cao các start-up cam kết bán nhà riêng, nếu không làm được sẽ làm thuê trọn đời… bởi việc đó thể hiện cam kết rất cao của doanh nghiệp. Đó không phải là chuyện nếu không làm được thì thôi cho em trả lại tiền.
Trong câu chuyện Ba Huân và VinaCapital, doanh nghiệp đã mất đi cơ hội tiếp nhận vốn. Quá trình đàm phán trước đó dài 6 tháng trời với rất nhiều kỳ vọng. Trên thực tế, quỹ đã đồng ý trả mức giá dựa trên PE rất cao cho khoản đầu tư chiếm tới 34% giá trị doanh nghiệp. Đây là một khoản thu hút vốn rất hấp dẫn. Tiếc là do hiểu lẩm lẫn nhau hoặc tôi cho rằng doanh nghiệp chưa đủ khả năng kiểm soát tình huống dẫn đến hai bên đều thiệt hại. Bên quỹ đầu tư mất đi cơ hội đầu tư, mất đi chi phí cơ hội. Nếu họ không đầu tư vào đây thì họ đã đầu tư chỗ khác, có thể có hiệu quả hơn rồi.
Đây cũng là bài học rất đáng tiếc cho rất nhiều công ty, kể cả hoạt động lâu năm chứ không cứ start-up. Ở đây tôi đánh giá cao động thái của quỹ khi dàn xếp để rút khỏi thương vụ này, tránh lình sình mất thêm thời gian.
- Từ thực tế kinh doanh, ông nghĩ sao về việc doanh nghiệp khi gọi vốn thì “vẽ” ra một bức tranh màu hồng rồi nếu không thực hiện được thì hủy kèo?
- (Cười lớn) Có những doanh nghiệp cứ nghĩ đơn giản các quỹ là nhà từ thiện. Bản thân tôi ngồi ở vị trí “shark” cũng nhận được rất nhiều yêu cầu. Ngay sáng nay tôi tiếp nhận điện thoại xin gặp của một bạn từng cung cấp một số sản phẩm dịch vụ cho cá nhân tôi. Bạn nói đang gặp khó khăn khi cung cấp sản phẩm cho một khách hàng và bị mất vốn, mong muốn tôi tiếp tục đầu tư để start-up trở lại. Những câu chuyện ấy tôi nhận được rất nhiều. Đấy, các bạn ấy cứ nghĩ rằng các “shark” trên truyền hình rất nhiều tiền, rất là hào phóng. Các bạn nhầm! (cười)
Quá trình due diligence của một số thương vụ tôi đầu tư từ mùa thứ nhất (của Shark Tank Việt Nam) đến bây giờ mới kết thúc và bắt đầu giải ngân. Nhiều trường hợp rất yếu kém về quản trị, báo cáo lẫn lộn giữa tiền công và tiền tư, nghĩ tiền nào cũng là tiền của mình và chi tiêu một cách thoải mái. Chưa kể câu chuyện về dự phóng kết quả kinh doanh, các bạn cứ vẽ cho đẹp lên là các “shark” sẽ đầu tư. Nhưng không phải.
Nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, nhưng trước đó phải là minh bạch và phải an toàn vốn thì mới xuống tiền. Quan trọng hơn nữa là phải có những hiểu biết, tuân thủ nguyên tắc về quản trị thì doanh nghiệp mới lớn mạnh, đi xa được. Nếu chúng ta làm được vậy thì mới là cơ sở nền tảng để tạo ra một quốc gia khởi nghiệp chứ môi trường kinh doanh và năng lực quản trị như thế này là rất khó. Đấy cũng là cái điều tôi thực sự băn khoăn về hệ thống đào tạo của chúng ta trong nhiều năm qua.
Bản thân tôi cũng được đào tạo trong nước, nhưng thực sự các kiến thức về quản trị kinh doanh hiện đại đều phải học ở nước ngoài, sau đó đều phải đi tu nghiệp hoặc làm việc với công ty nước ngoài. Trong khi đó, hệ thống đào tạo của chúng ta không bắt kịp được với các chuẩn mực về quản trị quốc tế.
- Vậy lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp khi nhận vốn đầu tư là gì?
- Doanh nghiệp phải xác định mục đích sử dụng vốn ngay từ đầu. Tại sao chúng ta lại niêm yết, tại sao chúng ta lại kêu gọi vốn, vì mục đích cụ thể cho kinh doanh, mở rộng quy mô hay tăng vốn lưu động, mở rộng thì trường…
Thứ nữa, chúng ta đừng nghĩ rằng những người bỏ vốn ra dễ dãi, họ thừa tiền nên đầu tư được thì được, không được thì thôi. Không bao giờ có chuyện ấy nên các điểu khoản, điều kiện phải xem xét thật kỹ, hiểu được điều kiện năng lực bản thân, khả năng tạo ra lợi nhuận, hứa hẹn về cổ tức, tăng trưởng kết quả kinh doanh như thế nào… Nhờ đó mà doanh nghiệp của bạn có khả năng thực hiện cam kết rất cao. Ngược lại nếu không thực hiện được, chúng ta phải tính kỹ xem có thể bù đắp cho họ bằng cách nào.
Cuối cùng, là doanh nghiệp, bạn phải rất tự tin vào những gì chúng ta chào cho nhà đầu tư và hãy cố gắng minh bạch với chính bản thân mình để đảm bảo nhà đầu tư nhìn rõ. Việc minh bạch cũng để bản thân thực sự thấy rõ doanh nghiệp của mình như thế nào khi thực hiện cam kết nhận vốn từ quỹ nước ngoài.
Theo Ngọc Anh/NDH