Qua hai mùa của Shark Tank Việt Nam, người ta biết đến “vua chảo” Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse là một “cá mập” săn mồi cẩn trọng và yêu thích “sự cam kết” trong mối quan hệ đầu tư.
“Anh đầu tư cho em. Nếu em thất bại, thì cam kết về làm thuê cho anh 5 năm”. Đó là một trong những phát ngôn của ông Phú trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Vua chảo thể hiện khẩu vị “ăn chắc mặc bền” bằng cách đưa ra những cam kết kèm theo hay sử dụng trái phiếu chuyển đổi trong quá trình đầu tư.
Bên cạnh đó, ông là người có kiến thức tài chính cặn kẽ và hết sức nhanh nhạy khi luôn “làm khó” các startup với những con số tài chính trong doanh nghiệp.
Là một doanh nhân với 18 năm kinh doanh hàng gia dụng, ông Phú nổi tiếng là người “đánh đâu thắng đó”. Nhờ vào sự cẩn trọng, ngần nấy năm trên thương trường, công ty do ông điều hành gần như chưa bao giờ nằm trong tình trạng thua lỗ.
Năm 2000, ông khởi nghiệp khi trong tay có chưa đến 50 triệu đồng. Trong suốt 6 tháng, ông vừa làm bốc vác, vừa làm sale, vừa làm giám đốc.
17 năm sau, công ty thưở nào trở thành Tập đoàn Sunhouse, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm của công ty có mặt trong hơn 20 triệu gia đình Việt, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hơn 50.000 điểm bán, tốc độ tăng tưởng doanh thu hằng năm đều đặn 30 %.
Hiện nay, bên cạnh việc kinh doanh các sản phẩm gia dụng, Tập đoàn Sunhouse còn sở hữu công ty Sunhouse Investment chuyên đầu tư tài chính, cổ phiếu, khởi nghiệp. Qua hai mùa tham gia chương trình Shark Tank, sau khi thẩm định (Due Diligence), ông cho biết khoảng 30% thương vụ mà ông cam kết đầu tư được rót vốn.
Có mặt trong sự kiện "Meet The Sharks" tại Hà Nội hôm 21/8, "vua chảo" chia sẻ với phóng viên và nhận định mỗi ngành nghề chỉ có khoảng ba ông lớn dẫn đầu chiếm tới 60% - 80% lợi nhuận của thị trường. Miếng bánh nhỏ còn lại dành cho hàng trăm doanh nghiệp khác.
Ông nói thế để mọi người hiểu rằng, không chỉ riêng với các startup, mà cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng hết sức khắc nghiệt. Đó là câu chuyện của kinh doanh và không cần phải thất vọng khi nhắc đến tỷ lệ thất bại của các startup.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Phú phát biểu trong sự kiện "Meet The Sharks" tại Hà Nội hôm 21/8. Ảnh: Tuệ An. |
Đứng trước câu hỏi về cơ hội để khởi nghiệp trong thời đại 4.0 so với trước đây, ông khẳng định: “Càng về sau, nhu cầu con người càng nhiều, cơ hội khởi nghiệp càng nhiều”.
Mục đích của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ứng dụng công nghệ) hay khởi nghiệp truyền thống đều là giải quyết nhu cầu nào đó của con người. Công nghệ chỉ là công cụ nhằm đưa ra giải pháp tối ưu hơn để phục vụ cho nhu cầu của con người. Ông lấy ví dụ về việc chuyển từ một cái chợ tập trung thành một cái chợ ảo.
"Về bản chất, chúng đều là nơi để người mua và người bán trao đổi hàng hoá với nhau, chỉ có thay đổi hình thái thể hiện để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ và trải nghiệm người dùng", ông giải thích.
Người sáng lập Sunhouse cho rằng, startup cần đặt ra câu hỏi: sản phẩm cũ nhưng liệu có cách làm nào mới hay không? Trước khi startup cần có sự trải nghiệm và quan sát để phát hiện ra điểm còn thiếu của các sản phẩm tồn tại trên thị trường và tìm cách thể hiện mới để tối ưu chúng.
“Đã là startup thì hẳn có rất nhiều điểm yếu”. Đó là lời khẳng định của nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú và cũng là câu trả lời của rất nhiều nhà đầu tư khác.
Theo nhận định của ông Dzung Nguyễn, nhiều startup Việt còn thiếu kiến thức về kinh doanh và tài chính. Còn ông Nguyễn Thanh Việt đánh giá nhiều startup mà ông tiếp xúc chưa có một kế hoạch khởi nghiệp một cách bài bản.
Về phía doanh nhân Phú, ông cho rằng chương trình đào tạo thiếu thực tiễn của Việt Nam là nguồn gốc sâu xa cho tình trạng này. Theo ông, việc giáo dục thiên về lý thuyết và chưa hướng đến thực tiễn khiến các sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng về kinh doanh: quản trị, tài chính, marketing, vận hành một tổ chức.
Ông cũng là một người từng khởi nghiệp bắt đầu với nhiều thiếu sót, và khi được hỏi về những thất bại "đau đớn" từng trải qua cho đến ngày hôm nay, ông Phú cười: "Khái niệm "đau đớn" và "hạnh phúc" của mỗi người là khác nhau".
Chia sẻ về quan niệm thất bại trong kinh doanh, ông cho rằng quá trình kinh doanh cũng như việc chơi thể thao hay thậm chí là “tán tỉnh” một cô gái, nghĩa là phải có lúc thắng lúc thua mới tạo ra được sự kích thích hay những cú hích.
"Trong quá trình làm ăn có lúc thăng lúc trầm. Thực tế ấy tạo ra khao khát chinh phục. Đối với câu chuyện kinh doanh, người dùng hôm nay yêu thích sản phẩm của mình nhưng ngày mai lại có một lựa chọn thay thế khác. Thắng và thua luôn tồn tại trong kinh doanh. Đó là một niềm hạnh phúc để duy trì nhiệt huyết của bản thân, không ngừng thay đổi để mang đến những sản phẩm tốt hơn đáp ứng và chinh phục người dùng", ông Phú lập luận.
Tuệ An
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-chao-nguyen-xuan-phu-kinh-doanh-giong-nhu-choi-the-thao-hay-tan-tinh-mot-co-gai-a36086.html