Chân dung GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vin Hi-Tech của Vingroup: Chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma, từng được Tổng thống Putin tặng thưởng

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là chuyên gia về vật lý plasma. Ông sở hữu hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học và trong đó có công trình đã được xuất bản thành sách.


GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là chuyên gia về vật lý plasma. Ông sở hữu hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học và trong đó có công trình đã được xuất bản thành sách.

Ngày 21/8, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT): Viện Công nghệ đa ngành chuyên về nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới; vật liệu mới; công nghệ sinh học, môi trường; cơ điện tử và các công nghệ liên quan đến Công nghệ - Công nghiệp cao. Viện do GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng.

Hơn 30 năm học tập và làm việc tại Nga, từng nhận thưởng của Tổng thống Putin

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Sỹ sang Nga và theo học trường Đại học Bách khoaSt. Petersburg, bảo vệ thành công các luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2003, ông được mời giảng dạy tại Đại học năng lượng Quốc gia Nga (MEI). Với đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma, sau này ông lên làm Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006.

Tháng 2/2012, Viện khoa học Điện LB Nga đã tổ chức bỏ phiếu kín bầu 22 Viện sỹ Thông tấn làm Viện sỹ chính thức (hay còn gọi là thành viên chính thức của Viện). GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là 1 trong 22 người xuất sắc được bầu chọn. Với vị trí Viện sỹ chính thức, ông lãnh đạo thêm một số mảng về chuyên ngành của mình là vật lý công nghệ điện và ngành hẹp là vật lý công nghệ Plasma.

Tính đến nay, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…

Tuy sự nghiệp và công tác nghiên cứu của ông chủ yếu tại nước Nga, song GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cũng đã có nhiều đóng góp không nhỏ cho Việt Nam. Trong lĩnh vực đào tạo, ông đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại Trường MEI, nơi ông công tác từ năm 2003.

Chân dung GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vin Hi-Tech của Vingroup: Chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma, từng được Tổng thống Putin tặng thưởng - Ảnh 1.

Công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách

Vài năm trước đây, kết quả của ông trong nhiều năm dài nghiên cứu khoa học đã được giới thiệu trong cuốn sách bằng tiếng Nga xuất bản ở Matxcơva. Sau khi làm quen với nội dung của cuốn sách này, các đồng nghiệp phương Tây của giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ yêu cầu ông để nhà xuất bản Springer dịch các tài liệu khoa học tiếng Nga sang tiếng Anh. "Springer" nổi tiếng với việc xuất bản các công trình khoa học cấp bách và quan trọng.

Trong cuộc phỏng vấn với "Sputnik", tác giả cho biết rằng, ông đã vinh dự nhận được sự công nhận của một nhà xuất bản nổi tiếng như "Springer", rằng, các tài liệu khoa học trong cuốn sách này là kết quả của công việc chung với các đồng nghiệp Nga. Ông bày tỏ hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam lập ra trường phái nghiên cứu vật lý plasma trong nước.

Các đồng nghiệp Nga của ông trong trường MEI đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động giảng dạy của giáo sư Việt Nam cũng như cuốn sách của ông. Bày tỏ quan điểm chung của họ, Tiến sĩ Khoa học Kỹ thuật, Giáo sư Aleksandr Lubenchenko ghi chú:

"Việc xuất bản cuốn sách của ông Nguyễn Quốc Sỹ bằng tiếng Nga và bây giờ cả bằng tiếng Anh là rất quan trọng. Cuốn sách này là rất hữu ích không chỉ cho hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học Nga và các nước khác, mà còn cho hoạt động giảng dạy. Bản thân ông Nguyễn Quốc Sỹ cũng sử dụng rộng rãi các tài liệu đó trong các bài giảng của mình. Trong tập thể giáo viên của MEI, Giáo sư Việt Nam có uy tín cao và có được sự tôn trọng của mọi người".

Ứng dụng Plasma trong xử lý rác thải

GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ là người có nhiều năm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý rác thải bằng plasma.

Hiện nay, để xử lý rác thải sinh hoạt có những phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Với chôn lấp, cách này đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón (compost) thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng để đảm bảo các hóa chất độc hại có sẵn trong rác không đi vào cây trồng, vật nuôi. Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt (oxy hóa) cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại chặt chẽ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế…Hơn nữa các phương pháp sử dụng lò đốt bình thường ở nhiệt độ dưới 1200 độ C lại thường sinh ra dioxin và furan rất độc hại.

Theo ông Sỹ, Việt Nam có mật độ dân số đông, đất chật, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất bức xúc và chúng ta càng cần phải có nhận thức mới trong công việc này. Nên tính đến cách sử dụng công nghệ plasma hiện đại một cách chủ động sẽ rất có lợi. Chí ít, ở phương diện môi trường, nó tránh được độc hại so với phương pháp đốt rác thông thường.

Tại một cuộc hội thảo giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga hồi giữa năm 2007, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, kỹ thuật xử lý rác thải bằng plasma có thể được xử dụng rộng rãi, đặc biệt là cho các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi hàng ngày có từ 5 tới 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt và hơn 16 tấn rác thải y tế.

Ông Sỹ thử làm phép tính, với thủ đô Hà Nội chúng ta, mỗi ngày xả rác khoảng 5.000 tấn, chúng ta cần 5 nhà máy, tức là chỉ gần 500 triệu USD là đã giải quyết được vấn đề môi trường có ý nghĩa sống còn này.


PV (Tổng hợp)

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chan-dung-gs-tskh-nguyen-quoc-sy-vien-truong-vien-nghien-cuu-vin-hi-tech-cua-vingroup-chuyen-gia-hang-dau-ve-vat-ly-plasma-tung-duoc-tong-thong-putin-tang-thuong-a36195.html