Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải và giấc mơ đưa cà phê sữa đá Việt ra thế giới

'Tâm huyết của chúng tôi là giới thiệu sản phẩm độc đáo của ẩm thực Việt ra thế giới, để người nước ngoài dễ dàng thưởng thứ cà phê sữa đá Việt ngay tại quê hương họ, và khách du lịch Việt Nam sẽ mang quà tặng này cho người thân, bạn bè, mà không cần phải sang Việt Nam', ông Hải cho biết.

'Tâm huyết của chúng tôi là giới thiệu sản phẩm độc đáo của ẩm thực Việt ra thế giới, để người nước ngoài dễ dàng thưởng thứ cà phê sữa đá Việt ngay tại quê hương họ, và khách du lịch Việt Nam sẽ mang quà tặng này cho người thân, bạn bè, mà không cần phải sang Việt Nam', ông Hải cho biết.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood.

Được biết đến như một thương hiệu tiên phong về A&D, với các sáng lập viên là bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, Nutifood gây dấu ấn bởi các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị và đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành và ngũ cốc dinh dưỡng…

Bước lấn sân đầy thách thức mới đây sang thị trường cà phê hòa tan của Nutifood cùng “đại sứ cà phê sữa đá Việt” là giấc mơ đưa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới, với sự bắt tay chiến lược cùng Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, Liên đoàn Vovinam,… để tạo đòn bẩy đi nhanh và lan xa, là cách làm táo bạo và tâm huyết của một thương hiệu Việt.

Vì sao Nutifood quyết định dấn thân vào một thị trường đang cạnh tranh rất gay gắt là cà phê hòa tan thưa ông?

Trong những năm gần đây, Nutifood đã mở rộng thêm ngành hàng cà phê, khởi đầu là đầu tư nông trường cà phê Phước An, với gần 1.000ha cây cà phê. Đây là nơi người Pháp mở đồng điền cà phê CADA huyền thoại đầu tiên tại Đông Dương vào năm 1922.

Với mong muốn gia tăng giá trị cho hạt cà phê Robustan Việt Nam sản lượng hàng đầu thế giới, nhưng chỉ xuất thô với giá rẻ mạt và người tiêu dùng quốc tế không hề biết đến xuất xứ địa lý của nó, sản phẩm đầu tiên mà Nutifood chọn để đầu tư nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm công nghiệp chính là cà phê sữa đá Việt, món thức uống đã được Bloomberg bình chọn trong Top 10 món cà phê độc đáo nhất thế giới, và CNN gợi ý bất cứ du khách nào đến Việt Nam cũng nên thưởng thức.

Cà phê sữa đá đã trở thành đại sứ cho ẩm thực Việt, cùng những “biểu tượng” như phở, bánh mì kẹp thịt, áo dài, Vovinam…

Quyết định này của tôi cũng ảnh hưởng rất lớn từ thế hệ đàn anh là bầu Đức.

Năm vừa rồi, Nutifood có tổ chức ký kết đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ. Khi Công ty Rồng Việt giới thiệu đầu tư vào Phước An, tôi đã học hỏi từ thế hệ đàn anh, và quyết định dấn thân.

Anh Đoàn Nguyên Đức, một nhà đầu tư bất động sản, nông nghiệp, lại dấn thân đầu tư vào bóng đá, mang lại niềm vui cho hàng tỷ người Việt Nam. Nutifood cũng mong muốn đóng góp cho ngành cà phê như thế.

Khi tôi và anh Đoàn Nguyên Đức qua Mỹ, đồ Tây không ăn nổi, tìm quán phở mất 3 tiếng đồng hồ. Câu chuyện đó khiến tôi suy nghĩ mãi, làm thế nào để thế giới thưởng thức tinh hoa ẩm thực Việt mà không quá mất thời gian? Làm sao đóng gói ly cà phê truyền thống giữ nguyên hương vị? Đó là lý do Nutifood mày mò có được ly cà phê sữa đá như hôm nay. Đây là hoài bão lớn, ngoài nỗ lực của công ty, rất cần sự đồng lòng của toàn xã hội.

Ông Trần Thanh Hải và ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai

Đội ngũ A&D của Nutifood đã nỗ lực như thế nào, để có thể hoàn thiện công nghê Ice Flash trích ly, cô đặc hiện đại, giữ được hương vị của ly cà phê như vừa mới rang xay?

Phản ứng đầu tiên khi chúng tôi đưa sản phẩm cho mọi người dùng thử, tất cả đều nhận được một câu: Ngon. Đó là niềm hạnh phúc đầu tiên.

Để có được chữ “ngon” đó là cả một quá trình dày công nghiên cứu, chúng tôi không giới hạn về ngân sách, chỉ yêu cầu duy nhất cho đội ngũ là làm sao phải là cà phê thật, tinh chất, không có bất cứ yếu tố nào khác.

Chọn lựa rất kỹ từ Arabica và Robusta, trích ly từng giọt qua phin lọc, kết hợp ngọt béo của sữa đặc, khi khuấy đều với những viên đá lạnh đập nhỏ, sẽ tạo nên một thức uống đắng thanh, thơm ngon, đậm chất cà phê Việt.

Hương vị không khác gì so với cà phê rang xay pha với sữa đặc tại các quán cà phê Việt Nam, nhờ được làm lạnh ngay, giữ được mùi vị cà phê tươi như mình vừa chế biến, pha phin.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng Nutifood muốn có vị ngọt, béo hòa quyện với vị đắng, để giữ được hương vị cà phê sữa đá Việt.

Để ra công thức, vừa kết hợp chuyên gia dinh dưỡng về an toàn thực phẩm và chuyên gia trong ngành cà phê có 12 năm kinh nghiệm, ấp ủ làm sao cà phê thật, tinh chất, không có bất cứ yếu tố phụ gia nào khác.

Tươi mới ngon, chữ tươi mang ý nghĩa đem lại cảm giác rất tươi, dù là sản phẩm đóng gói, giống như ly cà phê sữa đá uống trong những quán truyền thống.

Thị trường Mỹ rất khó tính, để bán được 1 ly cà phê đến người tiêu dùng rất thách thức, nhiều công ty đã thất bại, phải quay về nội địa. Để chinh phục bạn bè thế giới, NutiFood trước tiên vẫn phải chinh phục thị trường nội địa vốn rất cạnh tranh?

Thực sự thị trường nội địa phản ứng rất tích cực, tôt tin có sức lan tỏa bởi tính tiện dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi nguồn gốc cà phê sạch, vì hiện nay nguồn gốc xuất xứ của cà phê bán trong các hàng quán rất khó kiểm soát.

Chúng tôi đặt tại nhà máy tại Bình Dương, thị trường nội địa chấp nhận đến đâu nhà máy đủ công suất đáp ứng tới đó. Hệ thống phân phối thị trường nội địa hiện đã phủ sóng đầy đủ các hệ thống bán lẻ, siêu thị toàn quốc.

Kinh doanh chính của Nutifood vẫn là sữa và các sản phẩm từ sữa, còn sản phẩm này đương nhiên thị trường nội địa thắng thì mình tại sao không làm? Hiện các sản phẩm từ sữa của Nutifood đã xuất khẩu Mỹ, đã lên được quầy kệ siêu thị rồi, dấu hiệu rất tích cực.

Tâm huyết của chúng tôi là giới thiệu sản phẩm độc đáo của ẩm thực Việt ra thế giới, để người nước ngoài dễ dàng thưởng thứ cà phê sữa đá Việt ngay tại quê hương họ, và khách du lịch Việt Nam sẽ mang quà tặng này cho người thân, bạn bè, mà không cần phải sang Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để phục vụ người tiêu dùng trong nước và người Việt hải ngoại với lối pha phù hợp lối sống công nghiệp, hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Và cũng là cơ hội nâng cao giá trị hạt cà phê Việt, xứng đáng với xuất xứ địa lý của nó.

Nutifood được định danh là thương hiệu của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, ly cà phê sữa đá này có giá trị cộng thêm nào nữa?

Tôi muốn đây là thức uống để thưởng thức, không phải thức uống hàng ngày. Trong hộp cà phê sẽ kém theo lời diễn giải để người tiêu dùng thưởng thức. Chúng tôi hướng đến thị trường toàn cầu 7 tỷ khách hàng, không tập trung vào một thị trường nào.

Xét cho cùng, sản phẩm này không tương đồng những sản phẩm hiện có trong thị trường cà phê hòa tan, vì nó được định giá cao nhất thị trường, phải dùng công nghệ, nguồn cà phê bảo đảm, giá thành cao, không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm hiện tại.

Là bác sĩ trong ngành sữa, làm sao phải phối trộn cà phê để ra được hương vị tươi và ngon, chứ không phải vào ngành để bán sản phẩm tương tự đang có trên thị trường.

Vậy sản phẩm có tấn công vào thị trường bình dân không?

Uống cà phê thùy theo gu, theo cơ địa của từng người, có người uống không được vì bị ép tim, có người uống 10 ly không sao trong 1 ngày.

Khi đóng gói nguyên hương vị, liên quan đến giá thành, chất lượng sản phẩm. Tùy thuộc vào từng gu thị trường khác nhau, có thể điều chỉnh, còn cách pha thì giống nhau…

Để thực hiện khát vọng đó, Nutifood đã có chiến lược khác biệt như thế nào?

Giáo sư Philip Kotler từng khuyên chúng ta: “Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”.

Để văn hóa cà phê sữa đá Việt lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn thế giới, bên cạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã có được sự quan tâm, đồng hành của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Liên đoàn Vovinam thế giới.

Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay khuyến khích, hỗ trợ của chính phủ, các ban ngành và toàn xã hội…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa và ẩm thực Việt Nam, CEO Công ty du lịch Viettravel:

“Có thể triển khai văn hóa ẩm thực qua con đường các nhà hàng Việt Nam tại nước ngoài, để bán khẩu vị Việt Nam ra thế giới. Nutifood có thể đồng hành với các nhà hàng này với ly cà phê sữa đá, từng bước chinh phục mạch ngầm thị trường toàn cầu. Đó là kế hoạch của hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Chọn NutiFood, một thương hiệu chuyên về sữa cho một sản phẩm cà phê, bởi giá trị văn hóa ẩn chứa trong sản phẩm.

Văn hóa chính là cái nôi để con thuyền sản phẩm có thể lướt đi trong dòng nước đó. Sự khác biệt về giá trị văn hóa của sản phẩm là dũng cảm, đáng trân trọng.

Chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc trong việc mong muốn mang lại hiệu quả cho văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Hiệp hội sẵn sàng tiếp xúc nhiều thương hiệu khác, có kế hoạch cụ thể với từng nhãn hàng, vì đó là sức mạnh của Việt Nam, là trách nhiệm của hiệp hội. Chúng ta không nên tự ti.

Khi ẩm thực Hàn Quốc vào Việt Nam, chúng ta cũng tiếp cận rất khó khăn, như món kim chi, chẳng khác gì món dưa mẹ làm. Điều gì khiến chúng ta chấp nhận kim chi, điều gì khiến nước ngoài chấp nhận bánh mì kẹp thịt?

Sự giao thoa giữa ẩm thực các nước thế giới, sự khác biệt, làm nên cái mới. Thị trường Mỹ luôn mong muốn cái mới, nếu chúng ta có chiến lược mới, có phối hợp chặt chẽ với nhau tôi tin sẽ làm được.

Trong dòng chảy dân tộc, cái giữ lại văn hóa, con người Việt Nam chính là ẩm thực. Văn hóa là con thuyền đưa ẩm thực đi xa, nước lên thuyền lên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bếp ăn của thế giới.

Vậy cà phê của chúng ta đứng ở đâu trên thế giới?

Thị trường cà phê thế giới ở Việt Nam rất lớn, nhưng nghĩ cà phê Việt Nam chiếm lĩnh thị trường đã đủ rồi là mài mòn ý chí người Việt, tự hạn chế mình lại.

Ngày nay có thể họ chưa biết, ngày mai họ sẽ biết. Cà phê nóng biết nhiều qua văn hóa Pháp, nhưng cà phê đá chỉ có Việt Nam mới có, nếu biết xây dựng chiến lược tốt.

Nutifood rất thận trọng, đánh giá đầy đủ, rất cần sự chung tay của người Việt. Chúng tôi mong muốn được đóng góp cùng Nutifood để đưa cà phê sữa đá đi khắp thế giới. Vẫn biết khó, nhưng cần dấn thân, chúng tôi cam kết sẽ làm việc này đến cùng.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Tập đoàn U&I:

“Vovinam có mặt trên 70 quốc gia, với hàng triệu môn sinh, khát khao được chia sẻ giá trị Việt Nam. Tôi mong muốn có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam đồng hành cùng chúng tôi.

Anh Hải là người đầu tiên tiếp cận với chúng tôi.

“Đông tay mới vỗ nên kêu”, nếu nhiều thương hiệu có tấm lòng như vậy, sẵn sàng cùng đi với nhau, thì chúng ta sẽ có vô vàn sản phẩm khác có thể đi ra thế giới. Hãy cùng nhau làm việc đó để đưa Việt Nam ra thế giới.

Tôi đi khoảng một nửa thế giới, tự tin văn hóa ẩm thực Việt xứng đáng trong top 10 thế giới, trước hết ở sự đa dạng, và cách thức chế biến phù hợp khuynh hướng sống hôm nay.

Đi bất cứ đất nước nào tôi cũng hỏi thăm, tự tin vì số người yêu thích ẩm thực Việt Nam vô cùng nhiều.

Vovinam có lợi thế lớn vì võ đạo của Vovinam đưa ra hệ lý luận để người học có nhân cách sống tích cực, chủ động, nhân văn, có sự yêu quý bất cứ thứ gì liên quan đến văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi có những môn sinh từ những đất nước rất xa xôi khắp thế giới, có người dành dụm tiền để được đến Việt Nam, vái lạy trước bàn thờ tổ, uống ly cà phê sữa đá…

Tôi rất vui giới thiệu văn hóa Việt Nam cho các mô sinh 70 quốc gia trên toàn cầu, họ vô cùng yêu quý Việt Nam.

Chúng tôi sẵn sàng đưa ly cà phê đồng hành cùng Vovinam ra thế giới.

Vovinam với cà phê sữa đá sẽ đi cùng những giải đấu, những cuộc giao lưu của Vovinam trên thế giới, một đóng góp nho nhỏ đem hình ảnh Việt Nam ra thế giới”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

“Trong quá trình lịch sử Việt Nam, ẩm thực là đặc trưng văn hóa Việt Nam. Câu chuyện ẩm thực Việt Nam rất rộng, người nước ngoài viết về phở rất hay: “Nước Việt Nam nằm trong cái bát”.

Nhìn sâu vào lịch sử, Việt Nam rất tiềm năng, nhưng rất ít cơ hội phát triển. Cả thời gian dài ảnh hưởng từ phương Bắc, gần như luôn tôn vinh cái gì ngon nhất gắn với Tàu.

Đó là hoàn cảnh lịch sử, nhưng trong quá trình dài tiếp nhận văn hóa phương Bắc, người Việt đã biến thành cái riêng của mình. Ăn bát canh cua, quả cà là văn hóa rất Việt Nam.

Cuộc hội nhập với Pháp, vừa cầm súng đánh phương Tây, vừa tiếp nhận văn hóa phương Tây.

Phở ra đời khoảng đầu thế kỷ 20 ở Nam Định, vì gắn liền với kinh tế phương Tây, cộng đồng người Pháp ở đấy. Bánh phở là của cộng đồng văn hóa lúa nước, nhưng thịt bò là hoàn toàn xa lạ với người Việt, chỉ có người Tây dùng.

Làm phở không có nước mắm, gia vị là không ra, đó là từ văn hóa phương Nam, văn hóa biển đảo. Đông-Tây-phương Nam đã kết hợp tạo ra món phở. Cái bếp của thế giới là biết chấp nhận, chế biến và quảng bá.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, Việt Nam ra thế giới bằng con đường nào? Phở là con đường của người Việt Nam ra thế giới qua những cuộc di cư, di tản. Chúng ta phải tìm con đường khác. Nutifood phải tìm con đường khác.

Việt Nam có trà và cà phê, nhưng chỉ sản xuất tự nhiên thôi, người ta biết đến trà đạo Nhật Bản, nhưng nên nhớ trà tươi Việt Nam mới là thế mạnh, khi thế giới đang trở lại với tự nhiên.

Cà phê vào Việt Nam chừng hai thế kỷ, người Pháp biến thành sản phẩm, nhưng chỉ dừng ở nguyên liệu thô.

Nỗ lực Trung Nguyên rất lớn trong chế biến cà phê hòa tan. Nuti cà phê hỗn hợp hai tiếng Anh và Pháp, cách nhìn rất hay, chúng ta trân trọng thời kỳ người Pháp mang cà phê vào đây, nhưng Nuti nâng lên mức mới.

Cà phê sữa đâu chỉ uống nóng. Hải Phòng là nơi đầu tiên sản xuất nước đá, nó đi cùng người phương Tây đến đây.

Thế giới đang nóng lên, chật vật vì biến đổi khí hậu, cà phê sữa đá là xu hướng phù hợp với thiên nhiên.

Tôi rất tán thành ý kiến của Nutifood, hãy bắt đầu bằng thị trường của chính chúng ta. Phải thay đổi tâm thế “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng “Hàng Việt Nam chinh phục thị trường Việt Nam”.

KIM YẾN

Theo BizLive

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-nutifood-tran-thanh-hai-va-giac-mo-dua-ca-phe-sua-da-viet-ra-the-gioi-a36941.html