Đơn vị sở hữu bản quyền đã lên tiếng mạnh mẽ, cơ quan chức năng cũng có những hành động quyết liệt để bảo vệ bản quyền ở Việt Nam.
Ngày 24/8, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn đề nghị Bộ Công an xác minh đầu mối tại Việt Nam đã có hành vi thu tín hiệu trái phép từ kênh VTC 3 để cung cấp cho trang Xoilac.tv. Thời gian thu tín hiệu trái phép là lúc kênh VTC 3 phát sóng trận bóng đá giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Barain, trong khuôn khổ Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) 2018.
Có thể xử lý Xoilac.tv theo luật pháp Việt Nam?
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trang Xoilac.tv (có địa chỉ IP, máy chủ đặt tại nước ngoài, sử dụng dịch vụ lưu trữ (hosting) tại Mỹ, truyền phát trực tuyến (livestreaming) trận đấu bóng đá giữa tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Bahrain, có logo kênh VTC3 của VTC. Việc này cho thấy có dấu hiệu tín hiệu nội dung truyền hình này được thu tại Việt Nam.
Điều 21 Nghị định 22/2018 quy định, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.
Như vậy, VOV, đơn vị mua bản quyền truyền hình Asiad trên lãnh thổ Việt Nam có quyền không chia sẻ tín hiệu truyền hình. Thực tế, VOV đã đạt được thỏa thuận tiếp sóng và chia sẻ bản quyền với VTV, HTV,… Xoilac.tv không có tên trong danh sách, nhưng vẫn thực hiện livestreaming tín hiệu có logo của VTC, đơn vị thành viên của VOV.
Thống kê của Alexa về website Xoilac.tv
Tuy nhiên, vấn đề là Xoilac.tv không có máy chủ tại Việt Nam. Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã xác định rằng Xoilac.tv có địa chỉ IP, máy chủ đặt tại nước ngoài, sử dụng dịch vụ lưu trữ (hosting) tại Mỹ. Ngay cả tên miền ".tv" cũng là tên miền của Tuvalu, một hòn đảo ở Thái Bình Dương.
Việc áp dụng quy định pháp luật của Việt Nam để xử lý hành vi của website trên là khó khăn. Trong công văn gửi Bộ Công An, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ đề nghị "xác minh đầu mối tại Việt Nam" vì đã có hành vi thu tín hiệu trái phép từ kênh VTC 3.
Người tiêu dùng có quyền lực lớn trong chống vi phạm bản quyền
Dữ liệu của Alexa, trang cung cấp thông tin về lưu lưu truy cập thuộc Amazon cho biết, lượng traffic của Xoilac.tv đã tăng mạnh từ ngày 14/8, thời điểm website này livestreaming trận bóng đá giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Pakistan. Lượng truy cập vào Xoilac.tv có thể lên tới 500.000-1.000.000 lượt/ngày.
74,6% lượt truy cập đến từ Việt Nam, 18,0% đến từ Nhật Bản, số còn lại đến từ những nước khác. Tính tới ngày 25/8, Xoilac.tv được Alexa xếp hạng 160 tại Việt Nam, cao hơn rất nhiều website báo chí và kém 41 bậc so với trang Vtc.vn (xếp hạng 119).
Trong nhiều ngày liên tiếp, Xoilac.tv luôn là từ khóa "hot". Đặc biệt trong ngày 19/8, từ khóa "Xoilac.tv" và "Xoilac" đã lần lượt đứng thứ nhất và thứ tư trong bảng xếp hạng các cụm từ tìm kiếm thịnh hành tại Việt Nam, theo Google Trends.
Những số liệu trên cho thấy, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ tôn trọng bản quyền thấp. Liên minh phần mềm BSA cho biết, tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam trong năm qua lên đến 74%. Trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ video dẫn đầu về lượng người dung ở Việt Nam, nhiều cái tên cũng đang bị cáo buộc là cung cấp nội dung không bản quyền.
Trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan, những nhà cung cấp dịch vụ nội dung đang phải vất vả để xoay xở. Đại diện BHD từng bức xúc rằng, phim "lậu" có bản "đẹp" sau 2 tuần chiếu rạp, trong khi đơn vị này phải mất tới 3 tháng mới có thể đưa lên ứng dụng của mình, theo các cam kết với đơn vị sở hữu bản quyền. Không những vậy, website phim "lậu" còn chẳng phải bỏ ra hàng tỷ đồng tiền vốn để mua bản quyền.
Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng là giải pháp quan trọng để cải thiện tình hình vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, sự phản ánh kịp thời và mạnh mẽ của đơn vị sở hữu bản quyền cũng đóng vai trò quan trọng, điển hình là trong thời gian diễn ra World Cup 2018 vừa qua. Trước đó, việc thiếu những hành động mạnh mẽ của cả đơn vị sở hữu bản quyền và cơ quan chức năng đã khiến VTVcab bị cắt sóng Champions League, hồi tháng 5/2018.
Mặc dù vậy, khán giả (người tiêu dùng) vẫn có quyền lực lớn trong việc chống vi phạm bản quyền. Khi người xem tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng các quy định quốc tế và luật pháp Việt Nam, các nhà cung cấp nội dung cũng phải "chơi đẹp" để thu hút khán giả. Bằng không, sẽ còn nhiều website khác được lập ra sau hiện tượng Xoilac.tv.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giai-phap-nao-doi-voi-nhung-truong-hop-vi-pham-ban-quyen-nhu-xoilac-tv-a36978.html