Từ những gì mình đã có, đã trải qua, kể cả bài học về dự án giáo dục dang dở, bà Ninh cho rằng khởi nghiệp – đích đến cuối cùng là hạnh phúc.
Khi được hỏi về hành trình của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định chưa bao giờ thấy mông lung vì lúc nào bà cũng có quá nhiều việc để làm. Vì thế, nếu nói có điều gì tiếc nuối tính đến thời điểm hiện tại, bà Ninh cho rằng không.
Từng thất bại với dự án Đại học Tư thục không lợi nhuận
Chỉ duy nhất một thất bại bà từng trải qua, đó là dự án thành lập Trường Đại học Tư thục không vì lợi nhuận đã không thành.
Kể về startup này, bà Ninh cho biết đó là lúc bà vừa nghỉ hưu, dự án đã không thành công do không thể huy động được vốn. Bây giờ ngẫm lại, bà có thể nhận được nhiều bài học từ thất bại trên, "thời điểm lúc bấy giờ chưa chín mùi", vị này nói.
Từng bị "nói ý nói tứ" phụ nữ sau tuổi 50 không nên làm gì, nhưng bà Ninh vẫn cho rằng mặc dù không thành nhưng bà rút ra rất nhiều kinh nghiệm, hiểu được điều kiện cần và đủ để làm một dự án giáo dục.
Đơn cử, trong một lần đi gọi vốn bà Ninh cũng nhận được lời đề nghị khá hay, chính là muốn huy động vốn thành công chúng ta cần nên chia nhỏ số vốn đó ra thành từng gói, và mời gọi theo đúng khẩu vị, điều kiện của từng nhà đầu tư.
Cũng tại đây, nói về yếu tố thành công của startup, bà Ninh khẳng định không chỉ đong đếm bằng tiền, tất nhiên tiền vẫn là một thước đo về thành tích mình đạt được vì kinh doanh là nhằm kiếm lợi nhuận.
Tiền hay con người làm chủ khi khởi nghiệp?
Nói về thực tế tại Việt Nam, nhiều startup đặt nặng quá vào tiền, cần tiền để kinh doanh hay dùng tiền để đo lường mức độ hiệu quả. Không thể phủ nhận, tiền là phương tiện cần thiết để khởi nghiệp, tuy nhiên "chúng ta cần xác định ai làm chủ: Tiền hay bản thân mình", bà Ninh nhấn mạnh.
Nếu đồng tiền làm chủ, chúng ta hoàn toàn bị động và kết quả sẽ khó kiểm soát. Ngược lại, nếu chúng ta làm chủ được đồng tiền, thì đồng tiền bỏ ra sẽ sinh lợi hiệu quả. Chính vì vậy, muốn khởi nghiệp thành công chúng ta phải biết sử dụng công cụ đang có và tránh bị đồng tiền điều khiển.
Lấy ví dụ cho những nhận định trên, bà Ninh đặt câu hỏi: "Có ai trong chúng ta quan tâm và biết được lương của Ngô Bảo Châu bao nhiêu, từ những nguồn nào hay không?"
Câu trả lời hầu hết là không, bấy nhiêu đó để thấy rằng lương bổng hay thu nhập (tiền) không phải là đích đến cuối cùng của thành công. Ngô Bảo Châu đã vượt lên đỉnh cao của khoa học, vượt mặt Trung Quốc để nêu tên Việt Nam tại giải thưởng Field về Toán học, đó là thành công, bà Ninh nói.
Và để có được thành công, bà Ninh khuyên giới startup nói chung, và giới trẻ nói riêng "hãy biết tự trọng". Tự trọng ở đây là tự lập – tự đứng trên đôi chân của mình, tự nghĩ bằng cái đầu của mình, tự làm mọi thứ bằng đôi tay của mình.
Nói như vậy không phải là tự cô lập bản thân, không hợp tác với ai. Tự trọng hiểu chính xác là không dựa dẫm, ỷ lại vào hậu phương, bà Ninh phân trần, hay hiểu rộng hơn tự trọng là phải biết nói không lúc cần thiết. Bởi, "nếu không biết nói không, các bạn sẽ ngày càng dễ dãi hơn với bản thân của mình".
Song, nhìn toàn diện vấn đề, bên cạnh lòng tự trọng, chúng ta cũng cần phải học cách dung hòa – có thể hiểu là thỏa hiệp nhưng không hoàn toàn. Để dung hòa, chúng ta cần hiểu mình có gì, hiểu mình đang ở đâu, tức biết mình biết ta để tùy cơ ứng biến. Dù là tự trọng hay dung hòa, thì cũng không có gì là tuyệt đối, "đời này không có cái gì là 100% cả".
Đích đến của khởi nghiệp là hạnh phúc
Tựu trung vấn đề lại, từ những gì mình đã có, đã trải qua, kể cả bài học về dự án giáo dục dang dở, bà Ninh cho rằng khởi nghiệp – đích đến cuối cùng là hạnh phúc.
Cần nhắc lại rằng, khởi nghiệp theo quan điểm của nữ ngoại giao này không chỉ là làm một mô hình kinh doanh, điều hành một công ty của riêng mình. Mà khởi nghiệp theo bà Ninh là bao hàm cả lập nghiệp, tức là công việc mình làm sau khi rời ghế nhà trường, là nhân viên, là chủ…
Vì sao là hạnh phúc, vì khởi nghiệp đúng nghĩa là một quá trình mình tự đi tìm say mê trong công việc, toàn tâm toàn ý cho nó, là những bài học, kinh nghiệm mình rút ra được từ công việc đã làm. Thành công không hoàn toàn được đong đếm bằng tiền, bởi có rất nhiều người thành công ngời ngợi nhưng không hề bận tâm đến chữ "tiền" (ví dụ thành công của Ngô Bảo Châu).
Từng nhớ lại rằng, bà Ninh chia sẻ, đã có ý kiến đề xuất đổi chỉ số thu nhập bình quân đầu người GNP và GDP – chỉ số đo lường sự phát triển của một quốc gia – sang chỉ số hạnh phúc HPI. Được biết, chỉ số hạnh phúc - Happy Planet Index - viết tắt HPI (có tài liệu dịch là Chỉ số hạnh phúc hành tinh). Chỉ số này do NEF (New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh) công bố.
Mặc dù đây chỉ mới là đề xuất và chưa thực sự được phổ biến, tuy nhiên thực tế nhìn lại, thành công theo bà Ninh thực chất là sự hạnh phúc!
Theo Thảo Anh
Trí Thức Trẻ