Việt Nam thua cả Lào và Campuchia về hệ số chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam thấp nhất trong khu vực ASEAN, thua cả Lào và Campuchia.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam thấp nhất trong khu vực ASEAN, thua cả Lào và Campuchia.

Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều năm qua, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt 72% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam ra thế giới là của các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ thành công trong việc thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên sự chuyển giao công nghệ giữa các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá hạn chế.

Khi quản trị và công nghệ là hai yếu tố quan trọng đối với sự thành công trong liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì Việt Nam vẫn chưa hội nhập với các doanh nghiệp FDI trong nước, hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp nội thấp nhất trong khu vực ASEAN, thua cả Lào và Campuchia.

Phát biểu tại diễn đàn "Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học công nghệ" sáng ngày 3/8/2018, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, chính thực trạng này đã khiến trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn thấp và chưa được cải thiện nhiều.

Theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2016, gần 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ chủ yếu đến từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32% trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.

“Những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng trình độ công nghệ, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam và sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp”, ông Lộc đánh giá.

Nhận thấy rõ thực trạng này, chủ tịch VCCI cho rằng, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Lộc, đã có nhiều doanh nghiệp nhận thức được vấn đề này nên đã và đang thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với các viện/trường, các nhà khoa học.

Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện mới đây, có tới 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có gần 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức khoa học công nghệ đến doanh nghiệp lại rất thấp (chỉ dưới 1%).

Trong khi đó, ông Lộc cho rằng, vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện/trường cho các doanh nghiệp dường như là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường khoa học công nghệ, nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Theo chủ tịch VCCI, Việt Nam có thể học tập rất nhiều mô hình liên kết chuyển giao công nghệ trên thế giới và ngay tại các nước ASEAN như Malaysia. Để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, Malaysia đã có hẳn một chương trình chuyển giao tri thức (Knowledge Transfer Program - KTP), với mô hình có sự tham gia của 3 tác nhân chính là: doanh nghiệp, các viện/trường và các tổ chức trung gian, trong đó coi doanh nghiệp là trọng tâm.

Malaysia cũng thành lập nhiều trường đại học có sự tham gia của doanh nghiệp để phục vụ các ngành công nghiệp lớn như đại học DRB-HICOM University of Automotives Malaysia.

Quốc gia này giờ đây không chỉ quan tâm đến chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện/trường trong nước cho doanh nghiệp mà còn đang phát triển các đề án nghiên cứu từ viện/trường thuộc khu vực ASEAN tới các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.

Đặng Hoa

Theo TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/viet-nam-thua-ca-lao-va-campuchia-ve-he-so-chuyen-giao-cong-nghe-tu-doanh-nghiep-fdi-a38438.html