Hồi đầu tháng 8.2018, tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở TP Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã 'đặt hàng' cho ngành nông nghiệp rằng: 10 năm tới phải đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới...
Với mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và có thể đạt quy mô 317 tỷ USD vào năm 2020, nếu Việt Nam phát triển tốt chế biến sâu rau củ quả thì có thể hoàn toàn lọt vào top 10 thế giới về chế biến nông sản.
Chưa đầy 1 tháng sau sự kiện này, khi thăm nhà máy máy chế biến rau củ quả Tanifood tại Tây Ninh của Công ty cổ phần Lavifood đầu tư, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại ‘đơn đặt hàng của mình và tin tưởng, khi nhà máy Tanifood đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần giải “bài toán” mà ông đặt hàng đối với ngành nông nghiệp...
“Tôi nghĩ rằng nhà máy Tanifood sẽ thành công trong tương lai, mở đầu cho ngành công nghệ chế biến sâu của Việt Nam, xuất đi toàn cầu và tiêu thụ tại Việt Nam, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, người Việt…’ Thủ tướng nhận định.
Việt Nam muốn thêm phần chiếc bánh 317 tỷ USD
Năm 2017, rau quả Việt Nam được ví như “con thuyền lội ngược dòng” khi từng bước vượt qua khó khăn để đem về 3,5 tỷ USD và nằm trong Top tăng trưởng mạnh nhất. Năm 2017, xuất siêu rau quả đạt gần 2 tỷ USD.Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 40,2% so với năm 2016. Kết quả này góp phần khiến cục diện nhóm hàng xuất khẩu có ít nhiều thay đổi. Đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng rau quả vượt qua dầu thô và gạo.
Trong năm vừa qua, nhiều đơn hàng lớn xuất đi nước ngoài đã được chốt, những tín hiệu khả quan về xuất khẩu rau quả vẫn đang tiếp tục. Tính đến thời điểm này, rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Kết quả này hội tụ từ nhiều yếu tố nhưng, nguyên nhân chính đến từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ đất lúa sang cây ăn quả tăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng khiến diện tích sản xuất và năng suất đều tăng; sự tăng tốc đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chưa khi nào nông nghiệp Việt được quan tâm nhiều trong thời gian qua, cả về chính sách nhà nước và sự đầu tư của doanh nghiệp.Hàng loạt những chính sách mới được cởi trói để cho ngành nông nghiệp, sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.Theo Bộ NN&PTNT riêng trong năm 2017, gần 2.000 doanh nghiệp đã đổ vốn vào nông nghiệp.
Những nghiên cứu từ nhu câu của thị trường thế giới cho thấy,đề bài của Thủ tướng đặt ra là hoàn toàn khả thi.
Theo Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tín hiệu của thị trường thế giới về mặt hàng ra củ quả sẽ là căn cứ cho định hướng sản xuất thời gian tới.
Ông Thành dẫn chứng ngành rau- củ-quả thế giới năm 2015 đã đạt doanh thu gần 250 tỉ USD, trong đó, mặt hàng tươi chiếm 63% và hàng chế biến là 37%. “Dự báo đến năm 2021, riêng hàng chế biến sẽ đạt đến 317 tỉ USD”, ông cho biết và nói rằng tương lai của ngành này sẽ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm thế giới. Bởi, các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hiện đã chuyển sang xu hướng này.
Với Việt Nam, theo ông Thành, trong nước có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chế biến rau- củ- quả và đặc biệt dư địa để phát triển của ngành hàng này còn lớn.
Cụ thể, Việt Nam hiện có 49 triệu héc ta diện tích nông nghiệp thu hoạch, chiếm 2% diện tích thu hoạch của thế giới. Trong đó, cả nước có 863.000 héc ta trồng cây ăn trái và 908.000 héc ta trồng rau- củ-quả với 2 vùng sản xuất trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng.
Cà chua-1 sản phẩm rau quả tươi của nhà máy Lavifood.
Tuy số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này rất ít, chỉ có 145, nhưng tính đến năm 2016 đã mang về khoảng 2,5 tỉ USDkim ngạch xuất khẩu, tăng 44% so với năm trước đó, vượt qua kim ngạch lĩnh vực lúa gạo với 582 nhà máy. “Điều đó có nghĩa, tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ là một xu hướng mới, mang tính dẫn dắt trong ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông cho biết.
Một lý do khác, theo ông Thành, việc đầu tư các nhà máy chế biến rau- củ- quả Việt Nam đi sau các nước, nhưng đây sẽ là một lợi thế. “Bởi, các nhà máy ở khu vục lân cận, họ đã đầu tư cách nay 10 năm và hiện đang trong giai đoạn thu hồi vốn về công nghệ. Còn chúng ta có lợi thế đi sau, mua công nghệ mới và hiện đại”, ông cho biết và dẫn chứng trường hợp Công ty cổ phần Lavifood (Long An) đầu tư nhà máy 1.500 tỉ đồng bằng công nghệ của Ý, Đức và hiện sản xuất không đủ hàng để cung cấp cho các đối tác trên thế giới.
Lời giải từ Lavifood
Dư địa ngành lớn, thị trường tiềm năng nhưng ngành này cũng gặp phải nút thắt quan trọng đó là làm sao phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường, xuất khẩu rau quả?
Và để tìm lời giải cho vấn đề này cần phải quay lại câu chuyện của Lavifood.
“Tôi cùng các cơ quan chức năng rất vui mừng đến Tanifood để chứng kiến hoạt động của nhà máy có công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường, đặc biệt là liên kết được 6 nhà trong phát triển và áp dụng được những phương thức quản lý, công nghệ thông tin hiện đại 4.0 vào nhà máy chế biến nông sản, ngành thế mạnh của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu khi thăm nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại Tây Ninh.
Cách làm 6 nhà của Lavifood mà Thủ tướng nói chính là cách xây dựng một doanh nghiệp hoạt động khép kín theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu, sản xuất cây giống, nông cơ, phân bón, trồng và chế biến xuất khẩu chó đến tài chính.
Để thực hiện kế hoạch này, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000 ha để tái cơ cấu cây trồng chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất.Hồi giữa tháng 12/2017, Lavifood đã ký với tỉnh Đồng Tháp xây dựng cụm nông nghiệp công nghệ cao. Tại cụm công nghiệp này, Lavifood sẽ có nhà máy chế biến, khu sản xuất phân bón, cây giống... Như vậy, sản phẩm của Lavifood sẽ "sạch" từ khâu giống cho đến trồng trọt, thu hoạch, chế biến.
Hiện tại, Lavifood đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình trồng trọt cho nông dân.Với ứng dụng này, người nông dân có thể biết được độ ẩm đất là bao nhiêu và tưới bao nhiêu nước là phù hợp. Ứng dụng này cũng "nhắc" người nông dân ngày nào cần bón phân với liều lượng ra sao, rồi cảnh báo sâu bệnh...
Một sản phẩm quả tươi của nhà máy Lavifood.
Trong khi đó, công ty biết được vùng đất này phù hợp với cây gì, cần phải bổ sung gì cho đất, từ đó hợp tác với công ty sản xuất phân bón để sản xuất một số loại phân bón đặc thù vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây. Nhờ vậy mà Lavifood chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất.
Với kinh nghiệm hơn ba năm xuất khẩu sản phẩm sang các nước Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Mỹ..., ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lavifood cho rằng, muốn sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận phải đầu tư bài bản từ đầu. Đó là công nghệ chuẩn, mô hình tốt và làm thật nghiêm túc.Phải quản lý được vùng trồng để biết cây trái đó đã sử dụng phân bón gì, thuốc trừ sâu gì, đảm bảo không còn dư lượng.
Với xuất khẩu trái cây tươi, lâu nay, nông dân chỉ bán được trái cây loại 1.Điển hình là chỉ có 80% trái thanh long tươi Bình Thuận được xuất khẩu, phần còn lại bà con nông dân phải đổ ra đường để bán cho khách địa phương, khách du lịch, thậm chí đổ bỏ. Với việc đầu tư nhà máy Tanifood có đầy đủ các dây chuyền sản xuất từ tươi đến cô đặc, đóng chai, Lavifood sẽ thu mua tất cả các loại trái cây. Trái cây loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi, loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai...
Một sản phẩm rau quả tươi của nhà máy Lavifood.
Không chỉ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, một vấn đề quan trọng trong chiến lược và cách làm của Lavifood là phải góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Có thể kể đến như nhà máy Tanifood, khi nhà máy này vận hành hết công suất sẽ đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng tin rằng, trong thời gian tới số lượng rau, củ, quả Việt Nam tiêu thụ tại các nước sẽ tăng vọt. Và khi nhiều doanh nghiệp cùng làm với quy mô lớn và bằng trái tim như Lavifood thì ngành rau, củ, quả Việt Nam sẽ có vị thế cao trên thế giới.
Có lẽ với nhưng cách làm như của Lavifood ngành rau củ quả Việt Nam sẽ sớm đạt được đơn đặt hàng của Thủ tướng. Nói như lời Thủ tướng tại buổi làm việc là ‘Nếu Việt Nam làm được 63 nhà máy như Tanifood (khoảng 8.000 tỷ/năm khi nhà máy Tanifood hoạt động hết công suất) thì doanh thu mang lại cho ngành nông sản Việt Nam sẽ là 22,5 tỷ USD”.
Nguyễn Hùng
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-don-dat-hang-cua-thu-tuong-den-chien-luoc-cua-lavifood-a38442.html