Có rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ thiên tài, sinh ra đã có những tài năng thiên bẩm và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với tài năng đó. Thế nhưng, cùng với sự trưởng thành, ai cũng phải đi những con đường khác nhau để tìm kiếm thành công. Và câu chuyện của những thiên tài ngày nào là minh chứng cho chúng ta thấy, tài năng trời phú không phải là tất cả.
Arfa Karim
Từ khi mới 5 tuổi, cô bé người Pakistan này đã bộc lộ niềm yêu thích với các chương trình máy tính. Cô bé có chiếc máy tính đầu tiên từ bố mẹ, mày mò và học cách cài đặt các chương trình lập trình mới.
Lên 9 tuổi, Arfa trở thành nhà phát triển được Microsoft chứng nhận. Chính Bill Gates đã mời cô bé đến thăm trụ sở của tập đoàn và khi trở về nhà từ Mỹ, cô bé lại đại diện cho đất nước mình trên các diễn đàn quốc tế.
Thế nhưng, cô bé sớm từ giã tất cả ở tuổi 16, sau một cơn động kinh làm ảnh hưởng đến não. Mặc dù Bill Gates đã ngỏ ý muốn chịu trách nhiệm cho viện phí của cô nhưng các bác sĩ vẫn không thể làm gì tốt hơn.
William Sidis
William James Sidis (1/4/1898) là một thần đồng người Mỹ được biết đến với khả năng toán học và ngôn ngữ đáng kinh ngạc. Ông nổi danh là “thần đồng”, sở hữu IQ khoảng 250-300 và được ghi nhận là người thông minh nhất thế giới.
Chưa đến 2 tuổi, William Sidis đã biết đọc. Đến năm 8 tuổi, anh thành thạo một số ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ và đến năm 25 tuổi, anh đã nói được khoảng 25 thứ tiếng bao gồm cả tiếng địa phương. Đáng ngạc nhiên hơn cả, Sidis theo học tại Harvard từ khi 11 tuổi và nhanh chóng trở thành giáo viên trẻ tuổi nhất ở đây khi mới 17 tuổi.
Với trí thông minh tuyệt vời đó, đáng lẽ Sidis đã có một sự nghiệp lẫy lừng. Nhưng vì chán nản với sự gò bó, định hướng theo con đường "thiên tài" của cha mẹ mà William Sidis đã lựa chọn cuộc sống tách biệt, không liên lạc với gia đình hay bất kỳ ai...
Năm 1924, cuộc sống bình yên hiếm hoi của Sidis đã bị phá vỡ khi báo chí tìm ra tung tích thần đồng ngày nào và đưa tin hàng loạt về công việc tầm thường cùng cảnh sống khốn khó của người có chỉ số IQ cao nhất thế giới.
Điều đó đã khiến ông bị tổn thương, xấu hổ, trầm cảm không thể vãn hồi. Tháng 7/1944, William đột quỵ và qua đời trong căn hộ nhỏ thuê ở Boston khi mới 46 tuổi.
Nadya Rusheva
Nadya Rusheva là một nghệ sĩ vô cùng tài năng, là tác giả của nhiều hình minh họa những cuốn sách kinh điển về thần thoại Hy Lạp cổ đại. Cô từng chia sẻ: “Tôi sống cuộc sống của những gì tôi vẽ ra. Ban đầu chúng chỉ là những bản vẽ nháp mờ nhòa, nhưng khi nhìn thấy chúng, tôi lập tức muốn làm gì đó để thể hiện rõ ràng điều mà nó muốn truyền tải”. Và kinh ngạc hơn nữa là Nadya hầu như chẳng bao giờ cần sử dụng đến tẩy.
Nadya từng mơ ước mình sẽ trở thành họa sĩ hoạt họa, nhưng giấc mơ ấy không trở thành hiện thực. Nghệ sĩ trẻ này qua đời ở tuổi 17 do xuất huyết não do dị tật bẩm sinh của động mạch não. Gia tài cô để lại là hơn 12 nghìn bức tranh kiệt tác.
Akrit Jaswal
Akrit Jaswal sinh ngày 23/4/1993 tại Nurpur, Himachal Pradesh, Ấn Độ. Dù chưa từng được tiếp cận khóa học nào về y học nhưng ngay từ nhỏ, anh đã rất nổi tiếng với biệt tài chữa bệnh.
Mới chỉ 7 tuổi, Akrit Jaswal đã thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên của mình. Một người bạn của anh không may bị bỏng tay nặng đến nỗi những ngón tay của co cong lên và làn da như chảy nhão, dúm dó lại với nhau. Vì cha mẹ cô bé đó không đủ tiền phẫu thuật nên đã quyết định để Akrit giúp đỡ. Ca phẫu thuật cực kỳ thành công và sau này, cô bé vẫn có thể cử động bàn tay đó bình thường.
Ở tuổi 12, thiên tài nhỏ tuổi đã bước vào trường Y để theo đuổi đam mê cũng như phục vụ năng khiếu thiên bẩm của mình. Anh đang cố gắng nghiên cứu cách chữa bệnh ung thư cho hàng triệu người trên thế giới.
Nika Turbina
Nika Turbina là người gốc Crimea, từng được ngợi ca là “Anna Akmatova thứ hai”. Cô là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nước Nga. Nhưng định mệnh đã phủ bóng đời cô.
Cô bé người Nga này bị hen bẩm sinh và mỗi khi phát bệnh, cô bé lại không thể ngủ được. Trong một lần mất ngủ, cô bé 4 tuổi đã nhờ mẹ viết một bài thơ từ những lời cô nói ra. Và không lâu sau, lúc 9 tuổi, Nika đã có bộ sưu tập thơ đầu tiên được xuất bản.
Ở tuổi 16, Nika trải qua giai đoạn suy nhược thần kinh đầu tiên của cuộc đời mình. Cô đã đến Thụy Sĩ và kết hôn với một nhà tâm lý học. Tuy nhiên 1 năm sau đó, cô trở về Nga và tuyệt nhiên không muốn nhắc gì đến người chồng này.
Sau đó Nika bắt đầu gặp rắc rối với rượu và ma túy và cô đã phải chịu đựng nhiều vấn đề tinh thần hơn. Cô qua đời ở tuổi 27, nhảy xuống từ cửa sổ tầng 5 nhà của một người bạn. Cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ đó là một vụ tai nạn hay tự tử.
Jacob Barnett
Sinh năm 1998, cậu bé Jacob Barnett được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ khi mới 2 tuổi. Cậu vẫn thường học ở các lớp giáo dục đặc biệt tại trường nhưng mẹ cậu thấy rằng chương trình này quá dễ và chỉ làm phiền con trai bà. Bởi thế sau đó, Jacob được học tại nhà và chỉ đến trường Đại học Indiana để học một lớp vật lý và thiên văn học.
Barnett học xong trung học trong vòng 2 tuần và vào đại học ở tuổi lên 10. Khi lên 13 tuổi, cậu đã phát triển lý thuyết tương đối riêng và nhận được nhiều đánh giá cao từ các đồng nghiệp trong ngành. Barnett được chọn học tại trường Perimeter được thiết kế để trở thành nơi hấp dẫn nhất thế giới với những người trẻ tài năng. Hiện tại, cậu đang là một nhà thiên văn học được nhiều người kính trọng.
Polina Osetinskaya
Polina là một nghệ sĩ piano và là con gái của nhà văn nổi tiếng người Nga Oleg Osetinskiy. Bằng phương pháp giáo dục riêng của mình, nhà văn đã dạy dỗ cô con gái của mình để có thể chơi được piano 30 giờ liên tiếp không mệt mỏi khi mới lên 8.
Oleg Osetinskiy vẫn luôn nói rằng Polina không thực sự tài năng mà phải nhờ những phương pháp nuôi dưỡng đặc biệt của mình thì con gái ông mới được nổi danh. Nhưng đến 13 tuổi, Polina đã trốn khỏi nhà và công bố sự thật rằng mình từng bị cha lạm dụng và lăng mạ đến nỗi không thể chịu đựng được nữa.
Ngày nay, Polina vẫn đang theo đuổi âm nhạc, những buổi hòa nhà của cô vẫn cháy vé và đồng nghiệp vẫn tán dương khả năng vô tận của cô không ngớt.
Cleopatra Stratan
Cleopatra là con gái của Pavel Stratan, một ca sĩ người Moldova. Khi còn bé, bố cô từng đưa cô bé đến phòng thu nơi ông làm việc. Và khi ông đang hát, cô bé đã nói rằng cũng biết hát những lời như vậy. Ngay khi cô bé vừa cất lời, tất cả mọi người trong phòng thu đều bị cuốn hút đến lặng người.
Ở tuổi lên 3, Cleopatra Stratan đã thu âm album đầu tiên và ngay lập tức nhận được danh hiệu Đĩa bạch kim. Hiện tại, cô bé 15 tuổi đã có 4 album riêng và là một ca sĩ chuyên nghiệp.
Michael Kearney
Lại là một thần đồng khác biết đọc khi mới 1 tuổi và đi học Đại Học khi mới 10 tuổi. Michael được ghi tên vào sách kỷ lục thế giới Guiness là sinh viên tốt nghiệp ĐH trẻ nhất thế giới. Ở tuổi 14, Kearney lấy bằng Thạc sĩ và trở thành giáo viên đại học khi mới 17 tuổi.
Hiện nay anh đang làm việc như một nhà khoa học và có một sở thích vô cùng đặc biệt là tham gia các trò chơi trí tuệ. Tất nhiên với IQ của mình, không lạ gì khi anh giành được nhiều chiến thắng, cá biệt đã có lần gần như giành được phần thưởng 1 triệu USD.