Dự án “rồng đón ngọc” hơn 4 tỷ USD
Từ năm 2011, Tập đoàn BRG đã được Chính phủ và thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài. Đây là trục đô thị lớn, với tổng diện tích khoảng 2.080 ha, thuộc địa bàn 3 xã của huyện Sóc Sơn và 10 xã huyện Đông Anh. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7km, điểm đầu là sân bay quốc tế Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân.
Trước đó, BRG thông tin dự án này sẽ được phát triển trong 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh phát triển cho các giai đoạn, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD với quy mô khoảng 271ha. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 73ha và tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Tập đoàn BRG cũng là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080ha hai bên trục tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, lý do BRG lựa chọn dự án là vì niềm đam mê với quy hoạch, xin làm quy hoạch để cống hiến. Bà Nga cũng khẳng định muốn xây dựng thành phố thông minh hiện đại như Singapore.
Vì thế, Chủ tịch BRG đề cao việc làm quy hoạch, triển khai theo đúng quy hoạch. Trục không gian Nhật Tân – Nội Bài có chiều ngang khoảng 100m, dọc 2 bên đường dài khoảng 11-12km chỉ có cây xanh, đường đi bộ và kênh. Bà Nga cho biết, Nhà đầu tư phải đủ tiêu chuẩn năng lực tài chính, trình độ và công nghệ. Bà Nga mong muốn tổng thể của dự án là làm sao 2 bên xây dựng một quy hoạch thống nhất, không cấp phép làm nhà xé nát quy hoạch mà phải làm đúng tiêu chí chọn nhà đầu tư.
Bà cũng chia sẻ, dự án sẽ gồm nhiều hạng mục từ công viên ven sông, có làng ASEAN, khu Đại học và giữ được các làng xóm hiện hữu, cư dân tại đây vẫn kết nối được với thành phố hiện tại.
Điểm đặc biệt của dự án này được chủ tịch BRG tiết lộ là hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây.
Thành phố thông minh được kết nối giao thông đồng bộ với khung trung tâm lõi, bằng tuyến đường sắt đô thị số 2. Điểm đầu tuyến từ phố Trần Hưng Đạo và điểm cuối là nhà ga chính tại thành phố thông minh.
Liên doanh nhà đầu tư Sumitomo và BRG cũng rất chú trọng đến phát triển dự án theo hướng sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch,… Tổng Giám đốc tập đoàn Sumitomo cho biết, trong giai đoạn 1 sẽ phát triển hạ tầng khu vực đặc biệt là xây dựng nhà máy nước sạch để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho khu đô thị. Hướng đến xây dựng thành phố thông minh thân thiện với môi trường.
Khởi công trong tháng 10
Để triển khai dự án mang tầm cỡ quốc tế, có quy mô lớn này, cuối năm 2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài.
Siêu dự án thành phố thông minh đã chính thức được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị đầu tư và phát triển Hà Nội vào 17/6 vừa qua. Với những bước thủ tục pháp lý cuối cùng đang được hoàn tất, liên doanh nhà đầu tư này kỳ vọng siêu thành phố thông minh dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào khoảng tháng 10 tới đây.
Theo thông tin từ BRG, siêu dự án này sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên toàn bộ diện tích khoảng 272 hecta. Giai đoạn 1, liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 hecta.
Hà Nội có đến 5 cửa ô với 5 trục đường vành đai từ 1 đến 5; tuy nhiên, cửa ngõ mang ý nghĩa về quốc tế thì chỉ có cửa ngõ Nhật Tân – Nội Bài và đây gần như được quy hoạch mới hoàn toàn, không đi qua các trục đường cũ.
Dưới góc độ của một hành khách vừa mới xuống sân bay, dù là ở cương vị nào từ người dân, doanh nhân, khách du lịch hay kể cả các nguyên thủ thì cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi sau chuyến bay dài.
Chính vì thế, đoạn đường đầu tiên từ Nội Bài về vành đai ba được điểm bởi cây xanh, hồ nước, bao gồm các làn xanh, các công trình dịch vụ tổng hợp chỉ cao 7 - 8 tầng. Sau khi vào vành đai ba sẽ có hai trục như hai búp sen nở ra chào đón khách đi vào thành phố.
Đến đoạn thứ hai (5km) hành khách bắt gặp sự tấp nập của đô thị bằng các tòa nhà cao 20, 30 tầng kết nối với khu ở, với trung tâm thương mại dịch vụ mang tầm hiện đại cho toàn bộ khu vực này.
Nằm song song với cầu Nhật Tân là một trục đi bộ gắn liền với công trình chọc trời, nhìn từ trên cầu sẽ thấy trục đi bộ có độ cong như con rồng. Đi hết trục cong sẽ nhìn thấy trục trung tâm dài 3km, hai bên là các trung tâm thương mại dịch vụ các cỡ. Tòa tháp chính là tòa tháp tài chính lớn nhất, tựa như tòa tháp 101 tầng của Đài Loan, tòa tháp này đều có thể được nhìn thấy từ cầu Nhật Tân cũng như là từ Nội Bài về, đại diện cho sự giàu có của Hà Nội...
Hiện 20 công ty của Nhật Bản quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dự án; trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo, Mitsubishi, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro... Trong tương lai, đây có thể được coi sẽ là khu đô thị hiện đại bậc nhất. Thành phố Hà Nội đang mời gọi đầu tư và lãnh đạo Hà Nội khẳng định, sẽ bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Giai đoạn 5 của dự án cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2028.
Theo Nhà đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sieu-du-an-4-ty-usd-nhat-tan-noi-bai-se-duoc-trien-khai-the-nao-a38897.html