Thiết lập các chính sách phân cấp mạnh, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phát huy nội lực và khuếch trương cho họ bằng các hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tạo nên được sự thống nhất cao độ từ Trung ương đến địa phương cùng đưa kinh tế đi lên.
Mỗi địa phương như viên ngọc quý
Trong mắt Thủ tướng, địa phương nào cũng như hòn ngọc quý, không có địa phương nào không có thế mạnh, không địa phương nào bị bỏ lại phía sau. Và Thủ tướng khẳng định, đây chính là những hòn ngọc dựng xây nền tảng cho sự hưng thịnh của đất nước.
Ngay sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng vào tháng 4/2016 và liên tục từ đó đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư tại các địa phương. Những tỉnh nghèo như Quảng Trị, Lai Châu, là những nơi ông đến đầu tiên. Đến đâu, Thủ tướng cũng mang đến niềm tin về lợi thế đặc biệt chỉ nơi đó mới có. Nhất là trong bối cảnh một số tỉnh, thành có xáo trộn về nhân sự lãnh đạo tỉnh, sự có mặt của Thủ tướng là niềm động viên lớn, cũng như mang lại sự yên tâm gấp bội cho các nhà đầu tư.
Như khi Thủ tướng đến dự và chỉ đạo "Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hậu Giang" vào tháng 9/2017. Đó là thời điểm Bí thư tỉnh này xin nghỉ hưu sớm và đang chờ quyết định từ Bộ Chính trị, trong khi đó, Bí thư mới chưa rõ là ai. Thủ tướng đã mang không khí phấn chấn cho cả hội nghị, khi ông nói, "Hậu Giang gạo trắng nước trong/ai đi đến đó thì không muốn về". Qua hội nghị hôm nay, niềm tin của nhà đầu tư vào Hậu Giang sẽ tăng lên".
Hay như tại Tây Nguyên, Thủ tướng đến và khẳng định, Tây Nguyên không phải "bữa tiệc đã tàn canh" như một số người nghĩ, mọi sự phát triển vẫn đang ở phía trước, phải có khát vọng hồi sinh cao nguyên, biến nơi đây trở thành một trong những địa danh thưởng lãm cà phê độc đáo bậc nhất thế giới.
Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Đồng thời, Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á trong thế kỷ thứ 21.
Hoặc khi đến Sóc Trăng, Thủ tướng nhắc cho cả nước biết, "Sóc Trăng trong tiếng Khmer (Srok Kh'leang) có nghĩa là "Xứ kho bạc", cho thấy từ xưa vùng đất này vốn đã được tiền nhân nhận diện có tiềm năng lớn như thế nào" và ông không ngần ngại bày tỏ, "tôi có niềm tin là trong tương lai gần, Sóc Trăng là kho chứa bạc của các nhà đầu tư, của người dân, của cả nước" Một tỉnh khiêm nhường không kém khác là Trà Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên các nhà đầu tư hiểu sâu sắc vùng đất này để nắm được lợi thế về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch và vùng đất này sẽ làm cho họ giàu bền vững.
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tái lập, được sự động viên của Thủ tướng, Bạc Liêu tổ chức "Hội nghị xúc tiến đầu tư" với quy mô lớn. Thủ tướng mong muốn tỉnh hãy có khát vọng để trở thành vùng đất ngọc, phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột là nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ. Bởi không có khát vọng, thì không thể vượt lên chính mình và mãi phải chấp nhận là vùng trũng của nghèo khó, vùng trũng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Kỳ tích sẽ đến từ những dòng sông
Chắn chắn rằng cần phải thêm nhiều thời gian nữa chứ không chỉ nhiệm kỳ này để các địa phương đều trở thành ngọc quý như mong muốn của Thủ tướng. Công cuộc dựng xây nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước còn là chặng đường rất dài chứ không thể một sớm một chiều.
Và có phải người đứng đầu Chính phủ quá lãng mạn khi tin kỳ tích của đất nước sẽ được làm từ những dòng sông?
Nhắc đến kỳ tích mà một số quốc gia trên thế giới đều gắn với tên các con sông như kỳ tích sông Hàn ở Hàn Quốc... Thủ tướng hỏi Trà Vinh là vùng đất màu mỡ nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu, ngó ra Biển Đông, vậy có thể tạo ra kỳ tích sông Tiền, sông Hậu không? Ông mong điều này là có thể.
Trà Vinh sẽ trở thành trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả Việt Nam, là đầu mối chế biến thủy hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất trong nước và quốc tế.
Thủ tướng cũng tin Nghệ An sẽ làm nên được kỳ tích sông Lam, phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 5 năm tới, cùng với Hà Tĩnh, Thanh Hóa, tạo nên một cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển có tính bao trùm, bền vững của toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Lịch sử phát triển của mọi quốc gia đều đã cho thấy, con đường đi đến phồn vinh đều bắt đầu bằng việc họ dám mơ ước, dám khát vọng.
Giữ lời hứa, không nói trước quên sau
Với sự trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng, phong trào xúc tiến đầu tư khắp nơi trở nên sôi nổi nhất từ trước đến nay, đồng thời, cũng chấm dứt được thời kỳ loạn xúc tiến đầu tư theo kiểu các địa phương tha hồ mạnh ai nấy làm, xé rào, cát cứ, thi nhau hạ giá cho thuê đất, miễn thuế và nhiều ưu dãi khác để tranh giành, chào mời, kết cục thu hút đầu tư không được lợi lộc gì, mà mất rất nhiều...
Xúc tiến đầu tư đã đi vào trật tự, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Song, như ưu tư của Thủ tướng khi phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng, "ký kết, trao giấy phép rất hoành tráng nhưng khi triển khai thì chậm trễ hoặc là không làm gì cả" hay như mới đây tại Bình Phước, Quảng Bình, Thủ tướng đều nhắn nhủ các nhà đầu tư đừng để các con số chỉ là trên giấy, đừng để gió thổi bay lời hứa...
Phía sau sự hoành tráng là những khoảng lặng buồn vì các lý do mà Thủ tướng đề cập đến rất nhiều tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, có cả lý do từ doanh nghiệp, có cả lý do từ phía chính quyền. Như khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Sơn La, ông nhắc chính quyền địa phương đừng mời gọi các nhà đầu tư kiểu như việc cưới vợ cho con trai, lúc làm đám cưới thì trải thảm đỏ linh đình, đến khi có được con gái nhà người ta rồi thì đối xử không ra sao...
Hay khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Ninh Thuận, ông nói, "muốn thu hút đầu tư cho địa phương mình thì chính quyền phải "biết lắng nghe", biết giữ lời hứa, không nói trước quên sau, nói và làm phải đi đôi với nhau".
Thủ tướng còn nhấn mạnh rằng, "chính người dân và doanh nghiệp mới là người làm kinh tế trực tiếp chứ không phải chính quyền. Vì vậy chính quyền phải tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, liêm chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Muốn thu hút đầu tư lâu dài, muốn doanh nghiệp vào đầu tư và "ăn đời ở kiếp" cùng chung sức phát triển kinh tế địa phương thì phải có cam kết cụ thể từ các lãnh đạo địa phương, tạo niềm tin cho nhà đầu tư yên tâm, phấn khởi. Phải có cơ chế đánh giá bộ máy công quyền, đánh giá cán bộ có năng lực, nhất là các cán bộ làm việc trực tiếp với nhà đầu tư".
Về phía Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó có nhiều biện pháp tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chính sách và có biện pháp giải thích, tháo gỡ kịp thời. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nước có môi trường đầu tư tốt hàng đầu ASEAN.
Theo đó, Chính phủ sẽ phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ. Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ làm tốt hơn về hạ tầng, thể chế, tổ chức bộ máy, để đưa môi trường Việt Nam xứng đáng với niềm tin của nhân dân và nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Việt Nam".
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý, "quá trình cải cách cũng như xúc tiến đầu tư của địa phương là liên tục chứ không phải chỉ một đợt rộ lên rồi thôi. Cho nên rất cần sự cố gắng bền bỉ của các cấp chính quyền cũng như sự đồng lòng, chung sức của doanh nghiệp".
Theo tinh thần này của Chính phủ, ngày càng có nhiều địa phương xác định trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế, chính quyền cam kết là "bạn đồng hành" với nhà đầu tư từ lúc họ mới bắt đầu "thai nghén" dự án cho đến khi dự án thành hiện thực và kéo dài suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn mình và coi đó như các mối lương duyên, các cuộc hôn nhân ăn đời ở kiếp ...
Theo Lê Châu/Vneconomy
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-hon-ngoc-dung-xay-nen-tang-cho-su-hung-thinh-cua-dat-nuoc-a39274.html