Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 430 tỷ USD, trong đó Mỹ "đặc biệt dễ tổn thương" nếu cuộc chiến tranh thuế quan leo thang xa hơn. Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo xuất bản ngày 16/7.
Theo trang CNBC, trong một động thái cảnh báo mạnh mẽ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, IMF nói rằng những lời đe dọa thuế quan hiện nay giữa Mỹ và các đối tác thương mại có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,5 điểm phần trăm trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, tương đương với khoản thiệt hại 430 tỷ USD tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Mặc dù tất cả các nền kinh tế sẽ phải chịu thiệt hại nếu căng thẳng thương mại leo thang xa hơn, nhưng chính nước Mỹ sẽ trở thành "tâm điểm của sự trả đũa toàn cầu", dẫn tới một tỷ lệ lớn hơn hàng xuất khẩu của Mỹ bị áp thuế ở nước ngoài - theo báo cáo. "Bởi vậy mà nước Mỹ đặc biệt dễ tổn thương", IMF đánh giá.
Hiện tại, Washington và Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Mỹ còn dọa áp thuế 10% thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả nước này tương xứng.
Ngoài ra, ông Trump cũng đang dọa áp thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của châu Âu sang Mỹ. Trong chuyến công du châu Âu vừa rồi, ông còn khiến các nhà lãnh đạo khu vực này lo ngại khi gọi Liên minh châu Âu (EU) là một trong những "kẻ thù" lớn nhất của Mỹ về thương mại.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (World Economic Outlook) mới nhất của IMF nói rằng có nhiều rủi ro lớn hơn đang nổi lên đối với nền kinh tế toàn cầu so với thời điểm đầu năm. IMF nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn mạnh, sự tăng trưởng "đang trở nên kém đều hơn, và rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng đang gia tăng".
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 và 2019 ở mức 3,9%. Tuy nhiên, định chế này hạ mạnh dự báo tăng trưởng đối với kinh tế EU, Anh, và Nhật Bản.
Cho rằng sự tăng trưởng trên diện rộng của kinh tế thế giới từ hai năm trước đã bắt đầu chững lại, ông Maurice Obstfeld, một chuyên gia kinh tế của IMF, khuyến nghị: "Các quốc gia cần chống lại lối tư duy hướng nội và nên nhớ rằng hợp tác đa phương có ý nghĩa sống còn trong việc giải quyết các vấn đề lợi ích chung".
IMF cũng cho rằng việc gia tăng sử dụng các biện pháp bảo hộ có thể cản trở đầu tư, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm lại sự phổ biến của các công nghệ làm gia tăng năng suất, và đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng lên.
Ý Nhi/Theo CNBC
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thue-quan-cua-tong-thong-my-donald-trump-se-khien-the-gioi-thiet-hai-430-ty-usd-a39328.html