Ông Trần Anh Vương mới đây đã thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty cổ phần SAM Holdings (mã chứng khoán SAM), đồng thời rời vị trí Tổng giám đốc sau hơn 2 năm gắn bó với vị trí này.
Làm ăn ra sao dưới bàn tay “cá mập”
Vị "cá mập" chính thức đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc công ty từ 5/2016 để thay thế cho ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch HĐQT. Trước đó, ông Vương cũng là Phó tổng giám đốc thường trực của công ty.
Giai đoạn này, SAM Holdings đã ghi nhận kết quả đầu tư tài chính ấn tượng nhờ những thương vụ đầu tư chứng khoán hiệu quả.
Năm 2016, năm đầu tiên ông Vương ngồi vị trí cao nhất trong ban lãnh đạo SAM Holdings, công ty chỉ ghi nhận 1.826 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với năm trước, đạt 75% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế cũng chỉ đạt hơn 36 tỷ đồng, vỏn vẹn 30% kế hoạch, do phải gánh chịu khoản lỗ hơn 44 tỷ đồng từ bất động sản.
Ông Trần Anh Vương đã chính thức chia tay SAM Holdings sau nhiều năm gắn bó. Ảnh: SharkTankVN. |
Tuy nhiên, một năm sau đó, SAM Holdings đã khởi sắc trở lại với doanh thu tăng gần 22% đạt 2.221 tỷ đồng và thu về khoản lợi nhuận ròng 114 tỷ đồng, tăng hơn 447%.
Năm 2017 cũng đánh dấu sự chuyển hướng của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực cổ phiếu và ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động này.
Cũng trong năm này, doanh thu tài chính công ty tăng đột biến từ mức 65 tỷ đồng lên 238 tỷ đồng, gấp gần 4 lần. Từ một khoản mục thua lỗ, đầu tư tài chính đã trở thành nguồn thu chính của công ty đóng góp tới 77 tỷ đồng lãi trước thuế cho công ty, tiếp đến là mảng dây và cáp góp hơn 68 tỷ đồng, riêng mảng bất động sản lỗ 2,5 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cũng cho hay hoạt động tài chính đạt được kết quả ấn tượng nhờ những thương vụ chốt lời khoản đầu tư 14,5 triệu cổ phiếu VGC (Tổng công ty Viglacera) đem về khoản lợi nhuận 115 tỷ đồng; thoái vốn tại Bất động sản Hiệp Phú lãi gần 91 tỷ đồng...
Tính đến cuối năm 2017, danh mục đầu tư chứng khoán của SAM Holdings đa dạng với 10 cổ phiếu ngành nghề khác nhau, tổng giá trị đầu tư trên 582 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với năm 2016. Trước đó, ông Vương cũng chia sẻ tiêu chí đầu tư của công ty là dựa trên hai định hướng, đầu tư để nhận lợi nhuận ngay, và đầu tư dựa trên kỳ vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm trước khi Shark Vương rời ban lãnh đạo, SAM Holdings cũng ghi nhận 1.044 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 50 tỷ đồng lãi ròng, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính vẫn tăng mạnh nhưng chi phí tăng theo khiến lợi nhuận ròng công ty thu về không cải thiện nhiều.
Những thương vụ mua bán cổ phiếu “nóng”
Giai đoạn Shark Vương lãnh đạo cũng đánh dấu sự kiện đổi tên của SAM Holdings từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom thành Công ty cổ phần SAM Holdings như hiện nay, đồng thời tăng vốn lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Công ty cũng đã chủ trương thoái vốn tại một số công ty liên kết và các dự án như Sacom - Taihan; Sacom Chíp Sáng; Hiệp Phú hay đẩy mạnh bán hàng thu hồi vốn dự án Giai Việt...
Việc thoái toàn bộ vốn tại Cáp Taihan - Sacom cho đối tác Taihan Electric Wire của Hàn Quốc với giá chuyển nhượng là 7,7 triệu USD (khoảng 172 tỷ đồng) đã đem về cho công ty gần 38 tỷ đồng lợi nhuận. Ngoài ra còn giúp công ty hoàn nhập dự phòng đầu tư gần 21 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2017, ban lãnh đạo công ty cũng chủ trương đầu tư nhiều thương vụ chớp nhoáng. Như việc rót 180 tỷ đồng vào Hạ tầng An Việt vào cuối năm 2016. Nhiều lãnh đạo của SAM Holdings trong đó có ông Vương đã được cử vào HĐQT An Việt. Khoản đầu tư này được duy trì đến tháng 6/2017 thì SAM Holdings quyết định thoái vốn.
Giai đoạn này, công ty cũng mạnh tay gom cổ phần tại Du lịch Phú Thọ và Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, công ty vẫn là cổ đông lớn nắm giữ gần 29% vốn tại Du lịch Phú Thọ và gần 5% vốn tại Dược Việt Nam.
Một thương vụ lớn khác của SAM Holdings chính là việc trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) với 14,39% vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, công ty đã phải cắt lỗ một phần khoản đầu tư này do giá TTF xuống thấp. Hiện SAM Holdings chỉ còn sở hữu gần 7,5 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng tỷ lệ 3,48%.
Tính đến hết quý II, danh mục đầu tư chứng khoán của công ty đang có giá trị trên 344 tỷ đồng, nhưng giá trị thị trường hiện tại chỉ đạt 209 tỷ đồng, và đang phải trích lập dự phòng hơn 135 tỷ đồng. Danh mục bao gồm một số khoản đầu tư lớn như 284 tỷ đồng đầu tư vào DVN; hơn 50 tỷ tại TTF; hơn 7 tỷ tại ALP và một số khoản đầu tư khác…
Trong giai đoạn làm lãnh đạo tại SAM Holdings, Shark Vương chính là người đã mang Shark Tank về Việt Nam. Trong mùa 1, SAM Holdings đã chi 10 tỷ đồng cho chương trình này. Hiện tại, không còn là lãnh đạo tại công ty nhưng vị "cá mập" vẫn giữ vai trò ban tổ chức của chương trình Shark Tank mùa 2.
Quang Thắng/Zing