Việc tính toán xử lý cổ phiếu quỹ làm sao để mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp cũng như cổ đông sẽ là bài toán dễ dàng với những cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng, nhưng với cổ phiếu đang giảm dưới mức giá vốn thì lại là bài toán cân não.
Thực tế cho thấy đa số công ty đại chúng thường mua lại cổ phiếu đã phát hành, nhất là trong trường hợp kích cầu tăng giá hoặc hạn chế mức rơi khi giá cổ phiếu xuống thấp hoặc doanh nghiệp kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai nên mua lại cổ phiếu của chính công ty như một cơ hội đầu tư. Cũng có trường hợp mua lại cổ phiếu của công ty để thưởng cho nhân viên...
Do thực hiện mua cổ phiếu quỹ từ nguồn vốn hợp pháp nên việc doanh nghiệp mua cổ phiếu đang lưu hành sẽ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu hay giá trị sổ sách một lượng bằng giá trị cổ phiếu đã mua vào. Khi doanh nghiệp bán ra số cổ phiếu quỹ đó, giá trị sổ sách sẽ tăng lên một lượng bằng giá trị cổ phiếu bán ra. Chênh lệch giữa hai khoản đó được ghi vào thặng dư vốn cổ phần của công ty.
Vậy, hãy cùng điểm lại xem đến thời điểm gần đây nhất, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang ôm “bom” hay “cục vàng” từ cổ phiếu quỹ.
Là “bom” hay “vàng”?
Theo thống kê của Vietstock, tại thời điểm ngày 30/06/2018, trên sàn có 43 doanh nghiệp đang nắm trên 1 triệu cổ phiếu quỹ, trong đó đáng chú ý nhất là VIC, PLX và MSN - đều giữ trên 100 triệu cổ phiếu quỹ. Nhóm kế cận với hàng chục triệu cổ phiếu quỹ gồm có STB, KDC, ACB, CII và HHS.
Nếu tính theo thị giá tại ngày 30/08/2018, lượng cổ phiếu quỹ sẽ mang về giá trị rất khủng khiếp cho các doanh nghiệp, cả ở khía cạnh lời (22 doanh nghiệp) và lỗ (21 doanh nghiệp). Trong đó, những “ông lớn” đầu ngành như VIC, PLX, MSN đang cho thấy việc đầu tư vào cổ phiếu quỹ là hướng đi đúng đắn và thành công nhất.
Cụ thể, với giá cổ phiếu trên 100,000 đồng/cp thì nếu bán ra, VIC sẽ thu về con số rất "đỉnh" tới gần 16,000 tỷ đồng thặng dư. Còn PLX và MSN với mức giá gần 69,000 đồng/cp và 97,000 đồng/cp thì sẽ lần lượt thu về gần 8,000 tỷ đồng và hơn 4,000 tỷ đồng thặng dư. Nối gót các mã chiếu trên này chính là ACB với 978 tỷ đồng, NLG 218 tỷ đồng, STB 187 tỷ đồng hay VIB với gần 175 tỷ đồng.
Top những doanh nghiệp có giá trị cổ phiếu quỹ có lãi theo thị giá
Nguồn: VietstockFinance
|
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ đều mang lại lợi ích cao. Đơn cử như tại KDC, KBC và NTL, nếu bán ra thời điểm này sẽ bị âm thêm từ 417 tỷ đến 144 tỷ đồng, những con số không hề nhỏ so với lợi nhuận hàng quý mà các doanh nghiệp này cật lực "cày" cũng khó bù đắp được.
Top những doanh nghiệp có giá trị cổ phiếu quỹ bị lỗ theo thị giá
Nguồn: VietstockFinance
|
Xử lý thế nào để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông?
Về lý thuyết, thời điểm mua lại cổ phiếu quỹ sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông khi sức cầu từ việc này có thể giúp cổ phiếu tăng giá, các cổ đông chốt lời sẽ chịu thuế suất thấp hơn so với chia cổ tức bằng tiền. Còn về góc độ tài chính, khi làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ làm tăng các chỉ số hiệu quả hoạt động tính trên nguồn vốn như thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)…
Nhưng ngược lại, cũng phải thấy rằng lượng tiền mặt mà những doanh nghiệp này chi ra để gom cổ phiếu quỹ là con số không hề nhỏ. Với trường hợp doanh nghiệp vay nợ nhiều thì doanh nghiệp sẽ phải cân đo đong đếm giữa lợi ích thu được từ mua lại cổ phiếu quỹ với chi phí tài chính nếu dùng khoản tiền hiện có để giảm nợ vay.
Và với những doanh nghiệp vay nợ nhiều trong khi giá cổ phiếu đang tăng khá thì đây có phải là thời điểm phù hợp để chốt lời nhằm giảm áp lực nợ vay? Còn với những doanh nghiệp đang ôm lỗ từ cổ phiếu quỹ thì vẫn phải nằm chờ thời?
Gần đây, thay vì bán ra cổ phiếu quỹ thì AAM đã chọn phương thức hủy cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ. Có lẽ đây là phương án khả dĩ nhất của AAM bởi giá vốn mà doanh nghiệp này chi ra để gom hơn 2.7 triệu cổ phiếu quỹ lên tới hơn 62 tỷ đồng. Bởi với thị giá hiện tại chỉ nhích hơn mệnh giá tại 11,000 đồng/cp thì trong trường hợp bán ra, AAM chỉ thu về được gần 30 tỷ đồng, tức lỗ 32 tỷ đồng từ hoạt động này. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của AAM ngày càng èo uột nên cổ phiếu rất khó để gượng dậy trở lại thời huy hoàng như xưa.
Trước đó, đã có vài doanh nghiệp dùng cổ phiếu quỹ để trả cổ tức hay thưởng cho cổ đông, nhưng hủy cổ phiếu quỹ như AAM thì có lẽ là trường hợp đầu tiên trên sàn chứng khoán.
Minh An
Fili
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nghiep-dang-om-bom-hay-cuc-vang-tu-co-phieu-quy-a39828.html