Khó khăn
Từ cuối thập kỷ trước, sự vươn lên mạnh mẽ của khối tư nhân đã đẩy các hãng phim quốc doanh như Công ty Phim Giải Phóng (PGP) lâm vào cảnh khó khăn. Doanh thu sụt giảm, thua lỗ triền miên. Năm 2015, PGP là một trong số những đơn vị nghệ thuật đầu tiên được cổ phần hoá, với kỳ vọng thu hút sự tham gia cùng "luồng gió" tươi mới, đầy sức sống của khu vực tư nhân.
Tới cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của PGP co về còn 155 tỷ đồng, trong khi vốn cổ phần là 203,5 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 48,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên quá trình cổ phần hoá khó có thể coi là thành công khi phần vốn nhà nước vẫn còn tới 99,71%, chỉ bán cho người lao động được 0,287% và bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 0,003%.
Với tỷ lệ vốn nhà nước gần như tuyệt đối, PGP về bản chất vẫn không khác gì một hãng phim quốc doanh, và việc tiếp tục chìm trong khó khăn là điều dễ hiểu.
Năm đầu tiên hoạt động dưới mô hình cổ phần, PGP lỗ 28,1 tỷ đồng, năm 2017 có khá hơn, nhưng khoản lỗ vẫn rất lớn: 20,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể khi lỗ trước thuế 8,6 tỷ đồng, với doanh thu vỏn vẹn 6,1 tỷ đồng. Cả năm 2018, GPP đặt mục tiêu lỗ 20 tỷ đồng.
Với đà này, việc PGP lỗ âm vốn chủ sở hữu và phải tiến hành phá sản không phải là kịch bản quá xa vời, như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Hưng trong một bài phỏng vấn gần đây đăng trên tờ Quân đội Nhân dân.
Các năm qua, số lượng phim được Nhà nước đặt hàng, tài trợ giảm sút, có những năm không được đặt phim nào. Để duy trì thu nhập cho hơn 70 cán bộ, ban lãnh đạo PGP đã phải kết hợp cho thuê một phần trụ sở tại 212 Lý Chính Thắng (Quận 3), thậm chí phải vay mượn thêm từ cá nhân bên ngoài.
Tuy nhiên thực trạng tại hãng phim có lịch sử từ năm 1962 vẫn ngày càng khó khăn. Nợ nghĩa vụ ngân sách nhà nước đến cuối năm 2016 là 16,76 tỷ đồng và hơn 1 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp các loại thuế. Công ty đã nhiều lần gửi công văn cho Cục thuế TP.HCM xin gia hạn nhưng không được chấp thuận. Từ giữa năm 2016, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế phong toả tài khoản và đến tháng 8/2017 đã thu hồi hoá đơn của PGP.
Trong lúc này, cách duy nhất để vực dậy PGP chỉ có thể là thoái vốn nhà nước, nhường chỗ cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, một trở ngại lớn được đưa ra là giá trị doanh nghiệp được xác định ở mức cao, khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài.
Nuối tiếc
Không ít cán bộ, công nhân viên GPP cảm thấy nuối tiếc. Không chỉ tiếc cho lịch sử 56 năm của một hãng phim đã trải qua những năm tháng hào hùng của dân tộc; mà còn bởi trong quá khứ, Hãng phim từng sở hữu một tài sản rất đáng giá, là quyền thuê ngôi nhà tại vị trí "vàng" 15 Thi Sách, Phường Bến Nghé, Quận 1.
Lô đất 15 Thi Sách rộng 2.337 m2, cách đường Nguyễn Huệ 300m, cách đường Tôn Đức Thắng, mặt sông Sài Gòn 400m, nằm ở khu vực sầm uất và đắc địa bậc nhất Quận 1.
Trước đây, PGP thuê nhà số 15 Thi Sách của Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM với hình thức trả tiền hàng tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm 13/10/2014, Hãng phim đã nhượng quyền thuê cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 với tổng giá trị 29,19 tỷ đồng. Ngày 15/10/2014, Công ty Bắc Nam 79 đã chuyển khoản cho PGP toàn bộ số tiền trên.
Quá trình hợp thức hoá lô đất sau đó nhanh chóng diễn ra. Hiện nay, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là chủ đầu tư dự án bất động sản cao cấp ở 15 Thi Sách. Đơn vị phát triển là một tập đoàn địa ốc lớn ở khu vực phía Nam.
Đầu năm ngoái, 15 Thi Sách nằm trong danh sách 60 dự án liên quan tới các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá bị Bộ Tài chính kiến nghị UBND cấp tỉnh đình chỉ thi công và Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra.
Nghi Điền/Nhà Đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hang-phim-giai-phong-vo-dinh-sau-3-nam-co-phan-hoa-a40062.html