Trước những tranh cãi về việc áp dụng cách đánh vần Tiếng Việt theo sách CNGD, mới đây nhà văn Hoàng Anh Tú - ông bố 3 con đã bày tỏ quan điểm dưới góc độ của một phụ huynh, cho rằng chưa bàn đến việc đúng hay sai, nhưng thái độ cực đoan của mọi người mới là điều đáng quan ngại.
Những ngày gần đây, rất đông phụ huynh và giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn học sinh đánh vần tiếng Việt theo sách “Công nghệ giáo dục” - cũng có quan điểm trái chiều về tài liệu dạy học do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.
Bên cạnh việc cho rằng những nội dung trong SGK không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, thậm chí ngay cả việc sử dụng từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục. Đồng thời trong bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục còn sử dụng khá nhiều từ phương ngữ khiến chính các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cảm thấy khó hiểu.
Phóng to Bộ sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" gây tranh cãi. Ảnh: Hà Nguyễn/Người Lao Động.
Bên cạnh việc dùng từ, bộ sách đánh vần tiếng Việt theo sách “Công nghệ giáo dục” còn khiến nhiều phụ huynh học sinh - đặc biệt những người có con em đang đến tuổi vào lớp 1 cảm thấy bức xúc và khó hiểu bởi cách đánh vần "lạ".
Với cách đánh vần được dạy trong "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", HS được dạy cách phân biệt giữa âm và chữ. Âm là vật thật, âm thanh, chữ là vật thay thế, dùng để ghi lại, cố định lại âm. Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m...) nhưng ở sách này, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau.
Sách lớp 1 dạy trẻ đọc bằng ô vuông, hình tròn khiến nhiều phụ huynh hoang mang
Về phát âm, theo sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", HS đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ. Ví dụ "ca: /cờ/ - /a/ - ca", "ke: /cờ/ - /e/ - /ke/", "quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/"… Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo luật chính tả: Âm "cờ" đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm "cờ" đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u…
Với những nhà biên soạn sách và những người am hiểu về ngôn ngữ và ngữ âm thì những lí thuyết về cách phát âm và đánh vần trong"Tiếng Việt - CNGD lớp 1" là dễ hiểu. Tuy nhiên, khi đưa vào giảng dạy đài trà, phụ huynh chắc chắn sẽ thấy khó, vì người ta không hiểu khái niệm "chữ" và "âm", thế nào là âm đầu, âm cuối, thế nào là phần vần, âm đệm, đâu là nguyên âm chính, âm cuối… để có thể hướng dẫn cho trẻ tập đánh vần.
Trước những ý kiến tranh cãi trên về các đánh vần và việc áp dụng những khối tròn, vuông vào việc giảng dạy cho trẻ nhà văn Hoàng Anh Tú - người gắn liền với biệt danh “Anh Chánh Văn”, người từng đốn hàng triệu trái tim của cả một thế hệ học trò nhiều năm trước. Đồng thời cũng là ông bố 3 con đang ở tuổi đến trường cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân về việc áp dụng chương trình công nghệ giáo dục mới để dạy cho trẻ.
Chúng tôi xin được đăng tải những chia sẻ của anh Hoàng Anh Tú về vấn đề này:
Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú.
"Ông bố 3 con" đang ở đâu sao không lên tiếng vụ cải cách giáo dục dạy trẻ đọc C-Q-K đều là "cờ" với dạy trẻ toàn ô vuông- chấm tròn?" - Inbox của tôi mấy hôm nay đều là những tin nhắn này. Cái clip hơn 10 triệu view một ông bố xé sách cho thấy sự "lên đồng" của mạng xã hội kinh khủng thế nào.
Thậm chí, trong phần bình luận của clip ấy, tôi thấy nhiều bạn trẻ đưa ra tuyên bố sẽ không... đẻ con nữa vì sợ hãi giáo dục Việt Nam.
Cực đoan đến cùng cực.
Trở lại vụ C-Q-K cùng đọc là "Cờ" và dạy trẻ bằng ô vuông- chấm tròn, tôi vốn không phải là một nhà ngôn ngữ học hay là một giáo viên để có thể tuyên bố đó là cách dạy đúng hay dạy sai. Có thể là bởi bao năm qua, tôi cũng như nhiều bậc làm cha, làm mẹ hiện nay đều đang được dạy theo kiểu cũ nên khi tiếp cận với một kiểu mới sẽ bị sốc. Mà phản ứng tự vệ luôn là chống trả lại quyết liệt. Nhưng đến mức cực đoan như nhiều người đang thể hiện trên mạng xã hội thì thực đáng quan ngại. Vì cái mới nào cũng sẽ có những bavia nhất định. Có những bavia khiến chúng ta đứt tay là có thật. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những bavia và cho rằng đó là một sản phẩm lỗi thì có vẻ hơi quá tiêu cực. Nên thay vì vào hùa theo đám đông (mà nhìn lại đám đông đó xem họ gồm những ai, uy tín đến đâu?) thì hãy tự mình đi tìm hiểu qua nhiều nguồn khác nhau.
Thời đại Google sẵn có đấy, muốn tìm hiểu điều gì cũng không quá khó mà. Tôi cũng đã nhờ Google tìm kiếm đủ tư liệu để nhìn nhận theo đánh giá của chính mình rồi và đã thở phào. Nhưng tôi vẫn sẽ không nói những cải cách đó là đúng hay sai nhé. Hãy để những ai có con sẽ phải học chương trình cải cách tự tìm hiểu và tự quyết định. Và kể cả khi bạn cho rằng đó là cách sai thì có thể dạy con theo cách bạn cho là đúng. Dạy một đứa trẻ biết đọc biết viết đâu khó?
Năm xưa, các lớp bình dân học vụ người biết chữ dạy người không biết chữ nhiều mà. Bởi nếu chỉ là câu chuyện dạy con biết đọc, biết viết, biết nhân chia cộng trừ thì khỏi cần đưa con đến trường. Đằng nào thì mai này lũ trẻ đi làm cũng không cần sử dụng phép khai căn hay phân biệt văn tường thuật với văn nghị luận, văn kể chuyện kia mà!
Vậy tại sao mọi người cứ ầm ĩ lên như thế? Như chuyện cái lễ khai giảng, nhiều cha mẹ điên người lên chửi bới trường vì những lễ khai giảng hình thức, tra tấn thể lực trẻ. Thế nhưng, như trường con tôi, 15/8 tập trung và các con đã có 1 buổi lễ gặp gỡ, chào mừng rồi nên 5/9 sân trường vắng hoe, lũ trẻ đi học như bình thường thì nhiều cha mẹ "lên đồng" nhiếc móc nhà trường "mang tiếng ngôi trường lớn mà không tổ chức 1 lễ khai giảng nho nhỏ cho các con vui". Như nhiều người hân hoan khoe ảnh ngày khai trường của con nhưng cũng nhiều người đăng toàn những bức ảnh trẻ ngáp vậy.
Có phải vì chúng ta luôn muốn cả thiên hạ này phải làm như chúng ta nghĩ thì mới là đúng? Có phải vì bao nhiêu năm học chúng ta được dạy ra sao thì nhất nhất con em chúng ta cũng phải được dạy như thế mới là đúng? Thậm chí ngày xưa ta sai chỗ nào thì bây giờ con ta cũng phải sai y hệt thế thì nó mới đúng là "có giáo dục"?
Hàng loạt clip học sinh đọc bằng hình tròn, hình vuông được chia sẻ gây "bão".
Nó làm tôi nhớ đến những bài học thuộc lòng của con tôi bây giờ được thầy cô dạy theo phương pháp bản đồ tư duy thay vì đọc đi đọc lại một trăm lần cho in vào não bộ của chúng ta trước đây. Khi đó tôi cũng đã nhăn mày nhíu mắt vì nghĩ rằng con học theo sơ đồ tư duy sẽ không cảm được cái hay của câu văn, câu thơ. Cơ mà nhớ lại, ngày xưa có đứa nào trong chúng tôi thấy được cái hay, cái đẹp từ những bài học thuộc lòng đâu kia chứ? Muốn tìm thấy cái hay, cái đẹp thì phải thuộc nó trước rồi mới phân tích được nó.
Thế nên, túm lại, tôi vẫn sẽ sẵn sàng ứng chiến cùng con mình dù cải cách giáo dục thế nào. Bởi mỗi đứa trẻ lớn lên và trưởng thành bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình, cha mẹ là những thầy cô đầu tiên và mãi mãi của con mình.
Theo Hoàng Anh Tú
Trí thức trẻ