Mơ chia phần 10 tỷ USD, đại gia đốt túi gần 3.000 tỷ

Dù đốt hàng trăm tỷ dồng nhưng các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn quyết tâm đổ tiền. Cuộc chơi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” này, đại gia Việt có phần yếu thế.

Tiếp tục đổ tiền

Trang thương mại điện tử Sendo vừa nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó có 3 nhà đầu tư mới là  Tập đoàn SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures.

Daiwa PI Partner, trực thuộc tập đoàn Daiwa Securities Group, là nhà đầu tư tài chính hàng đầu tại Nhật Bản, chuyên về đầu tư cổ phần tư nhân và xử lý nợ xấu. Trong khi đó, Softbank Ventures Korea, một nhánh của Softbank Group được thành lập từ năm 2000, là cái tên nổi tiếng trong ngành công nghiệp Internet trên thế giới. Quỹ đầu tư mạo hiểm SKS Ventures cũng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam và châu Á.

VNG đã tiếp tục rót thêm gần 122 tỷ đồng để mua cổ phần của TiKi trong đợt chào bán riêng lẻ trong nửa đầu năm 2018 qua đó nâng tổng giá trị đầu tư vào TiKi vượt 506 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VNG vào một công ty liên kết được thể hiện trên báo cáo tài chính.

Mơ chia phần 10 tỷ USD, đại gia đốt túi gần 3.000 tỷ
Mua sắm trực tuyến luôn được đánh giá tiềm năng

Nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng (~50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.

Ngoài ra, Telenor, một tập đoàn viễn thông đến từ Na Uy thâu tóm 701Search, đơn vị sở hữu Chotot.vn với giá trị lên tới 109 triệu USD.

Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo. Theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020.

Trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.

Ông Daniel Kang, Đối tác và Giám đốc điều hành của SoftBank Ventures Hàn Quốc nhận định, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng GDP nhanh, dân số trẻ và sẵn sàng áp dụng công nghệ. Trong bối cảnh này, TMĐT của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Lắm chông gai

Dù được đánh giá là màu mỡ, thế nhưng, mảnh đất thương mại điện tử không dễ đãi ngộ bất cứ ai, và đâu đó, nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn trong giai đoạn khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình.

Khoản đầu tư vào Tiki không mang lại nhiều lợi nhuận cho VNG thậm chí còn lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng. Theo số liệu từ báo cáo tài chính bán niên của VNG, tính đến hết 30/06/2018, phần lỗ mà TiKi mang lại đã lên đến 321 tỷ đồng, khoản đầu tư vào ABA cũng lỗ 15 tỷ đồng trong khi Thanh Sơn chỉ mang về cho VNG 8,8 tỷ đồng lãi.

Dù mới chính thức ra mắt từ tháng 8/2016, Shopee cũng nhanh chóng báo lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng.

Mơ chia phần 10 tỷ USD, đại gia đốt túi gần 3.000 tỷ
Thương mại điện tử ví như cuộc chơi đốt tiền

Lazada đang thể hiện là tay chơi chịu chi nhất trên thị trường, thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ khả năng mức lỗ năm 2017 của Lazada đã vượt lên trên con số 1.000 tỷ đồng - khi đó lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 có thể lên gần 4.000 tỷ đồng.

Theo như ghi nhận, ngân sách chạy marketing cho kế hoạch trong 2 năm đầu của thương mại điện tử dao động xấp xỉ 2 triệu đô la, và tính “sống còn” sẽ được định đoạt sau thời gian này. Xét trên thực tế, chúng ta chứng kiến không ít thương hiệu rời bỏ cuộc chơi trong thời gian qua như Beyeu, Deca, Foodpanda… và nhiều doanh nghiệp rút lui lặng lẽ.

Sự canh tranh cũng trở nên khập khiễng, khi chi phí thấp dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình “bán hàng qua mạng xã hội” này vẫn được đón nhận bởi số đông. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành, đang gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan.

Bên cạnh đó, những khó khăn còn tồn đọng của TMĐT tại Việt Nam cũng đến từ nhiều nguyên nhân. Nhiều thương hiệu có tên tuổi quy định không có chính sách bán hàng qua trang TMĐT, dẫn đến sự thiếu tính đa dạng chủng loại và các thương hiệu còn lại chủ yếu vẫn là những sản phẩm nội địa.

Thông thường, lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ tầm khoảng 40-45%, trong khi đó, chi phí phải trả cho đơn vị TMĐT khá cao trung bình 30%. Để hạn chế rủi ro từ việc trả hàng, tồn hàng, hàng qua mùa, hay các chương trình khuyến mãi của trang TMĐT…, các nhà bán lẻ phải đưa giá thành cao hơn. Vô hình chung, trang TMĐT mang tính quảng cáo nhiều hơn và thậm chí đây cũng là kênh tốt để các nhà bán lẻ cho các mục tiêu marketing hay branding - làm thương hiệu .

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan. “Xét trên khía cạnh thị trường, mua sắm trực tuyến ở VN vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển nhưng các nhà bán lẻ TMĐT cần nghiên cứu thêm hành vi tiêu dùng, đồng hóa tư duy giúp dễ dàng tiếp cận cả người tiêu dùng lẫn các đơn vị cung cấp hàng hóa, đặc biệt nên hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững”, Ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP.HCM nhận định.

 Nam Hải/VietNamnet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mo-chia-phan-10-ty-usd-dai-gia-dot-tui-gan-3-000-ty-a40492.html