Kinh doanh thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, ứng dụng đặt phòng Vntrip gấp rút chuẩn bị cho vòng huy động vốn tiếp theo ngay sau khi công bố gọi vốn thành công lần thứ 3 vài tuần trước.
Nhà đầu tư chưa giải ngân hết số tiền đã công bố đầu tư vào Vntrip
Giữa năm 2016, trong làn sóng đầu tư vào startup Việt Nam, Vntrip - ứng dụng đặt phòng khách sạn, đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần là cựu lãnh đạo Alibaba. Đối với giới startup tại Việt Nam thời điểm đó, 3 triệu USD là số tiền rất lớn.
Sau khi nhận đầu tư, Vntrip liên tục quảng bá và tung ra chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng. Hệ thống này nhanh chóng tuyên bố mình là đơn vị OTA sở hữu số lượng phòng lớn nhất cả nước – 10.000 phòng, vượt qua cả các tên tuổi lớn như Booking.com
Hơn một năm sau, vào tháng 11/2017, Vntrip.vn tiếp tục công bố nhận được được 10 triệu USD, tương đương gần 230 tỷ đồng từ quỹ đầu tư Hendale Capital của Hồng Kông.
Thế nhưng không phải toàn bộ số tiền này được giải ngân ngay lập tức cho Vntrip. Các báo cáo cho thấy, trong năm 2017, Công ty Vntrip OTA - đơn vị vận hành Vntrip.vn chỉ nhận được 92 tỷ đồng tiền góp vốn của các cổ đông mới, tương đương khoản 4 triệu USD.
Có thể thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa số tiền mà quỹ tuyên bố đầu tư và số tiền thực tế đã chảy vào Vntrip OTA.
Thông thường, để nhà đầu tư rót đủ số vốn như đã cam kết, công ty nhận đầu tư phải đạt được các mục tiêu về quy mô hoạt động và kết quả kinh doanh mà nhà đầu tư đặt ra. Nhưng điều này, không phải công ty nào cũng thực hiện được.
Số tiền gọi vốn đã giúp công ty Vntrip OTA tăng vốn điều lệ từ 42 tỷ đồng (năm 2016) lên 76 tỷ đồng, rồi 134 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thu lỗ nặng kể từ khi đi vào hoạt động (lỗ lũy kế 102 tỷ đồng đến cuối năm 2017) đã khiến vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 32 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2017 của Vntrip OTA cho thấy, các khoản tiền và tương đương tiền của công ty còn 37 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty là OTA chỉ là 56 tỷ đồng.
Trước nguy cơ sắp âm hết vốn, Vntrip OTA tiếp tục nâng vốn điều lệ từ 134 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng vào tháng 7 vừa qua. Đợt thăng vốn này diễn ra ngay trước khi Vntrip OTA công bố lần thứ 3 gọi vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding.
Khác với hai lần trước, số tiền đầu tư không được các bên công bố nhưng Vntrip cho biết, nhà đầu tư đã định giá công ty lên đến 45 triệu USD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng.
Gọi vốn đầu tư mới là cách duy nhất để duy trì hoạt động đến khi có lãi
Liên tục phải quảng bá, mở rộng thị phần trong vốn chảy vào không nhiều như đã công bố, Vntrip luôn hoạt động trong tình trạng phải chịu áp lực tài chính rất nặng nề đến từ chi phí vận hành ngày một lớn. Năm ngoái tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của công ty này lên tới 93 tỷ đồng.
Quảng cáo Vntrip tại một trung tâm mua sắm
Theo giám đốc của một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực OTA tại Việt Nam chia sẻ, mô hình chung của các OTA như Vntrip.vn là bơm tiền liên tục cho hoạt động tiếp thị và quảng cáo, để tạo dựng thương hiệu thật mạnh và tìm cách để thu hút lượng truy cập thật lớn.
Vị giám đốc này cho biết, để nói về thành công, các OTA trên thế giới mất từ 5 – 8 năm mới đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, việc Vntrip.vn lỗ trong vài năm đầu là điều dễ hiểu. Quan trọng là hiệu quả đạt được sau khi ‘đốt tiền’ là như thế nào.
Bỏ qua vấn đề thua lỗ, tính tới cuối năm 2017, doanh thu của Vntrip chỉ đạt 44 tỷ đồng, có tăng trưởng so với năm 2016 nhưng vẫn chỉ được xếp vào dạng quy mô nhỏ.
Để tiếp tục phát triển, Vntrip cần dòng tiền mới chảy vào mô hình kinh doanh. Cách duy nhất là tiếp tục chuẩn bị những vòng gọi vốn mới.
Một nguồn tin cho biết, ngay sau khi tuyên bố nhận được tiền từ các nhà đầu tư Thụy Sỹ tháng trước, Vntrip đang gấp rút chuẩn bị cho một vòng gọi vốn mới vào đầu năm 2019.
Quy mô đợt gọi vốn này sẽ lớn hơn tất cả các vòng gọi vốn trước đó, nghĩa là số tiền sẽ nhiều hơn con số 10 triệu USD.
Vntrip dấn sâu vào cuộc chiến với các OTA khổng lồ
Trong ngành du lịch, mô hình OTA (Online Travel Agent) hiện nay rất thịnh hành trên thế giới với những cái tên nổi tiếng như Priceline, Expedia, Agoda, Ctrip...Ước tính kênh OTA chiếm khoảng 35 – 40% doanh thu của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn.
Vài năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam bùng nổ cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam gia nhập OTA. Ngoài Vntrip, có thể kể tới những cái tên như: mytour.vn, abay.vn, atadi.vn.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2018, thị phần của các OTA nội chỉ chiếm chưa đầy 20%. Hơn 80% còn lại thuộc về các đơn vị nước ngoài hùng mạnh như Agoda.com, Booking.com hay Expedia.com.
Cơ hội của Vntrip, cũng giống như của rất nhiều các startup khác là thị trường này còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Phần lớn du khách Việt Nam hiện nay vẫn chưa từ bỏ thói quen đặt phòng trực tiếp với các khách sạn và khu du lịch.
Mặc dù vậy thị trường đặt phòng khách sạn, vé may bay thường cạnh tranh khốc liệt và không có cơ hội cho nhiều công ty cùng tồn tại và thành công. Nếu không nhanh chóng thành công và trở thành công ty dẫn đầu, Vntrip về lâu dài sẽ bị đối thủ khác chiếm mất thị trường.
Thực tế ở một số thị trường du lịch lớn như Mỹ hay Trung Quốc, chỉ có một hoặc hai công ty thống lĩnh cả thị trường này, các công ty còn lại phải đóng cửa hoặc bị thâu tóm.
Việt Anh
Theo TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vi-sao-startup-vntrip-phai-lien-tuc-goi-von-a41078.html