CNBC: 'VinFast là sản phẩm trí tuệ của ông Phạm Nhật Vượng'

"VinFast là sản phẩm trí tuệ của ông Phạm Nhật Vượng, một người Việt Nam trong 1/4 thế kỷ qua đã biến khoản vay 40.000 USD thành tập đoàn trị giá 10 tỷ USD", CNBC viết.

Từng là một trong những tuyến đường thủy nguy hiểm nhất trên thế giới, bị khai thác và đánh bom trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam nhưng ngày nay, cảng Hải Phòng đã trở thành trung tâm phát triển kinh tế của đất nước.

Và, nếu theo đúng kế hoạch, nơi đây sẽ là nhà máy sản xuất của hãng ô tô trẻ nhất nhất trên thế giới – VinFast. Được xây dựng trên mảnh đất khai hoang từ biển, dự kiến một nửa khu vực này là nhà máy phức hợp và sản xuất 827 mẫu xe của VinFast.

Đầu tháng sau, VinFast sẽ cho ra mắt hai mẫu xe mới tại Paris Motor Show.

VinFast là sản phẩm trí tuệ của ông Phạm Nhật Vượng, một người Việt Nam, trong thế kỷ qua, đã biến khoản vay 40.000 USD thành tập đoàn trị giá 10 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup hiện đang nắm trong tay một mạng lưới các trung tâm mua sắm, khu chung cư, spa, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện và trường học trên toàn quốc.

VinFast vừa bắt đầu đi vào hoạt động và sản xuất thử nghiệm ô tô. Dự kiến, sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng tới.

Theo kế hoạch, sau 1 năm nữa, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sở hữu một chiếc ô tô sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam.

Kế hoạch ban đầu của VinFast là tập trung vào thị trường Việt Nam. Với GDP của tăng khoảng 6 đến 7%/năm, doanh số bán ô tô dự kiến sẽ tăng cao trong những năm tới.

Mặc dù vậy, trung tâm sản xuất của VinFast sẽ có đủ sức sản xuất gần gấp đôi quy mô thị trường trong nước. Lãnh đạo công ty đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á.

Jim DeLuca, Giám đốc điều hành VinFast mỉm cười khi CNBC đặt câu hỏi: “Liệu công ty có tham vọng mở rộng hơn nữa hay không”?

DeLuca đã dành một thập niên làm việc cho General Motors ở Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi nghỉ hưu năm 2016

Năm 2017, ông nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ Vingroup. Điều này đã khiến ông “mất đi kỳ nghỉ hưu của mình”.

Những tên tuổi trong ngành sản xuất ô tô ở châu Á như Toyota, Nissan và Hyundai. Họ đã tận dụng rất tốt lợi thế tăng trưởng ở thị trường khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, Proton của Indonesia – một công ty khởi nghiệp từ con số 0 ở thị trường trong nước thì lại cho kết quả khác.

Tham vọng đưa VinFast nổi lên như một ông lớn trong ngành sản xuất ô tô thể hiện ngay ở cái tên. Công ty đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, những công nhân đang chạy đua để hoàn thành việc xây dựng nhà máy nhằm kịp tiến độ sản xuất những sản phẩm bán lẻ đầu tiên của VinFast: 2 dòng xe du lịch (sedan & SUV) và một dòng xe tay ga điện vào quý II năm 2019.

"Đó là điều tuyệt vời khi người ta cho rằng ngay cả những nhà sản xuất ô tô được chuẩn bị kỹ càng cũng mất 4 – 6 năm để đi từ những kế hoạch đến thực tế sản xuất một chiếc xe hoàn toàn mới", CNBC viết.

DeLuca không giấu giếm sự vui mừng, “chúng tôi đang làm trong 24 tháng công việc mà hầu hết các OEM cần đến 60 tháng để hoàn thành.”

VinFast đã lên một danh sách các đối tác lớn, bao gồm ABB, Bosch, Magna Steyr và Siemens. Công ty cũng thuyết phục BMW cấp phép cho thiết kế và nền tảng cơ bản cho hai mô hình sản xuất đầu tiên.

Dave Lyon, cựu Giám đốc điều hành GM, hiện là giám đốc thiết kế của VinFast khẳng định rằng, những chiếc xe của công ty này “sẽ không phải là bản sao” của mẫu Sedan 5-Series BMW và X5 SUV.

VinFast đã thuyết phục một số nhà thiết kế châu Âu, bao gồm cả Italdesign và Pininfarina để tạo ra phong cách độc đáo cho những chiếc xe hạng trung này. Hơn nữa, VinFast cũng đã mở ra một cuộc điều tra lấy ý kiến của người tiêu dùng Việt Nam về những thiết kế mà họ thích.

Nếu như trước đây, các hãng sản xuất ô tô truyền thống phải tạo ra các mô hình sản phẩm bằng đất sét điêu khắc thì VinFast đã thay đổi điều đó, họ sử dụng một trăm phần trăm công nghệ nhằm cắt giảm thời gian và tăng hiệu quả của việc thiết kế.

Với sự đồng thuận của ông Phạm Nhật Vượng, DeLuca đã tập hợp một nhóm các "cựu chiến binh" ô tô từ Mỹ, châu Âu, Úc và châu Á, mang đến cho họ thách thức phá vỡ và vượt qua các phương thức sản xuất công nghiệp truyền thống để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí – ngay cả khi chất lượng được đặt lên hàng đầu.

“Tốt nhất không có nghĩa là phải đắt nhất”, Shaun Calvert, Phó chủ tịch phụ trách Sản xuất của VinFast nhấn mạnh.

Mẫu xe Sedan của VinFast

Những cuộc thử nghiệm thực sự sẽ được tiến hành trong những tháng tới. Các nhà máy dập, sơn, động cơ vẫn đang trống không trong tháng 8.

Tuy nhiên, các thiết bị máy móc đầu tiên đã được đưa vào nhà máy mới đây để sản xuất một phiên bản được cấp phép của chiếc BMW 2.0 liter inline -4.

Nhà sản xuất cũng đã có kế hoạch rất rõ ràng để các xe thí điểm được cho ra mắt vào cuối năm nay. Các mô hình có thể bán được sẽ khởi động sản xuất trong quý II/2019.

Nhóm nghiên cứu của VinFast cũng đã bắt đầu làm việc trên 2 sản phẩm dự kiến sản xuất vào mùa thu năm 2019 là xe siêu nhỏ (microcar) và xe ô tô điện.

Về quyết định sản xuất các dòng xe cao cấp, DeLuca giải thích rằng điều này sẽ tạo ra một “hào quang” cho thương hiệu VinFast, cho thấy họ có khả năng làm gì. Tuy nhiên, các dòng xe thấp cấp hơn có tiềm năng nhân rộng hơn.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn 2.000 USD/năm theo như thống kê của VinFast. Người tiêu dùng chỉ có thể chi trả cho những chiếc xe tay ga có mặt khắp các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast đồng thời là Phó Chủ tịch Vingroup cho rằng, thu nhập ở các thành phố lớn cao hơn đáng kể so với các vùng khác.

Sự khác biệt này đủ để bà tự tin về năng lực sản xuất dự kiến của VinFast, khoảng 250.000 xe/năm. Thực tế đó là một con số khiêm tốn, con số này tương đương 38 chiếc/giờ, thấp hơn tiêu chuẩn toàn cầu và VinFast sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt mức 60 chiếc/giờ.

“Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tìm được nhu cầu thị trường hay không? Dân số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, ước tính 93 triệu người, đông hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị trường xe hơi vẫn còn tương đối nhỏ, khoảng 300.000 xe/ năm”, Mike Dunne, nhà phân tích độc lập có kinh nghiệm 30 năm tại châu Á nói với CNBC.

Có không ít nghi ngờ về việc liệu mức tăng trưởng của thị trường có đáp ứng đủ số lượng sản xuất của VinFast. Công ty này sẽ phải cạnh tranh trên thị trường với các đối thủ lớn như Toyota, Hyundai.

“Do vậy, nếu là VinFast, tôi sẽ phát triển cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu”, Mike Dunne nói thêm, đặc biệt là ở thị trường Đông Nam Á. Nếu VinFast có thể chứng minh năng lực sản xuất, họ sẽ tham vọng sang cả thị trường châu Âu và Mỹ. “Nhu cầu thị trường ở đó là rất lớn”, Mike Dunne cho hay.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cnbc-vinfast-la-san-pham-tri-tue-cua-ong-pham-nhat-vuong-a41081.html