Ông Don Lam tiết lộ cơ hội của VinaCapital khi lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào startup công nghệ

"Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra vô số cơ hội mới cho những ai có đam mê khai thác tài nguyên công nghệ, tạo dựng những hệ sinh thái hoàn toàn mới", ông Don Lam, TGĐ VinaCapital nói với Trí Thức Trẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Đồng thời, ông cũng chia sẻ nhiều điều về quỹ đầu tư lên tới 100 triệu USD vừa được ra mắt.


"Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra vô số cơ hội mới cho những ai có đam mê khai thác tài nguyên công nghệ, tạo dựng những hệ sinh thái hoàn toàn mới", ông Don Lam, TGĐ VinaCapital nói với Trí Thức Trẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Đồng thời, ông cũng chia sẻ nhiều điều về quỹ đầu tư lên tới 100 triệu USD vừa được ra mắt.

Khi kinh tế chia sẻ lên ngôi


Cách mạng công nghiệp 4.0 là một từ khoá nóng trong thời gian gần đây, ở góc độ một nhà đầu tư tài chính kỳ cựu, ông nhận thấy cơ hội gì từ đó?

Công nghiệp 4.0 cho phép thực hiện nhiều ý tưởng mới hoặc những ý tưởng trước đây đã có nhưng không đủ điều kiện thực hiện. Cuộc cách mạng này đang dần biến đổi nền kinh tế hiện tại thành nền "kinh tế chia sẻ" trên phạm vi toàn cầu, trong đó, nhờ các giải pháp công nghệ, tài nguyên của xã hội được sử dụng một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân, bảo vệ môi trường ….

Cuộc cách mạng này cũng tạo ra vô số cơ hội mới cho những ai có đam mê khai thác tài nguyên công nghệ, tạo dựng những hệ sinh thái hoàn toàn mới có thể phục vụ tốt hơn cho xã hội.

Ông Don Lam tiết lộ cơ hội của VinaCapital khi lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào startup công nghệ - Ảnh 1.

Với vai trò đầu tư tài chính, chúng tôi cảm thấy rất hứng thú tìm kiếm các cơ hội tham gia với các doanh nghiệp tiềm năng trên con đường khởi nghiệp, xây dựng và phát triển những giải pháp tạo nên những hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đưa họ đến với thị trường khu vực và thế giới.

Trong ngành tài chính, cuộc cách mạng 4.0 đã đem đến những thay đổi gì cho các doanh nghiệp tại Việt Nam?

Cá nhân tôi cho rằng cách mạng 4.0 mang lại rất nhiều thay đổi cho cho ngành.

Ví dụ các ngân hàng bán lẻ, công nghệ 4.0 có thể giúp cho ngân hàng tương tác với khách hiệu quả, thậm chí không cần đến nhân viên như cách làm truyền thống. Cụ thể, đó là giao dịch online, sử dụng thẻ, hoặc thậm chí là dấu vân tay là đủ để giao dịch.

Hay với các nhà đầu tư, việc ứng dụng công nghệ thời kỳ 4.0 sẽ giúp cho khả năng tính toán các cơ hội đầu tư trở nên thuận tiện hơn nhờ big data.

Trên hết, công nghệ 4.0 giúp cho ngành tài chính giảm được nhiều rủi ro và chi phí vận hành về nhân sự, tiết kiệm diện tích sử dụng. Tất nhiên, ở mặt còn lại, nó cũng phát sinh các rủi ro và chi phí khác liên quan đến sử dụng, bảo mật và những hình thức nguy hiểm riêng mà hiện nay chưa thể lường hết được.

Thời điểm hiện tại, giữa doanh nghiệp mới thuộc lĩnh vực truyền thống và lĩnh vực công nghệ, ông ưa thích đầu tư vào loại hình nào?

VinaCapital từng có rất nhiều khoản đầu tư thành công vào các doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, tạo cơ hội đầu tư mới cho tất cả mọi người, bao gồm cả chúng tôi.

Chúng tôi vừa mở quỹ VinaCapital Ventures để đầu tư vào các startups, các doanh nghiệp về công nghệ … với niềm tin vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là thế hệ doanh nhân công nghệ trẻ.

Hấp dẫn "cá mập"bằng cách nào?

Vậy VinaCapital đang nhìn thấy tiềm năng trong kinh doanh công nghệ ở Việt Nam? Đấy có phải lý do khiến VinaCapital dừng hợp tác với DFJ để khởi động một quỹ đầu tư công nghệ của riêng mình lên tới 100 triệu USD?

Chúng tôi hợp tác với tập đoàn công nghệ và đầu tư mạo hiểm DFJ từ 2006 để mở quỹ DFJ VinaCapital. Theo đó, quỹ sẽ đóng năm 2016 và được gia hạn 2 lần, đến 2020, quỹ sẽ chính thức đóng, theo quy định của luật.

DFJ VinaCapital đã có những thành công riêng của mình và việc chúng tôi mở quỹ VinaCapital Ventures là để kế thừa đội ngũ chuyên viên đầu tư và tiếp tục hoạt động theo chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam của tập đoàn.

Ông Don Lam tiết lộ cơ hội của VinaCapital khi lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào startup công nghệ - Ảnh 2.

Công nghệ thông tin đang có những bước tiến thần tốc và trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Việc mở quỹ VinaCapital Ventures nhằm thể hiện mong muốn tham gia tích cực vào quá trình phát triển này. Mục tiêu hỗ trợ các bạn trẻ đam mê công nghệ và yêu thích kinh doanh, đem lại lợi ích cho mình và cho xã hội. Tôi nghĩ rằng VinaCapital đang đi đúng theo tiêu chí "kinh tế chia sẻ" phổ biến toàn cầu hiện nay.

Vậy tiêu chí nào để VinaCapital rót vốn vào các startup công nghệ? Trong đó, điều tiên quyết là gì? Ví dụ như Fast Go và Logivan vừa được rót vốn, họ đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí?

Trong bất kỳ thương vụ đầu tư nào, chúng tôi cũng tuân thủ một quy trình giống hệt, gồm: tìm hiểu doanh nghiệp và ban điều hành, phân tích chiến lược kinh doanh và tiềm năng của doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và các mục tiêu kinh doanh với ban điều hành doanh nghiệp để đi tới thống nhất hợp tác cùng nhau.

Ông Don Lam tiết lộ cơ hội của VinaCapital khi lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào startup công nghệ - Ảnh 3.

Tất cả các hoạt động này đều được thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và chuyên nghiệp.

Với các startups công nghệ, chúng tôi đánh giá rất cao về ý tưởng và chuyên môn của chủ doanh nghiệp, tầm nhìn, chiến lược và quyết tâm của họ đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Về mặt nhân sự, chúng tôi quan tâm đến lòng nhiệt tình của ban lãnh đạo, sự trung thực và khả năng hợp tác với những nhà đầu tư không tham gia điều hành nhưng có trách nhiệm đối với số tiền đầu tư.

Bên cạnh đó là sự nhất quán trong phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và với kinh nghiệm đầu tư đa ngành, nhiều qui mô và đa dạng văn hóa.

Các doanh nghiệp mà VinaCapital đã và đang đầu tư đều đáp ứng các tiêu chí cơ bản này và chúng tôi luôn cùng làm việc để đảm bảo sự hòa hợp, thành công trong quá trình đầu tư.

Số 5 và quyết định xuống tiền

Trong một bài phỏng vấn ông có nhắc đến việc ít nhất phải gặp gỡ 5 lần mới tạo được niềm tin, tại sao lại là con số 5? Thông thường, những nhà đầu tư kỳ vọng gì trong những lần gặp đầu tiên đó?

Việc gặp gỡ doanh nghiệp là để các bên có thời gian tìm hiểu lẫn nhau và qua đó có thể có tiếng nói chung về mục tiêu kinh doanh, chiến lược thực hiện cũng như các tiêu chí hợp tác trong quá trình đầu tư hay không.

Thông thường, ở lần gặp gỡ đầu tiên nhà đầu tư sẽ nhìn nhận những ấn tượng về văn hóa, lòng nhiệt huyết đối của doanh nghiệp với sự phát triển.

Ông Don Lam tiết lộ cơ hội của VinaCapital khi lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào startup công nghệ - Ảnh 4.

Những lần gặp sau đó sẽ giúp cho các bên có hiểu biết sâu hơn về cách thức điều hành sản xuất, kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và những vấn đề cơ bản, đặc thù của doanh nghiệp. Có rất nhiều thông tin cần được trao đổi và mục tiêu mỗi cuộc gặp đều được xác định rõ ràng trong quy trình thẩm định đầu tư.

Tôi cho rằng 5 là số lần gặp gỡ, trao đổi tối thiểu cho một thương vụ hợp tác lâu dài và tốt đẹp.

Như vậy mất bao lâu để VinaCapital quyết định xuống tiền?

Quy trình thẩm định và ra quyết định đầu tư của chúng tôi cũng như đa số các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp khác thường từ 5 tháng trở lên.

Đầu tư vào các startups công nghệ như lần này có điểm gì giống và khác gì với những lần đầu tư trước đó của VinaCapital?

Sau mỗi quyết định đầu tư, chúng tôi đều tự cập nhật, học hỏi, do đó không lần nào giống lần nào, ngay cả đối với các công ty trong cùng ngành.

Hiện các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã có nhiều thuận lợi về mặt thị trường. Năng lực phát triển của các công ty này cũng mạnh mẽ hơn trước đây. Như vậy, sự cạnh tranh cũng nhiều hơn và khả năng thành công cũng khó khăn hơn, đòi hỏi người điều hành phải thật chuyên tâm và nhất quán trong phát triển các ứng dụng của mình.

Lời khuyên của ông cho các startups công nghệ là gì?

Tôi mong các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ có thể luôn giữ được sự nhiệt tình, lòng say mê với ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời cũng học thêm về quản trị kinh doanh và học thêm về sự hợp tác khi công ty phát triển nhanh.

Chúng ta thấy nhiều công ty công nghệ phát triển rất nhanh nhưng cũng rất nhiều ý tưởng đã được nêu ra và không phát triển được chỉ vì công tác tổ chức triển khai chưa hợp lý.

Lời khuyên dành cho các doanh nhân công nghệ khởi nghiệp là luôn có được trong công ty ba nhân sự chủ chốt. Một người làm chủ công nghệ và hiểu biết thị trường, một người giỏi về thấu hiểu người tiêu dùng và cách thức sử dụng sản phẩm và một người có khả năng hòa hợp các thành viên trong một tập thể khởi nghiệp, thông thường là những người giỏi và đầy cá tính.

Cảm ơn ông!

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-don-lam-tiet-lo-co-hoi-cua-vinacapital-khi-lap-quy-100-trieu-usd-dau-tu-vao-startup-cong-nghe-a41245.html