Theo chân làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, các nhà thầu đại lục có mặt ngày càng tại nhiều tại các thị trường xây dựng trên thế giới.
Sau thời gian dài ngủ yên, công trường xây dựng tại lô đất vàng có diện tích hơn 8.300m2, góc đường Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM) bất ngờ sôi động trở lại những ngày gần đây. Trên bảng thông báo công trình, xuất hiện một cái tên khá lạ: Shanghai Construction Group đảm nhận vai trò làm tổng thầu cho hai tòa tháp có chiều cao lên đến gần 50 tầng.
Những nhà thầu lớn xuất hiện
Không chỉ dự án trên, số lượng các công trình được trúng thầu của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc ngày càng nhiều, trải rộng từ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), quận 2 đến các quận trung tâm như quận 1, Bình Thạnh. Đó là các cái tên như Shanghai Construction Group, China State Construction Engineering Corporation, Qingdao Construction Group hay sắp tới là China Nantong Sanjian Construction Group trong một dự án cao cấp ven sông Sài Gòn.
Hầu hết các thương hiệu xây dựng Trung Quốc tiến bước vào Việt Nam đều có sức mạnh về tài chính cũng như sở hữu hồ sơ năng lực ấn tượng nhờ trải qua rất nhiều các công trình lớn trong nước và trên thế giới. Đơn cử, Shanghai Construction Group là một trong những thương hiệu xây dựng lớn nhất Trung Quốc với tổng doanh thu hằng năm lên đến 21,9 tỉ USD, tổng lượng nhân viên khoảng 35.000 người, giá trị vốn hóa 5,1 tỉ USD. Shanghai Construction Group còn là thành viên trong hệ thống của Shanghai Construction Corporation – top 20 thương hiệu xây dựng lớn nhất thế giới hiện nay.
Kinh nghiệm thi công của Shanghai Construction Group trải rộng từ các dự án nhà cao tầng, cầu đường, các công trình công cộng, trung tâm thể thao, nhà máy tại Trung Quốc và 40 quốc gia khác. Biểu tượng mới của Thượng Hải là tòa nhà Shanghai Tower cao 632m do tập đoàn này xây dựng. Shanghai Construction Group còn tham gia những công trình nổi tiếng như Trung tâm Hội nghị quốc tế Cairo (Ai Cập), tòa nhà Chancery tại Washington (Hoa Kỳ), Hòn ngọc Baltic (Nga)…
Trong khi đó, China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) khá quen thuộc tại Việt Nam với dấu ấn nổi bật nhất là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là một trong những nhà thầu quốc tế mang tính chất tổng hợp và toàn diện với các nghiệp vụ xây dựng từ các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông đến tư vấn và thiết kế, cho thuê các thiết bị máy móc xây dựng, sản xuất và phân phối bê tông, nguyên liệu xuất nhập khẩu, thiết kế và xây dựng kết cấu thép. Trải qua gần 26 năm bước vào thị trường Việt Nam, CSCEC hiện là nhà thầu xây dựng Trung Quốc lớn nhất ở Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng đã trúng lên tới 20 tỉ Nhân dân tệ.
Giá nhà ở Việt Nam vẫn rẻ so với Singapore và Thái Lan, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc. Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho rằng sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường trong nước và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, cải thiện chính sách thu hút vốn đầu tư và thị trường bất động sản đang giúp thị trường bất động sản Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu về doanh thu.
Theo thống kê của CBRE Vietnam, các đối tác đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đang chiếm 25% tổng đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam trong năm 2017, tăng 21% so với năm 2016. Riêng trong quý I/2018, nhu cầu mua bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài Thái Lan, chỉ có Malaysia đứng trên Việt Nam về độ hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc.
Theo thống kê của Juwai.com, cổng thông tin về đầu tư bất động sản quốc tế lớn nhất tại Trung Quốc, tổng số tiền đầu tư bất động sản ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới hơn 100 tỉ USD trong năm qua. “Trong thập niên tới, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chi khoảng 1.500 tỉ USD để mua bất động sản ở nước ngoài”, Juwai nhận định. Sở dĩ giới đầu tư Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài để đầu tư là do thị trường bất động sản trong nước đang bão hòa. Kèm theo đó là chính sách Một vành đai, Một con đường với nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư ra nước ngoài.
Vì vậy, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà thầu, phát triển bất động sản Trung Quốc ngày càng rõ nét tại Việt Nam. Cạnh tranh với các nhà thầu Nhật, Hàn Quốc, ưu thế của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc là sở hữu kỹ thuật thi công và quản lý tiên tiến tại các công trình lớn, phức tạp. Ngoài ra, họ còn sẵn lòng tham gia các cuộc chiến về giá, thậm chí chiết khấu ở mức 25% để giành phần thắng nhờ được lợi về sức mạnh tài chính vững chắc trong nước.
Chẳng hạn, những dự án bất động sản của Alpha King khiến nhà đầu tư “choáng ngợp” khi áp dụng những công nghệ tối tân trong lĩnh vực xây dựng và nhận dạng nhân trắc.
Ví dụ, tại dự án Alpha Town, dân cư sẽ được tận hưởng tiện ích kỷ nguyên 4.0 qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt và tự động ghi danh, cảm biến sẽ tự động nhận diện chủ nhân căn hộ và thành viên gia đình họ. Về mặt xây dựng, Alpha King hướng tới việc áp dụng công nghệ tối tân BIM - “Building Information Modelling”, mô phỏng giả lập các thông số về thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành công trình…
CEO của Alpha King ông Jimmy Chan, cho biết thời gian xây dựng các dự án của tập đoàn này tại TP.HCM trong vòng 2-3 năm. Ông tin rằng đội ngũ chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm của Alpha King về tư vấn, thiết kế và quản lý bất động sản có khả năng phát triển những dự án bất động sản đẳng cấp và có điểm nhấn về kiến trúc tại TP.HCM.
Không chỉ có tham gia đấu thầu các công trình hiện có, nhà thầu Trung Quốc còn chủ động kiến nghị một số tỉnh thành phát triển các dự án có quy mô khá khủng, nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị từ xây dưng đến đầu tư. CSCEC năm 2015 từng giới thiệu đề án “Thành phố hạnh phúc” đến lãnh đạo Cần Thơ, trong đó kiến nghị phát triển thành phố miền Tây này trở thành một khu đô thị hiện đại với một loạt các công trình từ khu công nghiệp, trung tâm nghỉ dưỡng, nhà ở và trung tâm công nghệ cao. CSCEC cũng đề xuất triển khai dự án đường sắt kết nối Cần Thơ tới Phnom Penh (Campuchia) dài 320km hay kết nối với TP.HCM dài 180km...
Áp lực cho nhà thầu nội
Thị trường xây dựng dân dụng Việt Nam chứng kiến những bước tăng trưởng nhảy vọt thời gian gần đây nhờ sự phục hồi của bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và dòng vốn FDI tăng cường đổ bộ. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút đầu tư với tổng vốn FDI đạt 5,9 tỉ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số thương hiệu lớn trong nước như Cotecccons, Hòa Bình, Thuận Việt, Central Cons, Hưng Thịnh Incons, FBV, An Phong... vẫn đang chiếm ưu thế về thị phần xây dựng. Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều các đối thủ Trung Quốc có thể mang đến áp lực cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi các dự án có nguồn vốn đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông ngày một phổ biến.
Theo ông Nguyễn Thế Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG), giá trị sản lượng thị trường xây dựng ước tính vào khoảng 60 tỉ USD mỗi năm, trong đó hai nhà thầu lớn là Hòa Bình và Coteccons chỉ chiếm khoảng 6 tỉ USD, tương đương với 10%. Đây là dư địa lớn tạo ra hấp lực thu hút các nhà thầu Trung Quốc đầy tham vọng.
Đối phó lại với các thách thức đến từ các nhà thầu nước ngoài, một số nhà thầu trong nước đã xây dựng các chiến lược kinh doanh mới nhằm gia tăng thị phần trong và ngoài nước. Điển hình như Hòa Bình đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới tại Campuchia hay thị trường khu vực Tây Á. Coteccons điều chỉnh lại chiến lược, trong đó phát triển thêm mảng kinh doanh bất động sản để hoàn thiện chuỗi giá trị, cải thiện thêm lợi nhuận. Sự am hiểu sâu sắc văn hóa kinh doanh bản địa, cùng năng lực thi công ngày càng cải thiện có thể là chìa khóa giúp các nhà thầu trong nước giữ được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
Hai công trình xây dựng nổi bật nhất Việt Nam trong vài năm trở lại đây đều thuộc về nhà thầu Việt Nam. Dự án Saigon Center, tòa nhà có 6 tầng hầm và 44 tầng cao được Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bao thầu tất cả từ thi công, quản lý, giám sát… Coteccons thắng thầu dự án The Landmark 81 vào năm ngoái cũng là dấu ấn của các nhà xây dựng nội địa.
Năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Coteccons (CTD) là 27,15 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tiệm cận 1,65 ngàn tỉ đồng. Theo báo cáo soát xét 6 tháng 2018 được kiểm toán bởi PwC, doanh thu của CTD đạt 9,7 ngàn tỉ đồng (tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế thu về đạt 526 tỉ đồng.
HBC cũng đã có những bước đi khá dài trong quá trình toàn cầu hóa của doanh nghiệp, một trong những sự chuẩn bị cho việc biến động doanh thu trong nước. Theo báo cáo soát xét 6 tháng 2018 được kiểm toán bởi EY, doanh thu của HBC đạt 8,07 ngàn tỉ đồng (tăng trưởng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận thu về hơn 301 tỉ đồng.
Sắp tới, trong chiến lược phát triển của mình, HBC dự tính có mặt tại 8 quốc gia đến năm 2023. HBC cũng kỳ vọng doanh thu nước ngoài sẽ góp 10% vào tổng doanh thu ước 1 tỉ USD trong 3-5 năm tới.
Vươn ra nước ngoài là hướng đi tất yếu của các nhà thầu xây dựng Việt Nam bởi nếu thị trường bất động sản đóng băng thì ngành xây dựng cũng sẽ đóng băng theo, ảnh hưởng rất lớn tới nhiều ngành kinh tế. Tổng doanh thu ngành xây dựng trên thế giới hiện khoảng 11.000 tỉ USD. Nếu các nhà thầu trong nước đem về được 1% trong tổng doanh thu này cũng đã là một con số lớn hơn trong nước nhiều lần.
“Chúng ta có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HBC, cho biết. Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác.
Chẳng hạn, giá thành ở nước ngoài lên đến 2.000 USD/m2 sàn xây dựng, nhưng ở Việt Nam với chất lượng tương đương chỉ 500 USD/m2, cao cấp hơn nữa thì 1.200 USD. Tuy nhiên, theo ông Hải, để thành công với chiến lược quốc tế hóa, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó, cân bằng sử dụng nguồn lực giữa thị trường trong nước và quốc tế là rất quan trọng.
Nguyễn Sơn-Hồ Điệp
Theo NCĐT
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nha-thau-trung-quoc-do-mong-a41253.html