Hai câu hỏi của Thủ tướng và dự cảm về những dự án tỷ đô

Khi đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu, không như thông lệ là thay vì thông báo về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra 2 câu hỏi với nhiều thông điệp quan trọng để “thăm dò” chính kiến lãnh đạo các tập đoàn.

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), vào ngày 12/9, Thru tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), vào ngày 12/9, Thru tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu)

Có thể nói, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên, diễn đàn có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tất cả các thành viên Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó thủ tướng và 7 vị Bộ trưởng.

Diễn đàn cũng đã thu hút sự tham gia của 9 lãnh đạo cao nhất của Đông Nam Á cũng như ngoài khu vực và trên 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thành viên của WEF. Chính Chủ tịch WEF - ông Borger Brende đã đưa ra nhận định sau lễ bế mạc Diễn đàn rằng, Diễn đàn lần này rất có ý nghĩa, nhiều doanh nghiệp toàn cầu đã đến Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tuyệt vời.

Chính vì thế, khi đối thoại với 20 tập đoàn toàn cầu, không như thông lệ, thay vì thông báo về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra 2 câu hỏi với nhiều thông điệp quan trọng cho lãnh đạo các tập đoàn như Apple, Google, Standard Chartered, Facebook, General Electrics, Hitachi, Thaibev, Temasek, Novatis, Bloomberg…

Câu hỏi thứ nhất, Thủ tướng nêu: “Đầu tư càng lớn thì băn khoăn càng nhiều, vì vậy câu hỏi đầu tiên tôi xin nêu với các bạn, ai trong quý vị là người dự tính sẽ đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu lên đến trên 1 USD trong thời gian từ 3-5 năm tới và quý vị cần Chính phủ Việt Nam ủng hội điều gì?”. Và câu hỏi thứ hai: “Trong số những người đã đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng sẽ mở rộng đầu tư hay không, Chính phủ Việt Nam cần điều chỉnh điều gì để quý vị có thể nhanh chóng thực hiện kế hoạch này?”.

Đáp lại lời Thủ tướng, bà Judy Hsu - Giám đốc Điều hành khu vực ASEAN và Nam Á Tập đoàn Standard Chartered thừa nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, nguồn lao động trẻ và năng động với dân số lên tới gần 100 triệu người. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn 6% trong 9 năm qua và tính đến thời điểm này mức tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam cũng chắc chắn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. “Sự lạc quan của chúng tôi không chỉ đến từ những con số này mà còn đến từ con người, đến từ quyết tâm của những nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp đang làm ăn tại đây”, bà Judy Hsu nói.

Ông Alex Dimitrief - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn General Electrics chia sẻ, sau 25 năm kinh doanh tại Việt Nam, General Electrics đã có 2.000 người lao động với 3 nhà máy lớn. “Nhà máy mà General Electric vừa xây dựng tại Hải Phòng chính là một trong những nhà máy tỷ đô trên thế giới của chúng tôi với công nghệ 4.0, có quy trình tự động hóa, rô bốt và trí tuệ nhân tạo với hơn 350 vị trí việc làm chất lượng cao dành cho các kỹ sư Việt Nam”, ông Alex Dimitrief cho biết.

Còn ông Yasuo Tanabe - Phó chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Hitachi thì khẳng định, nền kinh tế của Việt Nam đang được số hóa và hiện đang có nguồn lao động đầy tiềm năng trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin. “Tập đoàn Hitachi đã và đang hợp tác với nhiều công ty công nghệ lớn của Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh lĩnh vực này tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực internet vạn vật, trong đó có sản xuất bởi nền sản xuất của Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến nền sản xuất thông minh - nơi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đóng vài trò quyết định”, ông Yasuo Tanabe thông báo.

Một số lãnh đạo tập đoàn trong nước và nước ngoài cũng đánh giá cao môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đang rất thuận lợi, mang tính cạnh tranh cao so với khu vực. Điển hình như Tập đoàn Thaibev, đã đầu tư 5 tỷ USD để mua lại cổ phần của Sabeco chính là do “lòng tin đối với Chính phủ”.

Như để tăng thêm lòng tin đối với lãnh đạo các tập đoàn, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không có sự phân biệt nào giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Thủ tướng mong muốn “các doanh nghiệp trong đại gia đình Việt Nam hãy chung sức để cả Việt Nam và doanh nghiệp cùng thắng”.

Có thể khẳng định rằng, WEF ASEAN 2018 đã tạo ra cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp ASEAN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng kết nối và sáng tạo nhằm mở ra những cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi và lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

WEF ASEAN 2018 diễn ra trong bối cảnh thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, có nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào xu thế tự do hóa, đe dọa thể chế thương mại song phương, đa phương. Tuy nhiên, niềm tin, sự lạc quan là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Hơn ai hết, Việt Nam luôn nhất quán đề cao lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Và như Thủ tướng nói: “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong tiến trình toàn cầu hóa nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng. Đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới!”.

PHONG CẦM
Theo Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hai-cau-hoi-cua-thu-tuong-va-du-cam-ve-nhung-du-an-ty-do-a42511.html