Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, cho rằng sân bay thời cách mạng công nghiệp 4.0 có thể không cần con người phục vụ nhưng phải biết 'dạy máy móc biết cười' và thế giới không thay đổi bởi công nghệ mà là giấc mơ của con người.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại Vietnam Business Summit (VBS) 2018. (Ảnh: Nam Khánh)
Sân bay thời 4.0 có thể không cần con người phục vụ
Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận của Vietnam Business Summit (VBS) 2018 tổ chức chiều 13.9, một sự kiện bên lề thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, cho biết chúng ta đang được chứng kiến Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ( WEF ASEAN) với một ASEAN ngày càng kết nối sâu hơn trong nội bộ và hội nhập rộng hơn với thế giới.
Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam trên con đường trở thành một chính phủ kiến tạo, một chính phủ hành động. Ngoài ra, là sự trỗi dậy thần kỳ của kinh tế Việt Nam theo những gì các học giả quốc tế mô tả và đang trở thành ngôi sao của các thị trường mới nổi bất chấp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói "Vietjet hoạt động trong bối cảnh đấy. Chúng tôi hoạt động với tinh thần dẫn đầu xu thế, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ. Thời đó, khi mọi người chưa nhắc tới cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi đã đi theo hướng ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa cao nhất vào hoạt động của doanh nghiệp mình".
Bà Thảo cho biết thêm, khoảng 5 - 7 năm trước, chúng ta vẫn mua những chiếc vé máy bay được in giấy, khách hàng phải mua vé tại các đại lý, chờ hàng tiếng đồng hồ để làm thủ tục check-in hoàn thành cách thủ công ở sân bay. Giờ đây, người dân trên toàn Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã dùng smartphone để đặt vé, thanh toán và làm thủ tục check-in tại nhà. Ngoài ra, họ còn có thể mua thêm các dịch vụ đi kèm như hành lý, khách sạn, thức ăn, gọi xe ôm”, bà Thảo nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia phiên thảo luận tại Vietnam Business Summit (VBS) 2018 (Ảnh: I.T)
Thậm chí, bà con vùng sâu, vùng xa không cần biết chữ vẫn có thể thực hiện được thủ tục, có những chuyến bay tốt đẹp. “Họ là những người lần đầu tiên đi máy bay, không biết tiếng Anh, nhưng nhờ vào công nghệ, đã bước ra khỏi làng quê”, bà Thảo nói.
Sự tham gia của Vietjet Air đã làm thay đổi thói quen kinh doanh, tiêu dùng trên thị trường; kích thích ngành hàng không đổi mới, liên tục mở rộng sân bay, đổi mới phương thức quản lý, thay đổi chính sách để ngày một tiệm cận hơn với thế giới phẳng và toàn cầu hóa.
Và bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, yếu tố số và tự động hóa, cùng cách mạng công nghiệp 4.0 là then chốt cho quá trình tăng trưởng, và đổi mới sáng tạo. Một sân bay thời 4.0, có thể không còn người phục vụ do nhưng vẫn phải phổ biến tinh thần biết cảm ơn, xin lỗi.
"Chúng tôi huy động nhân viên luôn học tập 4 xin, 4 luôn. 4 xin là "xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép" và 4 luôn là "luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ". Dù trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ không còn nhân lực để thực hiện 4 xin, 4 luôn nhưng người làm dịch vụ vẫn phải học tập và làm sao dạy cho máy cũng phải biết cười”, CEO Vietjet Air chia sẻ.
Cuối cùng, bà Thảo kết luận, không phải là công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã làm thay đổi thế giới; công nghệ chỉ là công cụ, chỉ được sáng tạo từ những ước mơ của con người.
DN Việt Nam cần tập trung vào con người, công nghệ và quản trị
Phát biểu tại VBS 2018, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, các DN Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực trên 3 yếu tố: con người, công nghệ và quản trị.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhậnh định: “Dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công ty nên cân nhắc nghiêm túc việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có sức đề kháng tốt hơn trước các rủi ro. Muốn vậy, họ sẽ cần trang bị cho mình các công nghệ cần thiết, những con người có đầy đủ kỹ năng để vận hành những công nghệ đó, cũng như một cấu trúc quản trị phù hợp cho doanh nghiệp.”
Theo bà Quỳnh Vân, các doanh nghiệp cần phải đi đầu trong quá trình này, nhưng Chính phủ cần đóng vai trò tạo điều kiện cho sự thay đổi đó, đặc biệt là thông qua việc xây dựng thể chế, đào tạo nguồn kỹ năng và cung cấp cơ sở hạ tầng cho kết nối kỹ thuật số.
Hoàng Nhật
Theo Dân Việt