Ai là người khiến cho các tay chủ sòng bạc ở Las Vegas cũng như các nhà quản lý quỹ ở Wall Street đều phải kính nể? Trong lịch sử chỉ có duy nhất một người và đó chính là giáo sư Edward Thorp.
Giáo sư toán học - Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó
Một người vừa là giáo sư toán học, vừa là tay cờ bạc hàng đầu và cũng là nhà đầu tư huyền thoại có lẽ chỉ có thể tồn tại trong các bộ truyện tranh manga hay comic. Tuy nhiên, điều khó tin này vẫn xảy ra trong thực tế.
Với tài năng của mình, Edward Thorp nhanh chóng lấy được bằng Tiến sỹ tại Đại học California vào năm 1958. Sau đó, ông làm giáo sư dạy toán tại MIT (Massachusetts Institute of Technology). Làm giáo sư thì thường ít người giàu, Edward Thorp cũng không ngoại lệ. Vì vậy, lúc rảnh rỗi ông thường cùng bạn bè đi xuống Las Vegas để “kiếm thêm” và đây chính là khởi đầu cho một huyền thoại có một không hai.
Tay cờ bạc khét tiếng - Gã trí thức đại náo Las Vegas
Thoạt nhìn thì chả ai dám nghĩ Edward Thorp là một tay đánh bạc siêu hạng bởi vì ông không được “phong cách” cho lắm. Trong tiềm thức của mọi người thì các tay cờ bạc hàng đầu đều đi siêu xe, mặc áo khoác da, đội mũ cao bồi, xăm mình, nhâm nhi ly rượu mạnh bên cạnh chân dài… Riêng Edward Thorp thì hình như chẳng có đặc điểm nào giống như thế cả.
Với cái đầu to và trán gần hói, vẻ mặt ông hơi quê quê trong bối cảnh chốn ăn chơi xa hoa trác táng như Las Vegas. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi xuất hiện, Edward Thorp đã bị cho vào “danh sách đen”. Là một thiên tài toán học, ông đã tìm ra cách đánh bại các nhà cái trong trò blackjack bằng cách vận dụng lý thuyết xác suất thống kê.
Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tay “Beat the Dealer” năm 1962 về chiến thuật đếm bài và chiến thắng nhà cái, ông trở nên nổi tiếng đến nỗi rất nhiều casino đã cấm ông vào chơi vì sợ ông lấy hết tiền của họ.
Nguồn: Afflictor.com
Huyền thoại tại Wall Street - Bạn của Warren Buffett nhưng không cùng chí hướng
Vẫn chưa thỏa mãn với thành công trong lĩnh vực cờ bạc, Edward Thorp tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán. Có vẻ như chỉ có đỉnh cao của thị trường tài chính mới có thể giúp ông thể hiện hết sự thông minh vượt trội của mình. Chỉ vài năm sau, quỹ đầu tư Princeton/Newport Partners đã lọt vào danh sách những quỹ hoạt động hiệu quả và ổn định nhất ở Mỹ. Vậy đâu là bí quyết đầu tư của Edward Thorp?
Cần suy luận logic theo xác suất chứ không phải suy luận theo sách vở. Khi một hiện tượng A xảy ra thì sẽ kéo theo một kết quả B với xác suất là X%. Nếu xác suất X% cao thì có thể xem xét hiện tượng A một cách nghiêm túc.
Ví dụ: Khi giá cắt lên trên SMA 100 thì xác suất tăng trưởng trong vòng 6 tháng tới là 70%. Vì vậy, tôi sẽ đưa yếu tố SMA 100 vào hệ thống giao dịch của mình.
Điều này được Edward Thorp áp dụng cho tất cả các loại chỉ số trên thị trường từ vĩ mô, cơ bản cho đến kỹ thuật. Nghĩa là ông không coi một hiện tượng A là quan trọng chỉ bởi vì các sách chuyên ngành tài chính bảo rằng nó quan trọng. Ông chỉ coi trọng nó khi nó đem lại lợi nhuận nhờ xác suất thành công cao.
Bạn cần phải cố gắng liên tục dù đầu tư theo kiểu gì. Vì ai cũng biết Edward Thorp là tay chơi hàng đầu nên nhiều người nổi tiếng hay rủ ông chơi chung để nâng level. Mặc dù ông là bạn chơi bài lâu năm với Warren Buffett nhưng có vẻ Edward Thorp không đồng ý với người bạn của mình trong vấn đề tiếp cận thị trường chứng khoán. Edward Thorp luôn coi thị trường chứng khoán giống như sòng bạc và cách đầu tư của ông cũng ít nhiều mang phong cách như hồi ông ở Las Vegas.
Tuy nhiên, Edward Thorp cũng thừa nhận: “Điều quý giá mà tôi học được từ Benjamin Graham (thầy của Warren Buffett) là bạn cần phải cố gắng liên tục trong suốt cuộc đời”. Bạn không nhất thiết phải đồng ý với phương pháp của Thorp và có thể bạn cũng không đồng ý với Warren Buffett. Bạn đầu tư theo kiểu gì cũng được và có quyền đi con đường riêng của mình nhưng để thành công bạn cần phải nỗ lực và làm việc liên tục không mệt mỏi giống như họ.
Phương pháp của bạn không cần phải đúng với tất cả. Edward Thorp không bao giờ cố gắng đầu tư vào tất cả mọi thứ vì ông đủ thông minh để biết được những hạn chế của mình cũng như sự nguy hiểm của việc tự tin quá mức. Đã có rất nhiều những bộ óc thiên tài, những người từng đoạt giải Nobel như Isaac Newton, Fisher Black, Myron Scholes, Winston Churchill… chẳng phải đã từng thua lỗ nặng nề trên thị trường đó sao?
Trên thị trường Mỹ có hàng ngàn mã cổ phiếu và Edward Thorp chỉ cần hệ thống đầu tư của mình chạy hiệu quả trên vài trăm mã cổ phiếu là đủ rồi. Đây cũng là một trong những lý do quỹ của ông không thể mở rộng và luôn chỉ duy trì ở mức trung bình. Đó là điểm yếu và cũng là ưu điểm của ông: Biết khi nào thì nên dừng lại. Ông cực kỳ thông minh nhưng không hề ảo tưởng về trí tuệ của mình. Hiếm có thiên tài nào trên thế giới lại có được sự tự chủ và ý thức kiềm chế lớn đến như vậy.
Tổng số lượng mã cổ phiếu ở ba sàn HNX, HOSE và UPCoM đã vượt hơn 1,000. Vì vậy, nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam chỉ cần tìm được một hệ thống giao dịch, một phương pháp đầu tư hoặc một vài chỉ báo có thể chạy hiệu quả trên vài chục mã cổ phiếu là đủ đánh đập “mệt nghỉ” rùi.
Nguồn: Newsweek
Thế Phong
FILI
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ed-thorp-thien-tai-toan-hoc-danh-bai-moi-thu-tu-song-bac-den-thi-truong-chung-khoan-a42633.html