Bài học “khôn ngoan thực tiễn” dành cho người muốn thành công của triết gia người Hi Lạp cách đây 2000 năm

Quản lý công ty cũng giống như xã hội, cần có các quy tắc. Nếu không nó sẽ sụp đổ nhanh chóng. Nhưng nếu quy luật quá chặt chẽ, kiềm hãm sự phát triển và thành công của nhân sự thì sẽ xảy ra chuyện gì?

Barry Schwartz, giáo sư của trường đại học kinh doanh Berkeley Haas tại California cho biết: “Các quy tắc cứng nhắc là kẻ thù của sự phát xét và thành công”. Ông tin rằng môi trường có quá nhiều quy định, đồng nghĩa với sự lựa chọn sẽ ít đi và sẽ không thể phát triển sự khôn ngoan thực tiễn. Đó là một khái niệm được giới thiệu bởi Aristotle - nhà khoa học và triết gia người Hy Lạp cách đây 2000 năm. Aristotle được vinh danh là một trong hai tri thức gia vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại (người còn lại là Plato).

Theo đó, giáo sư Schwartz luôn tâm niệm đề cao giá trị và sử dụng khôn ngoan trong thực tiễn cuộc sống. Khái niệm này đã từng là trọng tâm trong bài diễn thuyết truyền cảm hứng của giáo sư Barry Schwartz tại diễn đàn TED Talk năm 2009. Ông cũng ra một cuốn sách mang tựa đề: “Our loss of wisdom” (tạm dịch là Sự thiếu hụt tri thức của chúng ta) nói về vấn đề này.

Triết gia người Hy Lạp cổ Aristotle khẳng định khái niệm khôn ngoan thực tiễn là sự kết hợp giữa ý chí đạo đức và kĩ năng tinh thần. Nói theo một cách khác, muốn phát triển phải biết đúng là gì, và sau đó có đủ can đảm để làm điều đúng đắn đó, ngay cả khi nó đòi hỏi phải vi phạm các quy tắc.

“Nếu bạn không thử thoát ra khỏi những quy định và ràng buộc để tự cho bản thân cơ hội thử nghiệm, ứng biến thì bạn sẽ không bao giờ tiến xa hơn. Nếu thất bại, đó là cách bạn có thể học hỏi được những sai lầm và làm tốt hơn”, giáo sư Schwartz chia sẻ đó là bài học đầy ý nghĩa của Aristotle đã truyền cảm hứng cho ông.

Giáo sư Barry Schwartz, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người thành công trên thế giới bằng bài học khôn ngoan thực tiễn của triết gia người Hy Lạp cổ.
Giáo sư Barry Schwartz, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người thành công trên thế giới bằng bài học khôn ngoan thực tiễn của triết gia người Hy Lạp cổ.

Giáo sư Schwartz đã lấy ví dụ về những lao công ở bệnh viện. Ai cũng nghĩ người này chẳng có nhiệm vụ gì to tát ngoài quét rác, lau dọn tủ đồ... Vai trò của họ không đặc biệt liên quan đến những người khác. Tuy nhiên, để bệnh viện có thể hoạt động bình thường thì công việc của họ cũng vô cùng quan trọng. Nhưng đôi khi họ có thể lơ là trách nhiệm của mình để trở nên từ bi và tử tế.

Schwartz kể về Mike, cậu lao công đã dừng việc lau sàn lại bởi vì nhận thấy một bệnh nhân bước ra khỏi giường một mình. Cậu lao công này đã tạm ngừng công việc của mình để giúp đỡ người bệnh đi bộ lên xuống cầu thang ra đến đại sảnh. Và một người lao công khác đã không lau sàn đại sảnh suốt một buổi vì không nỡ đánh thức người nhà bệnh nhân đang ngủ trên sàn nhà.

Đó là những minh chứng cho sự khôn ngoan thực tiễn. Những người lao công biết điều gì là đúng và hành động”, ông Schwartz nói. Thế nhưng, khi một người nhân viên lấy cớ đó để không tuân theo quy định, lợi dụng sự tin cậy đó làm điều xấu, tư lợi cá nhân thì lại sai trái hoàn toàn. “Bạn không thể phá vỡ những quy tắc chỉ vì muốn tạo ra lợi ích cá nhân. Vì nếu mục đích của bạn là vì sự phát triển tích cực và lợi ích chung của mọi người thì bạn sẽ được đánh giá cao, khuyến khích và ngược lại”.

Quan trọng là bạn phải tự ý thức được mục đính của mình và làm việc chăm chỉ, có ý thức hoàn thành mục đích đó. Nếu bạn là một cố vấn tài chính, mục đích của bạn là phục vụ khách hàng. Nếu là giáo viên thì phải giáo dục và truyền cảm hứng cho học sinh của bạn. Đó cũng là ví dụ về sự khôn ngoan thực tiễn. Báo cáo nhân lực 2016 đã chỉ ra rằng nhân viên biết rõ mục đích có xu hướng làm việc vượt trội hơn những người khác. Năng xuất làm việc cao hơn đồng nghĩa với khả năng thành công cao của họ hơn.

Đồng quan điểm với Schwartz, giáo sư Jeffrey Pfeffer của trường đại học Stanford cũng lập luận rằng các CEO của công ty lớn thường quan tâm trực tiếp đến hiệu suất làm việc. Họ giảm thiểu những rào cản và quy tắc làm ảnh hưởng đến năng suất lao động của nhân viên, thúc đẩy, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ giúp nhân viên có cơ hội thể hiện năng lực và phát triển toàn diện.

Đó là lý do vì sao khi mọi người bị mắc kẹt trong không gian quá chặt chẽ, họ không thể phán xét chính xác, cũng không thể phát triển sự khôn ngoan thực tế. Nếu không tìm thấy ý nghĩa trong công việc, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Rèn luyện được sự khôn ngoan thực tiễn và biết tận dụng đúng thì bạn sẽ thành công hơn trong cuộc sống.

Theo Trí thức trẻ/CNBC

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bai-hoc-khon-ngoan-thuc-tien-danh-cho-nguoi-muon-thanh-cong-cua-triet-gia-nguoi-hi-lap-cach-day-2000-nam-a42883.html