Chuyện những người canh vốn nhà nước tại doanh nghiệp

SCIC hiện có 225 người đại diện, trong đó 168 người đại diện là cán bộ doanh nghiệp, giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (chiếm 74,6%)...

Không ít người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trải lòng về những lo lắng mất vị trí, mất việc làm khi nhà nước đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, tại Hội nghị công tác người đại diện của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa diễn ra sáng ngày 14/9 tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi lại có cách nhìn khác, lạc quan hơn: "Để không ảnh hưởng người đại diện khi SCIC thoái vốn thì chuyện người đại diện vốn nên trở thành một nghề chuyên nghiệp, để có thể khi Nhà nước thoái vốn thì có thể đại diện vốn cho các cá nhân, tổ chức khác".

Hội nghị công tác người đại diện của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngày 14/9.

Lo ảnh hưởng vị trí, nhiều doanh nghiệp không muốn SCIC thoái vốn

Là một trong số ít người được SCIC cử đại diện vốn nhà nước tại doannh nghiệp từ những ngày đầu tiên, nhưng ông Lê Văn Thành, người đại diện vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh cũng không giấu nổi tâm tư đó khi phát biểu tại hội nghị.

Người đại diện vốn tại Bảo Minh cho hay: chủ trương của Chính phủ thoái vốn khỏi Bảo Minh đã khiến cho cán bộ công nhân viên không khỏi lo lắng, không biết đi đâu về đâu sau khi Nhà nước thoái vốn.

"Anh em rất dao động trong làm việc và mong SCIC có định hướng", ông Lê Văn Thành nói.

Bảo Minh là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhiều năm qua luôn ở vị trí thứ 2 trên thị trường và có doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng hàng năm 11%/năm, cổ tức 10-12%, thậm chí có những năm chia từ lợi nhuận 20%. Trong danh sách thoái vốn của SCIC, Bảo Minh thuộc nhóm 10 doanh nghiệp phải thoái hết vốn đến năm 2020.

Cùng tâm tư như ông Thành, ông Nguyễn Tuấn Anh, người đại diện vốn tại Công ty cổ phần Công trình giao thông Quảng Nam cũng mong muốn SCIC cân nhắc nắm giữ vốn tại doanh nghiệp lâu dài, tích cực, định hướng cho người lao động, doanh nghiệp phát triển trong 5-10 năm tiếp theo. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng nhiều người đại diện.

Chia sẻ quan điểm của mình về những lo lắng của nhiều người đại diện khác, ông Đoàn Đình Duy Khương, người đại diện tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, tỏ ra khá lạc quan khi đưa ra đề xuất kéo dài thời gian quá trình thoái vốn để SCIC tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trường hợp nếu phải thoái vốn thì "đề xuất SCIC giúp cho Dược Hậu Giang tìm được đối tác gắn bó với chiến lược của doanh nghiệp trong trung và dài hạn, trở thành thương hiệu là niềm tự hào của Việt Nam". Bởi trên thực tế đã có việc đối tác bên ngoài mua doanh nghiệp và biến doanh nghiệp thành công cụ cho họ và làm cho thương hiệu doanh nghiệp không phát triển.

Người đại diện cần chuyên nghiệp

Tại hội nghị, trả lời cho những mong muốn đó của các người đại diện, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết: ý kiến của doanh nghiệp muốn SCIC giữ vốn lâu dài tại doanh nghiệp để người đại diện, người lao động yên tâm nhưng SCIC cũng phải chấp hành chủ trương của Chính phủ trong việc thoái vốn nhưng ngành nghề không cần nắm giữ.

Về kiến nghị chọn đối tác của Dược Hậu Giang, ông Chi cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp, kiến nghị như vậy là đúng nhưng để SCIC làm được như kiến nghị thì phải sửa quy định hiện hành là SCIC "được lựa chọn, chỉ định bán cho ai thì mới làm được".

Cũng theo ông Chi, để không ảnh hưởng người đại diện khi SCIC thoái vốn thì chuyện người đại diện vốn nên trở thành một nghề chuyên nghiệp, để có thể khi Nhà nước thoái vốn thì có thể đại diện vốn cho các cá nhân, tổ chức khác.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, tính đến ngày 31/8, số lượng doanh nghiệp mà SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước lên tới con số 1.047 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là hơn 11.638 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, sau khi bán vốn nhà nước và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương, danh mục đầu tư của SCIC còn lại hiện nay gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng.

Cơ cấu người đại diện cũng thay đổi theo từng năm. Từ con số hàng nghìn ngươi đại diện ban đầu, tính đến thời điểm hiện nay, SCIC có 225 người đại diện, trong đó 168 người đại diện là cán bộ doanh nghiệp, giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (chiếm 74,6%).

 Đối với một số doanh nghiệp quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, Tổng công ty trực tiếp cử cán bộ của Tổng công ty làm Người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp (56 Người đại diện/74 lượt người, chiếm 24,9%). So với 5 năm trước đây (2013), tỷ lệ Người đại diện là cán bộ doanh nghiệp giảm 7,7%, Người đại diện là cán bộ SCIC tăng 13,6%, đặc biệt tỷ lệ Người đại diện là công chức giảm 5,9%.

Người đại diện là người thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn do chủ sở hữu Nhà nước cử tại doanh nghiệp. Về cơ bản, mục tiêu của chủ sở hữu và của doanh nghiệp là làm sao để phát triển cao nhất hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn. Trong mọi tình huống chưa thống nhất về lợi ích giữa các nhóm cổ đông thì yêu cầu đặt ra đối với người đại diện trước hết phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước, trên cơ sở hài hòa các lợi ích, kể cả khi vốn Nhà nước chi phối tại doanh nghiệp đó hoặc là cổ đông thiểu số.

Kết quả công tác đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy hoạt động của người đại diện tại doanh nghiệp đã ngày càng đạt kết quả tích cực, giúp SCIC thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của cổ đông góp vốn tại doanh nghiệp.

Trong năm 2017 vừa qua, với sự góp sức của người đại diện đóng vai trò là lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đã đạt mức vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như Công ty cổ phần Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)... Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%. Ví dụ: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (23%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (43%), Công ty cổ phần Traphaco (23%), Công ty cổ phần Domesco (22%)...

Trong năm 2017, với sự góp sức của người đại diện, đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp đã đạt mức vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như: Công ty cổ phần Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)...

Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% như: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (23%), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (43%), Công ty cổ phần Traphaco (23%), Công ty cổ phần Domesco (22%)...

Bên cạnh những điểm tích cực, theo ông Thành, hoạt động của người đại diện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như có tình trạng người đại diện chưa hợp tác tốt với SCIC, không triển khai kịp thời các ý kiến của SCIC, không xin ý kiến hoặc cổ tính biểu quyết khác với ý kiến của SCIC; một số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm, nhiều tồn tại tài chính, dẫn tới doanh nghiệp có khả năng không hoạt động liên tục (tính đến 31-8 còn 21 doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội cổ đông)…

Trong 6 tháng đầu năm, số nợ cổ tức đã thu được là 2.682 tỷ đồng, trong đó có 1.505 tỷ đồng cổ tức phát sinh trước ngày 31/12/2017 – chiếm 98% công nợ cổ tức trước ngày 31/12/2017. Số công nợ còn lại chủ yếu là công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng từ các năm 2010 trở về trước của các doanh nghiệp đã thoái.

Tính đến 31/8, số nợ cổ tức SCIC phải thu của các doanh nghiệp còn 42,7 tỷ đồng tại 71 doanh nghiệp. Tuy số nợ giảm so với các năm trước nhưng có nhiều khoản nợ tồn đọng lâu ngày.

Cũng theo ông Thành, vẫn còn một số doanh nghiệp khi chốt và trả cổ tức chỉ ưu tiên cho cổ đông là cá nhân/người lao động, cổ đông khác, không trả ngay cho cổ đông nhà nước; một số doanh nghiệp còn giữ lại một phần cổ tức, chưa chi trả cho cổ đông với lý do để tái đầu tư nhưng chưa giải trình đầy đủ và thuyết phục; một số doanh nghiệp còn chây ỳ, không thanh toán/không xác nhận công nợ… làm chậm tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp nhưng người đại diện không quan tâm, đôn đốc, thu hồi nợ, đối chiếu công nợ.

Trong hành trình thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước của SCIC trong hơn 10 năm qua, vai trò của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định như một cánh tay nối dài, giúp cho việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Để công tác người đại diện được cải thiện hơn nữa, về phần mình, lãnh đạo SCIC cho biết: cơ quan này đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đặc biệt lưu ý quy định về nghĩa vụ xin ý kiến của Người đại diện.

Việc kiện toàn nhân sự, tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng: tăng cường cử cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm/biệt phái đến làm việc tại doanh nghiệp; tiếp tục ủng hộ và đề cử những người đại diện xứng đáng giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, SCIC cũng sẽ giám sát chặt chẽ tính tuân thủ của người đại diện đối với các chỉ đạo của SCIC.

Hoàng Xuân

VNECONOMY

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-nhung-nguoi-canh-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-a42926.html