Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ về kinh doanh của hãng hàng không Vietjet thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đưa người nông dân ra khỏi lũy tre làng
Xuất hiện với phong thái nhẹ nhàng trước hơn 1.000 đại biểu trong phiên đối thoại chiều 13/8 của Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018,Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo tự tin rằng "chúng tôi luôn có tinh thần dẫn đầu xu hướng và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới".
Ngay từ khi khởi đầu trên ý tưởng về một hãng hàng không giá rẻ lúc được thành lập vào năm 2007 cho đến khi định vị như một hãng hàng không thế hệ mới, bà Thảo cho biết Vietjet Air đã đi đầu trong ngành hàng không về công nghệ số và tự động hóa nhằm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Trong mô hình ấy, các chi phí vận hành như tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, chi phí về nhân lực... được khai thác tối ưu; đặc biệt ứng dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí về con người.
Song khác với mô hình giá rẻ, Vietjet có những dịch vụ riêng của mình, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón; đồng thời, cung cấp thêm dịch vụ cao cấp để mở rộng đối tượng khách hàng là những người có khả năng chi trả cao.
Bà Thảo cho biết, nếu như 5 năm về trước, trên thị trường vẫn tràn lan những chiếc vé máy bay được in giấy, khách hàng phải đội nắng mưa để mua vé tại các đại lý hay thậm chí chờ hàng tiếng đồng hồ để làm thủ tục check-in một cách thủ công ở sân bay thì chỉ sau vài năm, người dân trên toàn Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã có thể đặt vé, thanh toán và làm thủ tục check-in tại nhà.
Ngoài ra, họ còn có thể mua thêm các dịch vụ đi kèm như hành lý, khách sạn, thức ăn, gọi xe ôm.
Đối với nữ tướng Vietjet, sự thay đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng Việt mà còn mang tới nhiều giá trị cho khách hàng trên thế giới như Đài Loan hay Philippines, đặc biệt là cho những người lần đầu đi máy bay.
Lãnh đạo Vietjet khẳng định, những người không biết tiếng Anh hay thậm chí là không biết chữ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cũng đã có thể giúp họ ra khỏi làng quê của mình và kết nối với các quốc gia trên thế giới, mang đến cho họ sự tiếp cận và đời sống văn minh hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018
Sự tham gia của Vietjet đã làm thay đổi thói quen kinh doanh, tiêu dùng trên thị trường; kích thích ngành hàng không đổi mới, liên tục mở rộng sân bay, đổi mới phương thức quản lý, thay đổi chính sách để ngày một tiệm cận hơn với thế giới phẳng và toàn cầu hóa.
"Đấy chính là kết quả mà Vietjet tự hào đã góp phần tạo ra cú huých vào sự thay đổi trong ngành hàng không và dịch vụ tiêu dùng", bà Thảo - một trong bốn tỷ phú của Việt Nam được Forbes bình chọn - chia sẻ.
Gần bảy năm sau chuyến bay đầu tiên mang số hiệu SGN-HAN 6660 cất cánh với 120 hành khách, Vietjet Air đã đạt được 43% thị phần hàng không nội địa vào cuối năm 2017, trở thành hãng hàng không dẫn đầu Việt Nam, vượt cả 'ông lớn' Vietnam Airlines.
Mới đây, hãng này đã được tạp chí hàng không uy tín hàng đầu thế giới Airfinance đưa vào danh sách top 50 hãng hàng không tốt nhất trên thế giới dựa trên tình trạng hoạt động và sức khỏe tài chính của các hãng hàng không; trong đó, đại diện của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 22.
Theo bảng chấm điểm, Vietjet đạt tổng doanh thu 995 triệu USD trong vòng 12 tháng gần nhất, độ tuổi trung bình đội tàu bay 3,2 năm. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao, tiền thuê tàu trên tổng doanh thu ở mức 31,4%.
Nửa đầu năm nay, Vietjet đạt tổng doanh thu thuần 21.222 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.999 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt được những kết quả cao như vậy, bà Thảo cho biết, Vietjet Air đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; không ngừng đổi mới, đặc biệt là tập trung đầu tư đội ngũ bay mới và hiện đại.
Vietjet hiện khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt hành khách.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Vietjet sẽ nhận 17 tàu bay Airbus cùng với việc bắt đầu khai thác đội tàu bay mới, hiện đại có khả năng tiết kiệm tới 15% nhiên liệu cùng kế hoạch đẩy mạnh phát triển mạng bay quốc tế.
Giữa tháng 7/2018, Vietjet ký kết hợp đồng mua thêm 100 tàu bay Boeing B737MAX trị giá 12,7 tỷ USD và 50 máy bay Airbus A321neo trị giá 7 tỷ USD, đảm bảo đến năm 2025 đội tàu bay mới của hãng đồng bộ phục vụ cho kế hoạch thành lập liên minh hàng không trong khu vực và trên thị trường quốc tế.
Không phải công nghệ mà chính ước mơ của con người làm thay đổi thế giới
Đáng chú ý, bà Thảo cho biết Vietjet từng bước nhẫn nại vượt qua rào cản của một thời gian dài ngành hàng không 'đóng cửa' với tư nhân.
"Chúng tôi huy động nhân viên luôn học tập "4 xin", “4 luôn”. Mặc dù trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ không còn nhân lực để thực hiện "4 xin", "4 luôn" nhưng người làm dịch vụ vẫn phải học tập và làm sao dạy cho máy cũng phải biết cười", bà Thảo chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.
“4 xin” ở đây là “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là "Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ”.
Theo lãnh đạo Vietjet, hãng này luôn nỗ lực dẫn đầu xu thế, hướng đến một công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hóa; kết nối toàn cầu và lựa chọn các đối tác hàng không hàng đầu thế giới để hành khách có thể kết nối mạng bay tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thông qua công nghệ cũng như các chuẩn hóa quốc tế về dịch vụ.
Bên cạnh đó, kết hợp thương mại điện tử và logistics để tạo nên hàng không phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu và trong nước như Facebook, Google, Viettel trong phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ như blockchain.
Những thách thức mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại không hề ít nhưng bà Thảo cho rằng, chúng ta cần tự tin và tự hào vì những thành quả đã đạt được và hoàn toàn có thể lạc quan với tương lai phía trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bật mí về đổi mới giáo dục thời Cách mạng 4.0
"Người dân và doanh nghiệp Việt có thể mang đến những điều thần kỳ như cách mà chúng ta đã làm đối với nền kinh tế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm vừa qua với tăng trưởng GDP ở top dẫn đầu trong khu vực", bà Thảo nói.
Dù vậy, nữ tướng Vietjet cho rằng không thể chủ quan với những thách thức; với sự phát triển còn ở mức khá khiêm tốn, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn ở chặng đường phía trước trong tiến trình hội nhập 4.0.
Theo đó, Việt Nam có nhiều điều thuận lợi như dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet cao, lúc này hạ tầng viễn thông cần tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn.
Bà Thảo cũng nhấn mạnh, một thách thức khá quan trọng là thách thức ở chính bản thân mình. Doanh nghiệp và doanh nhân cần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 để tìm kiếm và nắm bắt cơ hội.
"Không phải là công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã làm thay đổi thế giới; công nghệ chỉ là công cụ, chỉ được sáng tạo từ những ước mơ của con người", bà Thảo nhấn mạnh.
CEO Vietjet đưa ra lời khuyên rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, hãy mơ những ước mơ to lớn, biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động dù chỉ nhỏ thôi, mỗi ngày.
Trong mỗi hành động, mỗi quy trình được xây dựng cho doanh nghiệp cần có yếu tố số hóa và tinh thần của cuộc Cách mạng 4.0 để tăng năng suất lao động và hỗ trợ thêm sáng tạo của con người để giảm bớt công việc lao động chân tay, tạo thêm công ăn việc làm, tạo những giá trị to lớn hơn cho cộng đồng và xã hội.
"Doanh nhân và doanh nghiệp không đơn độc với ước mơ vì những ước mơ đó đang được nuôi dưỡng trong một quốc gia khởi nghiệp, chính phủ kiến tạo và cộng đồng ASEAN năng động nhất thế giới", nữ tỷ phú tin tưởng.
Đặng Hoa
Theo TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nu-tuong-vietjet-nguoi-lam-dich-vu-lam-sao-day-cho-may-moc-cung-phai-biet-cuoi-a43142.html