Với những gì đang diễn ra trong ngành sữa ở thời gian gần đây, đầu tư ra nước ngoài gần như là chuyện ‘nhất định phải làm’ của NutiFood và sự xuất hiện của tỷ phú Erik Paulsson chính là ‘đúng người, đúng thời điểm’.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, trong quý 1/2018, doanh thu ngành sữa Việt Nam giảm 4,4% ở khu vực thành thị và tăng 4% ở khu vực nông thôn. Trong tháng 4, doanh thu ngành sữa tiếp tục kém kéo theo doanh thu lũy kế 4 tháng đầu năm ở khu vực thành thị giảm 3,1%, trong khi khu vực nông thôn tăng 3,1%.
Trong các phân khúc, NutiFood chỉ nổi trội duy nhất ở phân khúc sữa bột dinh dưỡng bình dân giành cho trẻ em, với thị phần khoảng 15%. Còn ở các mảng khác như sữa chua, sữa nước, họ hoàn toàn thua thiệt trước Vinamilk, Friesland Campina, TH True Milk và Nestle.
Như tất cả các công ty sữa lớn ở Việt Nam, từ lâu NutiFood cũng nhận ra rằng thị trường sữa Việt Nam sẽ bão hòa trong tương lai gần. Muốn tiếp tục tăng trưởng, họ có hai cách: mở rộng thị trường ra nước ngoài hoặc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh khác. Tuy nhiên, nói dễ làm khó.
Trước năm 2018, trong khi Vinamilk rầm rộ thông báo xây nhà máy chế biến sữa ở Mỹ, New Zealand và Campuchia hay TH True Milk kỳ vọng sẽ dùng Nga làm bàn đạp chinh phục Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương, thì NutiFood vẫn bình chân như vại. Chỉ thỉnh thoảng mới có thông tin NutiFood xuất khẩu lô hàng sang Singapore, Thái Lan và Campuchia.
Nhưng rồi đột nhiên, NutiFood ‘bùng nổ’ trong năm 2018. Kể từ đầu năm đến nay, NutiFood liên lục có những động thái mới đầy táo bạo.
Tháng 3/2018, NutiFood thông báo được cấp giấy chứng nhận chất lượng FDA, tiêu chuẩn bắt buộc để được xuất khẩu vào Mỹ. Họ cũng đã tìm được nhà phân phối uy tín là công ty Delori. Mục tiêu đầu tiên của cả hai là chiếm lĩnh thị trường sữa dinh dưỡng cho trẻ em thấp còi ở Mỹ, sau đó là Bắc Mỹ. Hiện sữa bột Pedia Plus đã có mặt trên 300 siêu thị ở bang California.
Cách đây vài tuần, NutiFood ra mắt sản phẩm Cà Phê Sữa Đá Tươi, mở đầu hành trình ‘phiêu lưu’ sang ngành cà phê. Với sản phẩm cà phê hòa tan cao cấp này, NutiFood vừa muốn mở rộng tệp khách hàng sang giới trẻ thành thị ở Việt Nam, vừa muốn chinh phục giới nghiện cà phê trên thế giới.
Nhưng kế hoạch ‘bom tấn’ mới chính thức được châm ngòi hôm 11/7 vừa qua NutiFood ký thoả thuận hợp tác với Backahill - tập đoàn của tỷ phú bất động sản Thụy Điển Erik Paulsson, để nuôi bò và sản xuất sữa hữu cơ ở chính đất nước Bắc Âu.
Có thể nói, sự xuất hiện của Backahill chính là ‘đúng người, đúng thời điểm’. NutiFood đang cần một đối tác có tiềm lực mạnh ở nước ngoài để làm chỗ dựa khi xuất ngoại và Backahill có đầy đủ (nếu không muốn nói là vượt) tiêu chuẩn mà NutiFood cần.
Ông Erik Paulsson là tỷ phú tự thân nổi tiếng tại Thuỵ Điển với tổng tài sản 1,4 tỷ USD, đứng thứ 1.867 thế giới theo xếp hạng của Forbes. Ông còn được ví như ‘vua bất động sản’ của đất nước Bắc Âu này, khi tập đoàn Backahill chuyên về xây dựng và bất động sản mang lại doanh thu tới 8,1 tỷ Euro năm 2016.
Ngoài ra, tại Thụy Điển, ông Erik Paulsson rất được cộng đồng doanh nhân hàng đầu kính trọng và gần như là người dẫn đầu của nhóm những nhà lãnh đạo nền kinh tế Thụy Điển.
Ấn tượng đầu tiên của ông Chủ tịch NutiFood Trần Thanh Hải với tỷ phú Erik Paulsson chính là sự nhiệt tình. Mặc dù chưa gặp nhau lần nào, chỉ nói chuyện qua điện thoại, nhưng trong lần đầu tiên ông Hải đến Thụy Điển tìm hiểu hợp tác, ông Erik Paulsson đã cho máy bay riêng đến Đan Mạch đón và còn tự lái xe ô tô đích thân ra sân bay chào mừng đối tác.
“Tôi đã tìm hiểu và vô cùng hài lòng về tập đoàn này cũng như kế hoạch phát triển nông nghiệp của họ. Tập đoàn Backahill được đích thân Chính phủ Thụy Điển chỉ định để xây dựng một trung tâm sản xuất lương thực bền vững tại Bjuv, với tầm nhìn biến nơi đây thành trung tâm cung cấp thực phẩm cho toàn châu Âu. Vốn không có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp nên họ đang tìm đối tác hợp tác đầu tư để hoàn thành mục tiêu này”, ông Hải chia sẻ.
Khu công nghiệp xanh mà Foodhills – thành viên của tập đoàn Backahill, đang vận hành ở miền Nam Thuỵ Điển là một nơi có những trang trại bò sữa đạt chuẩn hữu cơ, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào mà NutiFood luôn mơ ước.
Nhưng tại sao NutiFood lại không đầu tư nuôi bò tại Việt Nam mà phải qua châu Âu?
Đầu tiên, hãy điểm qua một chút về tương quan lực lượng của ba doanh nghiệp sữa nội lớn nhất Việt Nam là Vinamilk, TH True Milk và NutiFood.
Năm 2017, doanh số của Vinamilk hơn 51.000 tỷ đồng. Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty, bao gồm các trang trại của Vinamilk và nông dân có ký kết, hiện có 120.000 con. Dự kiến, vào năm 2020 sẽ tăng lên 200.000 con.
Trang trại organic chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam được Vinamilk khai trương vào năm ngoái, với vốn đầu tư đầu tiên khoảng 200 tỷ đồng cho 500 con.
Vinamilk có 13 nhà máy tại Việt Nam, ba nhà máy tại Newzealand, Campuchia và Mỹ. Hiện sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Vinamilk có 11 dòng sản phẩm và rất nhiều trong số đó bán chạy nhất Việt Nam như sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, sữa dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
TH True Milk là tay chơi mới, nhưng có những bước tiến rất thần tốc. Doanh thu gần nhất mà TH True Milk công bố năm 2015 là 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp gần 10 năm tuổi này hiện sở hữu đàn bò sữa lớn nhất Việt Nam với quy mô đàn lên tới 45.000 con, trên diện tích trang trại rộng 8.100 ha tập trung ở Nghệ An và một nhà máy sản xuất sữa lớn nhất Đông Nam Á.
TH hướng tới mục tiêu đạt quy mô đàn bò sữa là 137.000 con khi kết thúc đầu tư vào năm 2020 và đang tích cực phát triển một số trang trại TH ở các tỉnh Hà Giang, Phú Yên, Sóc Trăng.
Tại Nga, TH True Milk đang thực hiện một tổ hợp nhà máy sữa và nông trại nuôi bò và nhiều dự án thực phẩm khác với tổng vốn 2,7 tỷ USD. Thế mạnh của TH True Milk là sữa tươi, với lời khẳng định của họ chiếm khoảng 40% thị phần ở thị trường Việt Nam, cùng các thức uống có nguyên liệu nguồn gốc hữu cơ.
Năm 2017, doanh thu của NutiFood vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Trước khi thành công như hiện nay, công ty từng có thời lỗ kỷ lục 150 tỷ đồng nhiều năm trước và phải liên tục ‘cày’ để bù lỗ.
Hiện NutiFood có bốn nhà máy ở Việt Nam. Danh mục sản phẩm của NutiFood khá rộng, trải dài từ sữa nước, sữa bột, sữa chua cho đến cà phê. NutiFood có thế mạnh về các loại sữa dinh dưỡng, sữa đặc trị dành cho trẻ em, bà bầu, người lớn tuổi và người bệnh.
Trong khi TH True Milk tự mình nuôi bò, Vinamilk dựa chủ yếu vào sự liên kết với người nông dân thì NutiFood trông cậy vào ông lớn Hoàng Anh Gia Lai. Việc NutiFood chọn không tự nuôi bò sữa mà đi liên kết với Hoàng Anh Gia Lai cho thấy không đủ tài lực lẫn thời gian để phát triển đàn bò để có thể cạnh tranh với Vinamilk hay TH True Milk. “Đứng trên vai người khổng lồ” vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất. Liên kết với Backahill chính theo đúng chiến lược phát triển đó.
Hơn nữa, muốn đánh chiếm thị trường châu Âu hay thế giới, chọn liên kết với một nông trại sản xuất sữa organic của Thụy Điển vẫn hợp lý hơn cả. Đầu tiên là thuận lợi về mặt hậu cần và giao thương, thứ hai là về mặt thương hiệu. Muốn đấu lại Vinamilk hay TH True Milk ở mảng sữa tươi tại thị trường nội, sản phẩm nguồn gốc châu Âu mới có cơ may thắng cao hơn nguồn gốc Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải bắt tay ông Erik Paulsson tại lễ ký kết thoả thuận
Trong khi đó, Backahill chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như khách sạn, thể thao, thời trang và công nghiệp thực phẩm. Nhưng họ lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp khi tiếp quản nông trại Foodhills, nơi được mệnh danh là vùng nông nghiệp tốt nhất Bắc Âu và có các nông trại với sản lượng trung bình 10.000 lít sữa/ con bò/ năm.
Với uy tín thương hiệu, tiềm lực kinh tế, hẳn Backahill có rất nhiều sự lựa chọn khi muốn phát triển vùng nông nghiệp Bjuv, vậy tại sao NutiFood - đến từ đất nước Việt Nam xa xôi, lại là người được chọn?
“Chúng tôi rất ngạc nhiên và đánh giá cao khi được biết NutiFood là công ty được thành lập bởi những chuyên gia dinh dưỡng và có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất, bán các sản phẩm sữa và các chế phẩm từ sữa, đồng thời xuất khẩu các sản phẩm này sang nhiều quốc gia”, ông Erik Paulsson giải thích.
Ngoài ra, vị tỷ phú bất động sản cũng ấn tượng với hai thế mạnh của NutiFood là các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị đứng đầu trong phân khúc tiêu dùng này ở Việt Nam nhiều năm liền và đã có được chứng chỉ FDA của Hoa Kỳ với những điều kiện hết sức khắt khe để đưa sản phẩm của mình vào thị trường này. Đây là chứng nhận mà rất nhiều công ty sản xuất thực phẩm muốn có được.
“NutiFood đầu tư vào Thụy Điển và hợp tác giữa chúng tôi và NutiFood sẽ mang những sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ ra thế giới, không chỉ thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế mà còn đáp ứng khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng cho người tiêu dùng toàn cầu. Chúng tôi tự tin rằng cùng nhau hợp tác và tập trung vào thế mạnh của mỗi bên sẽ biến 1+1 thành 3, 5, 7 hoặc thậm chí là 12”, vị tỷ phú đến từ đất nước Thuỵ Điển tỏ vẻ tự tin.
Quỳnh Như/Theleader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-nutifood-he-lo-co-duyen-voi-ty-phu-thuy-dien-a43226.html