Thu ngàn tỷ mỗi năm vì sao hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh vẫn báo lỗ triền miên?

Hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh như Lotteria, Pizza Hut, The Pizza Company, Burger King, Domino's Pizza, Popeyes… đều rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh như Lotteria, Pizza Hut, The Pizza Company, Burger King, Domino's Pizza, Popeyes… đều rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Liên tục mở rộng đầu tư, doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng, dẫn đầu thị trường đang kinh doanh... song nhiều hệ thống thức ăn nhanh và bán lẻ ngoại báo lỗ triền miên.

Điển hình nhất là chuỗi thức ăn nhanh Lotteria với doanh thu từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, song số tiền lỗ hằng năm của chuỗi gà rán đến từ Hàn Quốc này vẫn ở mức cao. Năm 2015, doanh thu của Lotteria lên đến 1.460 tỷ đồng thì báo cáo cuối năm lỗ 118 tỷ đồng; năm 2016 doanh thu 1.306 tỷ đồng, lỗ 135 tỷ đồng; năm 2017 doanh thu 1.530 tỷ đồng vẫn lỗ 20 tỷ đồng.

Tính lỗ lũy kế đến năm 2017, chuỗi thức ăn nhanh này đang lỗ 433 tỷ đồng từ khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ hơn 433 tỷ đồng. Số tiền lỗ đã “ăn” sạch số tiền đầu tư của doanh nghiệp (DN) sau 13 năm vào Việt Nam (từ năm 2004).

Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 của một số chuỗi thức ăn. Ảnh: Phúc Hải

Lý do khiến Lotteria - thương hiệu thức ăn nhanh dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng và doanh thu, liên tục lỗ được lý giải qua chi phí bán hàng. Báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp này cho thấy, chi phí bán hàng của công ty tại Việt Nam tăng cao một cách đột biến. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, tổng chi phí bán hàng lên đến 1.519 tỷ đồng, chiếm khoảng 50 - 55% doanh thu của 2 năm.

Jollibee vào Việt Nam sau Lotteria 1 năm, đến nay vẫn còn lỗ 400 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ cũng chỉ hơn 409 tỷ đồng. Điểm chung của 2 "ông lớn" này là biên độ lợi nhuận gộp rất cao, xấp xỉ 50% và cùng đều chi rất đậm cho chi phí bán hàng.

Ngoài ra, hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như Pizza Hut, The Pizza Company, Burger King, Domino’s Pizza, Popeyes… cũng rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi gia nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, KFC sau giai đoạn dài lợi nhuận trồi sụt bất thường đã đột ngột báo lãi 103 tỷ đồng trong năm 2017 dù biên độ lợi nhuận gộp chỉ khoảng 20% trong năm 2017 và 10% trong các năm trước.

Trong nước, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) sở hữu hàng loạt thương hiệu chuỗi đồ ăn trong nước nổi tiếng như Ashima, Huton, Vuvuzela, isushi, Gogi, Sumo BBQ… Theo số liệu do Golden Gate công bố, số lượng khách hàng ghi nhận tăng trưởng phi mã trong 8 năm qua, từ dưới 1 triệu khách hàng giai đoạn 2008-2009 tăng lên 4 triệu vào năm 2016. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên của DN này cho thấy đến năm 2016, doanh thu đã qua kiểm toán đạt 2.626 tỷ đồng; tăng đến 42% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 229 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng gần 49%. Những năm gần đây, dù doanh thu lớn song tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của Golden Gate chỉ ở mức 8%-9%/năm.

Chuỗi cửa hàng Pizza Home tại Hà Nội cũng đang hoạt động hiệu quả. Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home cho biết đã từng mở 5 cửa hàng Pizza Home tại TP HCM nhưng đã đóng cửa cả 5. Tại Hà Nội, Pizza Home đã sắp xếp lại chuỗi, chỉ giữ lại 5 cửa hàng hiệu quả nhất. "Kinh doanh phải có lãi chứ không cần quá tập trung vào quy mô. Dĩ nhiên Pizza Home muốn mở rộng tại những thành phố lớn nhưng yếu tố về hiệu quả kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu" - ông Tùng nói.

Trong khi hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh tại Việt Nam lỗ triền miên thì một nghiên cứu của Euromonitor năm 2016 cho thấy, ngành thức ăn nhanh của Việt Nam đang ở vị trí thứ 3 trong thị trường ẩm thực Việt Nam đứng thứ 2 sau ngành nhà hàng.

Lỗ nên nhà đầu tư không phải đóng thuế thu nhập DN mà chỉ đóng các khoản thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất... Chủ một DN kinh doanh nhà hàng chuỗi thành công tại TP.HCM chia sẻ, trong lĩnh vực ẩm thực, thời gian tối đa cho một nhà đầu tư bắt buộc phải có lãi là 3 năm. Với các chuỗi thức ăn nhanh, do tốc độ mở rộng điểm nhanh và nhiều nên thời gian lỗ có thể cao hơn, từ 4 - 5 năm, không thể lâu hơn.

Chủ DN này nói: “Ẩm thực nói chung là mô hình kinh doanh không thể để vốn “chết” quá lâu. Nếu kinh doanh ẩm thực, nhà hàng chuỗi mà sau 5 năm vẫn báo lỗ thì nên dẹp tiệm sớm. Tôi hơi băn khoăn các chuỗi thức ăn nhanh vào VN đến 15 năm vẫn còn “túc tắc” báo lỗ mà cơ quan thuế không thắc mắc là điều khá lạ. Theo tôi, cơ quan quản lý thuế có thể tham chiếu các chuỗi thức ăn nhanh khác trong nước, các mô hình nhà hàng khác để xem xét việc báo cáo lỗ triền miên này có chính xác không”.

Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM nhận định khó cho rằng các DN ngoại kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh hay bán lẻ là chuyển giá. Bởi với kinh nghiệm tại thị trường VN cả trên chục năm, họ thừa biết cách để cơ quan quản lý khó phát hiện được báo cáo sai số nếu có. Tuy nhiên, luật sư Toản nhấn mạnh, cơ quan thuế hoàn toàn có quyền nghi ngờ trước việc nhà đầu tư liên tục mở rộng điểm kinh doanh vẫn báo lỗ, theo thông tin từ báo Thanh Niên.

Hòa Lê (T/h)

Theo VietQ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thu-ngan-ty-moi-nam-vi-sao-hang-loat-chuoi-thuc-an-nhanh-van-bao-lo-trien-mien-a43329.html