Sự cạnh tranh quyết liệt giữa Samsung và LG dưới sự lèo lái của các vị chủ tịch tài ba đã giúp Hàn Quốc vượt lên lật đổ sự thống trị của các công ty Nhật Bản và Hoa Kỳ để giữ vị trí số 1 về chip bộ nhớ.
Bất chấp những khác biệt cốt lõi, Samsung và LG có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Như một câu cổ ngữ của Hàn Quốc có nói: "Đã đánh nhau, tức là giống nhau", Samsung và LG có một quá khứ ly kỳ và ít ai nghi ngờ rằng Hàn Quốc sẽ khác nếu không có 2 chaebol này.
>>> Hàn Quốc - Cuộc chiến giữa 2 vì sao (K1): Khát vọng Made in Korea
Cha truyền con nối
Mọi thành công đều không trải hoa hồng, thậm chí điều này càng đúng hơn khi Chủ tịch nổi tiếng nhất của Samsung, ông Lee Kun-hee khẳng định: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn, nếu không muốn mình thất bại”. Có lẽ tập đoàn giữ vững được vị thế của mình từ quá khứ tới hiện tại do có cách xây dựng truyền thống cũng như biết kích thích các nhân tố phát triển.
Ông Lee Kun-hee sau khi kế thừa tập đoàn này từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987, đã nỗ lực không ngừng đưa tập đoàn gặt hái hết thành công này tới thành công khác.
Năm 1983, Samsung sản xuất được chip điện tử đầu tiên nhưng vẫn chưa phải là thương hiệu có tên tuổi ở Hàn Quốc. Khi kế thừa sự nghiệp do người cha quá cố để lại, Lee Kun-hee đã ở tuổi 45. Thời trai trẻ, Lee đã tiếp thu kiến thức kinh tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận bằng MBA của Đại học George Washington (Hoa Kỳ) và học hỏi được rất nhiều từ thực tế thương trường.
Sau khi lên điều hành Samsung, Lee đã quyết tâm áp dụng những kiến thức kinh tế cùng kinh nghiệm thực tiễn để đổi mới toàn diện quy trình sản xuất, sản phẩm truyền thống của Samsung. Ý tưởng Lee nung nấu là Samsung phải trở thành thương hiệu toàn cầu, một biểu tượng và niềm tự hào của người Hàn Quốc. Là người có đầu óc tân tiến, Lee luôn dự cảm được trước những thời khắc khó khăn để tạo dựng sự vững chắc trong sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, khi cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á xảy ra năm 1997, Samsung đã có kế hoạch đối phó. Là vị chủ tịch có cá tính và nguyên tắc trong công việc, Lee đã từng yêu cầu 2.000 công nhân phải tự tay đập đi những sản phẩm do chính mình làm ra do một trong số chúng bị chê không đạt yêu cầu trong quá trình sử dụng. Cách làm này đã khiến thành công liên tục đến với Samsung sau này.
Trong khi đó, ông Koo In-hwoi mất ngày 31-12-1969, con trai ông là Koo Cha-kyung tiếp quản đế chế LG với quyết tâm phát triển di sản này. LG có được lợi thế trong ngành điện tử và hóa chất với tư cách người đi trước, nhưng sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các chaebol khác đồng nghĩa với việc họ cần phải tạo sự khác biệt cho mình. Ông Koo (con) chính là vị chủ tịch chaebol đầu tiên tại Hàn Quốc thuyết giảng sự cần thiết phải coi trọng chất lượng hơn số lượng.
V30 là một siêu phẩm của LG, con át chủ bài để cạnh tranh trực tiếp với Note 8 Samsung.
Những bước đi táo bạo
Bước đi táo bạo nhất của ông Lee Byung-chul trong vai trò chủ tịch Samsung là vào năm 1983, đã tuyên bố tại Tokyo Samsung sẽ gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn. Thời kỳ này các tập đoàn lớn của Nhật Bản như NEC, Toshiba và Hitachi đang thống trị lĩnh vực sản xuất chip bộ nhớ. Họ thậm chí vượt xa những đối thủ bám đuổi là những công ty của Hoa Kỳ như Motorola, Texas Instruments và National Semiconductor. Vì thế, các công ty của Hoa Kỳ và Nhật Bản khi nghe ông Lee phát biểu như vậy đều thấy…buồn cười.
Bất chấp mọi sự nhạo báng, ngay trong năm 1983 Samsung đã phát triển một DRAM 64K. Năm 1988, Samsung phát triển tiếp một DRAM 4MB, chỉ sau Nhật Bản 6 tháng. Nhờ sai lầm về chiến lược sản xuất của các nhà sản xuất chip Nhật Bản và sự mạnh tay đầu tư quyết liệt trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Samsung đã có thể thực hiện bước đại nhảy vọt để qua mặt các đối thủ nước ngoài. Gã khổng lồ Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất chip bộ nhớ số 1 thế giới năm 1993 và tiếp tục giữ vững thế độc tôn này đến nay.
Trong khi đó, LG nỗ lực đánh chiếm lĩnh vực bán dẫn, nhưng sau Samsung vài bước. Đáng tiếc, chính cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã nâng bước cho sự trỗi dậy của Samsung lại là yếu tố chấm dứt những nỗ lực của LG. Năm 1997 LG bị chính phủ ép phải nhượng nhánh kinh doanh bán dẫn cho Hyundai như là một phần của chương trình tái cấu trúc bắt buộc. Năm 1998 LG bắt đầu tập trung đầu tư thị trường Tablet. Tại hội chợ di động năm 2011, LG lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm Tablet Optimus Pad của mình. Sản phẩm này có màn hình 8.9 inch, chạy Android Honeycomb cùng chip Nvidia Terga 2.
Tuy nhiên, sản phẩm LG Optimus đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ iPad của Apple, cũng như sản phẩm Surface của Microsoft trên thị trường table. Nhận thấy đầu tư vào thị trường tablet tại thời điểm này có vẻ là quyết định đầy rủi ro, LG đã nhanh chóng rút khỏi để tập trung vào phát triển smartphone. Đồng thời, LG cũng tập trung phát triển hệ điều hành Android. Đây được coi là bước đi đúng đắn của LG, nhằm cạnh tranh với Apple và Microsoft trong việc làm ra sản phẩm tốt hơn.
Năm 2010, khi Apple khiến cả thế giới phát cuồng vì chiếc iPhone 4 được coi là hoàn thiện cả về tính năng lẫn thiết kế, Samsung một lần nữa chứng tỏ khả năng thích ứng nhạy bén với những thay đổi của thời cuộc. Trong năm 2010 và 2011, Samsung lần lượt ra mắt 2 chiếc Galaxy S đầu tiên với thiết kế "học hỏi" rất nhiều từ iPhone.
Với chiếc Galaxy S3, Samsung thực sự đạt được độ chín về tính năng - lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc smartphone có thể đánh bại iPhone để nắm giữ vị trí smartphone bán chạy nhất trong quý. Tuy vậy, những chiếc smartphone tầm trung và cấp thấp mới là yếu tố thực sự làm nên thành công cho Samsung khi thị trường giá rẻ được Apple bỏ ngỏ. Trong năm 2013, tổng doanh số smartphone của Samsung gấp đôi số lượng máy bán ra của Apple.
Chung tay đánh bại đối thủ
Mục tiêu lớn của Samsung và LG là đánh bại các đối thủ Nhật Bản đang thống trị ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Bởi dù Hàn Quốc đã thu hẹp được đáng kể khoảng cách trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng khoảng cách từ chip bộ nhớ đến những sản phẩm điện tử tiêu dùng có thương hiệu vẫn còn rất lớn.
Theo đó, Hàn Quốc quyết định dừng bám đuôi người Nhật trong lĩnh vực công nghệ tương tự (analogue), bước thẳng sang công nghệ kỹ thuật số. Trong khi các công ty Nhật Bản đang say mê khai thác triệt để màn hình CRT screens - đặc trưng cho kiểu tivi dùng bóng hình cồng kềnh, Samsung và LG đã đầu tư cả tỷ USD vào công nghệ màn hình tinh thể lỏng.
Theo số liệu của DisplaySearch, Samsung trở thành người dẫn đầu về xuất khẩu màn hình LCD năm 1988. Năm 1999, LG hợp tác với đối tác Philips của Hà Lan để lập ra LG Philips LCD (nay là LG Display). Không lâu sau, cả Samsung và LG đều cùng sử dụng công nghệ màn hình mới cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng của mình. Đặc biệt, năm 2006, siêu phẩm tivi màn hình LCD hình ly rượu, Samsung đã trở thành nhà sản xuất tivi lớn nhất thế giới, chấm dứt sự thống trị 35 năm của Sony.
"Samsung và LG đã chiếm được vị trí dẫn đầu về LCD từ các công ty Nhật Bản từ giữa những năm 2000 nhờ sự đầu tư quyết liệt vào lĩnh vực này" - Kim Byung-ki, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Kiwoom Securities, nói.
Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chính phủ Hàn Quốc quyết định áp dụng chiến lược thúc đẩy mạng không dây và coi đây là động lực tăng trưởng mới của đất nước.
Việc ứng dụng mạng 3G của Hàn Quốc được thương mại hóa năm 2006, nhờ đó tạo cho nước này mức độ kết nối không dây nhanh nhất trên thế giới. Mạng 4G LTE được triển khai năm 2012 và dự kiến mạng 5G sẽ triển khai năm 2020. Định hướng này của chính phủ đã giúp Samsung và LG đặt ra lộ trình về phần cứng rõ ràng cho kế hoạch phát triển điện thoại di động.
Theo đó, Samsung và LG đã dẫn đầu công cuộc đổi mới với các model điện thoại gấp và trượt. Nhờ đó, Samsung nhanh chóng chiếm vị trí số 2 thế giới, trong khi LG luôn đảm bảo cho mình một vị trí an toàn trong top 5.
Đức Huy/DTTCO
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/han-quoc-cuoc-chien-giua-2-vi-sao-k2-len-dai-vinh-quang-a43374.html