Với ông Nguyễn Lê Quốc Anh, con người mới là nhân tố trung tâm giúp ngân hàng chinh phục các mục tiêu sau 25 năm có mặt trên thị trường.
Sáu tháng đầu năm nay, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận mức lãi đậm 5.196 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ, vươn lên dẫn đầu các ngân hàng cổ phần tư nhân có lợi nhuận cao nhất sau hai quý.
Tuy nhiên với CEO Nguyễn Lê Quốc Anh, những con số không phải là bất biến, dù vị trí nào cũng chỉ là đích tạm bởi sự vận động không bao giờ ngưng nghỉ. Trong cuộc trò chuyện, vị CEO này nhắc nhiều đến yếu tố con người. Ông luôn hào hứng, đôi khi thể hiện sự hãnh diện về đội ngũ nhân tài mà ngân hàng đang sở hữu. Theo ông, đó là những con người có sẵn sức sức mạnh, nhiệt huyết để có thể chinh phục những đỉnh cao mới.
- Cảm giác của ông thế nào khi đang dẫn đầu các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân về hiệu suất kinh doanh?
- Với Techcombank, sau 25 năm, nếu so sánh với các ngân hàng cùng xuất phát điểm, chúng tôi có thể tự hào rằng mình ngang hàng thậm chí vượt trội hơn ở một số chỉ tiêu và đứng trong top những ngân hàng tốt nhất Việt Nam.
Nói về các con số lợi nhuận, vốn chủ sở hữu, tiềm lực tài chính... nếu nhân cách hóa, Techcombank giống như một chàng thanh niên 25 tuổi đầy sức mạnh, đầy nhiệt huyết.
Tất cả các cán bộ, nhân viên của chúng tôi đều tin tưởng vào tương lai, vào tổ chức hệ thống, vào khả năng phát triển và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức có thể có trong thời gian tới.
Vì vậy, điều làm tôi tự hào nhất về Techcombank lúc này không phải là lợi nhuận mà là đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết, khao khát xây dựng giá trị cho tổ chức và đóng góp cho cộng đồng. Đây là tài sản lớn nhất của ngân hàng, quan trọng hơn tất cả các con số về doanh thu, lợi nhuận.
- Điều gì giúp Techcombank đã xây dựng nên một đội ngũ nhân lực - mà như ông nói là đáng tự hào?
- Nhiều thành viên trong Hội đồng quản trị hiện nay đều gắn bó lâu dài cùng ngân hàng. Họ là những người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tổ chức. Họ đều là những sinh viên Việt Nam xuất sắc từng du học ở Liên Xô trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động, thành thử họ nắm bắt được nhịp của sự thay đổi để ứng biến linh hoạt và có tinh thần kiên định vượt qua mọi khó khăn hướng đến mục tiêu lâu dài.
Tôi còn nhớ, trong giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng, Hội đồng quản trị của ngân hàng đã rất kiên định, trong đó có việc xóa hết nợ xấu giúp ngân hàng có cơ hội phát triển, thay vì chia cổ tức để rút tiền ra.
Không chỉ có vậy, các thành viên chủ chốt luôn định hướng phải đầu tư cho tương lai. Techcombank là ngân hàng đầu tiên tập trung bỏ ra 5 triệu đôla để mua hệ thống IT lõi vào năm 2002. Khoản tiền chiếm đến 20% vốn điều lệ vào thời điểm đó. Mới nhất, chúng tôi tiếp tục đầu tư khoảng 300 triệu đôla để xây dựng và đẩy mạnh hơn nền tảng công nghệ thông tin nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược lâu dài của ngân hàng.
- Đâu là sự khác biệt của Techcombank so với các ngân hàng khác?
- Ở đây chỉ là sự khác biệt về con người thôi. Dù là thời đại công nghệ nào thì con người vẫn là trung tâm của mọi thứ. Con người làm ra robot, con người điều khiển hệ thống, điều khiển công nghệ mới và xây dựng công nghệ mới. Do vậy, nếu không xây dựng được nền tảng nhân sự thì rút cuộc chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ và ngược lại, nếu chúng ta xây dựng thành công đội ngũ nhân lực, thì họ sẽ là người cai quản công nghệ. Công nghệ chỉ là công cụ cho con người làm việc.
- Ông nhắc nhiều đến con người, vậy Techcombank đã tận dụng lợi thế này ra sao?
- Chiến lược của chúng tôi là tạo nên hệ thống có quy mô lớn nhưng dựa trên các nguyên tắc đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ tối đa con người trong lúc làm việc và khi đưa ra quyết định, rồi sau đó các hiệu quả kinh doanh sẽ đến.
Tất cả những gì ngân hàng làm là dịch vụ. Cách thức chúng tôi phục vụ khách hàng như thế nào mới là quan trọng. Theo triết lý này, ngay sau khi tiếp quản vị trí CEO tại ngân hàng, tôi bắt tay quy hoạch, đưa ra kế hoạch cụ thể cho những việc ngân hàng cần làm, những dịch vụ phù hợp với tầng lớp khách hàng khác nhau.
Ở mỗi kế hoạch, chúng tôi phải tìm hiểu sâu khách hàng cần những gì và làm đúng điều họ cần. Một khi đã hiểu rõ khách hàng, mình sẽ thấy công việc ngân hàng rất nhẹ nhàng. Vì vậy, bản chất chiến lược của Techcombank là thấu hiểu khách hàng để phục vụ họ, sau đó những chuyện khác sẽ tự động đến.
Với cá nhân tôi, tôi hơi chạnh lòng khi người ta nhắc tới kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Thực ra ngân hàng không kinh doanh, không mua bán mà chỉ cung cấp dịch vụ.
- Trong 3 năm, Techcombank đã "dọn" sạch nợ tại VAMC và niêm yết lên sàn. Điều này đã giúp gì cho hoạt động ngân hàng?
- Bản chất của việc bán nợ xấu cho VAMC giống như mình phải đeo ba lô rất nặng nhưng có thêm tờ giấy chứng nhận ba lô rất nhẹ, còn thực chất nợ xấu vẫn nằm đó. Vì vậy, chúng tôi xác định, phải trích lợi nhuận của mình để xóa nợ xấu, khiến cho ba lô nhẹ đúng nghĩa. Có như vậy, ngân hàng mới đi xa hơn, nhanh hơn, và các nhà đầu tư mới yên tâm đi dài hơn với ngân hàng. Còn việc lên sàn, đương nhiên chúng tôi sẽ có thêm nhiều trọng trách, áp lực nhưng cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người giúp, đó chính là các nhà đầu tư.
Còn nếu nói về giá cổ phiếu, áp lực đối với chúng tôi là bằng không. Giá cổ phiếu là do người mua đi, người bán lại định giá, còn giá trị ngân hàng phụ thuộc vào chính thể lực của ngân hàng. Giống như khi bạn hoạt động trên facebook, có nhiều người nhấn nút like (thích) thì sẽ rất vui, nhưng nếu ít người like thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới giá trị của bạn.
- Phản ứng của nhà đầu tư ra sao khi Techcombank tiếp tục sử dụng lợi nhuận tái đầu tư nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng?
- Đợt IPO vừa rồi, tôi gặp nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới và họ hỏi tôi rằng họ có được chia cổ tức hay không? Tôi hỏi lại: "Các vị có tìm được nơi nào để đầu tư mà mỗi năm lợi nhuận từ 20-25% hay không?" Suy nghĩ một hồi lâu, và họ trả lời là không.
Mỗi năm chúng tôi tăng trưởng lợi nhuận trên 20% và được sử dụng để tái đầu tư. Có nghĩa là số vốn tiền của nhà đầu tư mỗi năm lại tăng giá trị thêm hơn 20. Sau ba năm sẽ tăng gấp đôi,5 năm sẽ tăng gấp ba, đây là mức sinh lời không nhỏ.
Từ năm 2015 đến nay, vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng gần 3 lần, doanh thu tăng gấp đôi. Đó là những con số thể hiện rõ hiệu quả của việc tích lũy từ đầu tư. Đầu tư đã làm đòn bẩy cho tăng trưởng. Cũng giống như đi buôn phải có vốn, một ngân hàng muốn hoạt động cần phải có dòng tiền để cho khách hàng vay. Đòn bẩy vốn làm nên sức bật cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt cho chúng tôi. Tôi tin rằng, với đòn bẩy vốn hiện nay, khả năng sinh lời của Techcombank trong 2-3 năm tới sẽ tăng gấp 2-3 lần.
- Techcombank lo ngại gì về một chu kỳ đi xuống sau khi ở đỉnh cao - như quy luật thường thấy?
- Dĩ nhiên, tôi không thể nói sẽ không bao giờ xảy ra điều đó. Chúng tôi sẽ cố gắng quản trị rủi ro chặt chẽ nhất. Ban lãnh đạo rất tâm đắc về mô hình và nguyên tắc làm việc "giảm thiểu rủi ro, đạt hiệu suất cao" (low risk, high return).
Điều này nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng thực tế là có thật. Rủi ro có thể có bất cứ khi nào. Song luôn suy nghĩ một cách chín chắn, có sự lường trước và chuẩn bị sẵn sàng để xử lý các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn thì khả năng thành công là cao. Techcombank là một trong số ít ngân hàng không có nghề "tay trái" mà chỉ chú trọng vào hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, những ảnh hưởng, rủi ro từ bên ngoài tác động đến là rất thấp.
- Tại sao Techcombank chọn thời điểm này để định vị thương hiệu thông qua slogan mới "Cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày"?
- Mọi người đã biết đến Techcombank là một thương hiệu ngân hàng. Nhưng chúng tôi muốn Techcombank không chỉ ngân hàng dẫn đầu, mà còn có nhiều giá trị bền vững hơn, đại diện cho một ý chí, khát vọng, tinh thần lạc quan và tự lập của người Việt Nam.
Một định vị thương hiệu mới có thể gắn kết và truyền cảm hứng với mọi người dân, với toàn xã hội chính là mong muốn của chúng tôi khi lựa chọn khẩu hiệu "Vượt trội hơn mỗi ngày" lúc này.
Trong quá trình nghiên cứu để tái định vị thương hiệu, chúng tôi nhận thấy rằng, đa số người dân của Việt Nam còn rất trẻ, luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai và có tinh thần tự lập cao.
Tuy vậy, để có thể thành công, đi xa hơn, đi nhanh hơn, vẫn cần có người hỗ trợ. Chúng tôi muốn là tổ chức có khả năng giúp đỡ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn đạt được những mục tiêu cao, vượt trội hơn.
Techcombank sẽ là tổ chức giúp họ mơ ước lớn hơn, đạt mục tiêu cao hơn thông qua những dịch vụ của mình. Chẳng hạn, chúng tôi có thể cung cấp các tư vấn tài chính giúp các chủ đầu tư có khả năng đầu tư chính xác hơn; cung cấp các dịch vụ toàn diện để những bạn trẻ có giấc mơ cao hơn, xa hơn. Đó là tinh thần của slogan mà chúng tôi đã chọn.
- Kế hoạch của Techcombank trong 5 năm tới là gì?
- Chắc chắn là tráng kiện hơn và vượt trội hơn. Trong 5 năm tới, những gì Techcombank đang xây dựng nền tảng hiện nay sẽ bắt đầu có kết quả và đi vào chiều sâu hơn. Ví dụ như Ngân hàng Nhà nước mong muốn hệ thống tài chính Việt Nam thay vì dựa vào dòng tiền của các ngân hàng đem cho vay, thì các ngân hàng nên phát hành trái phiếu nhiều hơn để đưa ra thị trường tài chính bên ngoài.
Để đạt được điều đó, lúc này ngân hàng đang tập trung xây dựng hệ thống, xây dựng con người, đồng thời thiết lập những mối quan hệ trong nước và ngoài nước để thị trường tiêu thụ được các khoản trái phiếu.
Techcombank từng bước tạo dựng thị trường. Khi thị trường đa dạng hơn thì chiều sâu sẽ tốt hơn. Chúng tôi đã bắt tay làm những điều đó, và 5 năm nữa, khi hệ thống và các mối quan hệ bắt đầu đủ lớn, guồng máy sẽ chạy.
Theo Vnexpress
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-techcombank-con-nguoi-quan-trong-hon-loi-nhuan-a43419.html