Thị trường "Trưa nay ăn gì" của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè!

Coi phục vụ bữa ăn trưa là một trong những chiến lược trọng điểm của công ty, nhưng sếp Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm cũng phải thừa nhận rằng: Trong thị trường "Trưa nay ăn gì" cho dân công sở, sức mạnh của quán cơm vỉa hè còn rất lớn!


Coi phục vụ bữa ăn trưa là một trong những chiến lược trọng điểm của công ty, nhưng sếp Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm cũng phải thừa nhận rằng: Trong thị trường "Trưa nay ăn gì" cho dân công sở, sức mạnh của quán cơm vỉa hè còn rất lớn!

Câu hỏi muôn thuở của dân công sở: Trưa nay ăn gì?

Chị Nga đang làm nhân viên cho một công ty lớn ở quận 11. "Trưa nay ăn gì, ở đâu?" luôn là câu hỏi của chị và đồng nghiệp trong phòng marketing. Chị có thể chọn canteen hoặc đi ăn bún, phở ở cửa hiệu xung quanh. Hoặc chị cũng có thể ghé qua cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven, Ministop, Family Mart…

Công ty chị Nga có tới 2.000 nhân viên và chắc hẳn họ không thể nhịn bữa trưa để tiếp tục làm việc trong buổi chiều. Có hàng ngàn, hàng vạn công ty đang hoạt động ở Việt Nam. Nhân viên cần ăn trưa để nạp năng lượng… và điều đó cho thấy thị trường bữa ăn trưa là rất rộng lớn.

Nhiều công ty lớn có bếp riêng, canteen riêng để phục vụ nhân viên. Nhưng không phải công ty nào cũng có thể làm được điều này.

Nhiều công ty lớn có nhà bếp riêng nhưng nhiều doanh nghiệp khác chưa thể lo được câu chuyện này.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước có 324 khu công nghiệp (KCN) và 16 khu kinh tế (KKT). Trong các khu công nghiệp và khu kinh tế này là các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có lượng nhân viên nhất định và cần bữa trưa.

Hay chỉ tính riêng TPHCM tính đến tháng 9 năm nay, có tổng số doanh nghiệp đăng ký trong hệ thống đã trừ đi giải thể là 348.422 đơn vị. Mỗi doanh nghiệp có lượng nhân sự nhất định.

Những con số "biết nói" trên đã cho thấy mảng bữa ăn trưa tiềm năng như thế nào.

"62,1% nhân viên công sở ăn cơm hộp/cơm phần"

Theo một khảo sát của VFPress, mỗi người đều lựa chọn cho mình những cách thức ăn trưa khác nhau. Trong đó, một số tự nấu cơm và đem theo cho buổi trưa nhưng cũng có người về nhà ăn trưa. Tuy nhiên, số người ăn cơm phần/cơm hộp chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong tổng các nhân viên công sở được hỏi, chiếm 62.1%.

Theo khảo sát này, nhân viên chọn các địa điểm ăn như canteen công ty, văn phòng làm việc, quán cơm văn phòng, quán cơm bình dân...

Thị trường Trưa nay ăn gì của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè! - Ảnh 2.

Nguồn: VFPress

Giá suất cơm trưa được nhân viên văn phòng chuộng nhất là từ 20.000 đồng đến gần 40.000 đồng.

Thị trường Trưa nay ăn gì của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè! - Ảnh 3.

Nguồn: VFPress

Nhiều người đã nhận thấy tiềm năng

Thị trường Trưa nay ăn gì của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè! - Ảnh 4.

Suất cơm 25.000 đồng tại VinMart tại Vincom Quang Trung ngày 19/9.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã "tình nguyện" làm người phục vụ cho bữa ăn trưa của dân công sở.

Có thể kể đến các startup như Cơm mẹ nấu bán đồ ăn với giá 35.000 đồng/phần, các dịch vụ gọi đồ ăn trưa online, các quán ăn lề đường, các quán cafe, các cửa hàng tiện lợi và cả các siêu thị lớn cũng vào cuộc.

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng đã chuẩn bị những chiếc bàn, thậm chí là cả khu vực ăn uống, sẵn sàng phục vụ dân công sở.

Thị trường Trưa nay ăn gì của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè! - Ảnh 5.

Ngoài ra, VinMart còn bán bún và nhiều món khác.

Thị trường Trưa nay ăn gì của dân công sở - cuộc chiến giữa Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Saigon Food, nhưng đối thủ mạnh nhất lại là quán cơm vỉa hè! - Ảnh 6.

Khu ăn uống của VinMart.

 

Thị trường "ngon" là thế nhưng không dễ "ăn"

Một doanh nghiệp coi phục vụ bữa ăn trưa nằm trong chiến lược phát triển công ty - Sài Gòn Food, là nơi gia công các cơm, gỏi cuốn, xôi… cho 7-Eleven. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, doanh nghiệp mà lẩu, cháo tươi, làm nên thương hiệu của họ, cho biết công ty đã thấy được thị trường tiềm năng này trong vài năm trước.

Sức mạnh của quán cơm vỉa hè còn rất lớn

Theo chia sẻ của bà Lâm, Sài Gòn Food có riêng một dây chuyền chuyên sản xuất bữa ăn trưa. Ngoài việc bán sản phẩm bữa ăn tươi cho 7-Eleven, công ty nấu ăn cho 2.500 nhân viên nội bộ và đang phục vụ bữa trưa cho 500 nhân viên của PNJ với giá 25.000 đồng/suất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cung cấp cho một số bệnh viện, trường học nhỏ khác.

“Tiềm năng của mảng bữa ăn trưa rất lớn nhưng cũng có nhiều điểm khó. Chẳng hạn, so về giá thì bữa ăn trưa mà công ty cung cấp vẫn cao hơn so với việc nhân viên tự nấu ăn ở nhà hay các quán lề đường. Quán lề đường họ không phải trả tiền mặt bằng, nhân công và có thể nhiều quán mua nguyên liệu rẻ…. Hay đơn cử như chuyện xử lý nước thải, các hộ kinh doanh lề đường không cần xử lý gì hết nhưng sản xuất có quy mô thì phải xử lý nước thải. Nói chung, các quán lề đường rất mạnh trong mảng này”, bà Lâm nhận định.

Nói về nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở mảng bữa ăn trưa, bà Lâm cho hay, Sài Gòn Food hiện có 2 phòng R&D. Trong đó một phòng nghiên cứu sản phẩm truyền thống như lẩu, cháo tươi…. Phòng thứ 2 nghiên cứu về bữa ăn nhanh.

Bà Lâm cho chúng tôi hay một số doanh nghiệp đã đến công ty bà đặt hàng bữa ăn trưa nhưng chưa thỏa thuận được về giá.


Lan Đỗ

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thi-truong-trua-nay-an-gi-cua-dan-cong-so-cuoc-chien-giua-vinmart-7-eleven-circle-k-saigon-food-nhung-doi-thu-manh-nhat-lai-la-quan-com-via-he-a43429.html