Tại sao bên cạnh nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra thành công, mang lại kết quả tốt cho chủ doanh nghiệp, thì lại có không ít thương vụ là "trái đắng" thay vì "quả ngọt"?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung, là thiếu bóng dáng của nhà tư vấn chiến lược.
Nghề chọn người
19h tối một ngày tháng 7/2018, khu văn phòng cho thuê trên một tầng cao thuộc cao ốc Bitexco Financial Tower (quận 1, Tp.HCM) vẫn sáng đèn.
Tại đây, TS. Vũ Quốc Hiển, thuộc bộ phận Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) miệt mài thuyết trình với nhóm cộng sự về một dự án tái cấu trúc cho một doanh nghiệp thuỷ sản.
"Chúng tôi không có khái niệm làm thêm để tính "over time bonus" (tiền làm ngoài giờ mà một số công ty trả cho nhân viên - PV), miễn còn việc là còn làm, kể cả ngày cuối tuần hay buổi tối", ông Hiển nói với VnEconomy, bên tách cà phê tại quán The Coffee Bean & Tea Leaf ngay dưới chân toà tháp Bitexco.
Con đường đến với nghề tư vấn chiến lược của TS. Vũ Quốc Hiển rất tình cờ, thông qua cuộc gặp mặt với người sếp hiện tại nhờ sự giới thiệu của một người bạn.
Hiển có bằng tiến sỹ chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp của Đại học Lugano, Thuỵ Sỹ. Trước đó, ông lấy bằng Cử nhân Tài chính, Đại học Quốc gia Australia và bằng Cao học Tài chính, Đại học Lund, Thuỵ Điển. Nhưng có vẻ như với cựu chuyên viên nghiên cứu cấp cao về cổ phần của một quỹ đầu cơ (hedge fund) Mỹ này, nghề nghiệp hiện tại của ông không phải là lựa chọn như một định hướng lâu dài thời còn cắp sách tới trường.
Hiển từng đạt giải trong một kỳ thi quốc tế môn vật lý, và theo logic thông thường, sẽ trở thành một chuyên gia vật lý với con đường nghiên cứu rộng mở. Nhưng rồi, niềm đam mê với những con số đã đưa Hiển đến với cái nghề "liếc qua báo cáo tài chính là đủ biết một công ty có "ra gì" không".
Hiển nói: "Điểm làm tôi hứng thú nhất với công việc tư vấn chiến lược doanh nghiệp là tôi có cơ hội làm việc với doanh nghiệp thật, vấn đề thật và tôi sẽ tham gia vào việc cải thiện doanh nghiệp đó. Điều này khác với công việc trước đây của tôi ở quỹ đầu cơ, ở đó tôi phân tích cổ phiếu và quyết định đầu tư dựa trên rất nhiều thông tin, tuy nhiên hoàn toàn không có tác động giúp doanh nghiệp tốt lên".
Ông cũng thừa nhận, việc cùng doanh nghiệp xây dựng chiến lược và giải quyết các vấn đề của họ thực sự rất khó khăn, tuy nhiên chính sự khó khăn đó là điều thú vị không cưỡng lại được của công việc tư vấn.
"Càng khó thì niềm vui sau khi vấn đề được giải quyết càng lớn", ông nói.
Không công thức chung
Con đường dẫn Hiển đến với công ty hàng đầu về kiểm toán, kế toán, tư vấn chiến lược và thuế thuộc nhóm "Big Four" không mấy bằng phẳng.
Ông kể, thời gian đầu nhiều lúc cảm thấy nản lòng và stress khi tiến hành làm "due diligence" (khảo sát minh bạch doanh nghiệp), bởi lý thuyết tài chính học được khác xa thực tế phải đối mặt.
Đặc biệt các doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân của Việt Nam có những đặc tính rất riêng, nên việc áp dụng một công thức chung khi tư vấn là điều không khả thi. Đó là chưa kể tính cách, thói quen và cách ứng xử rất đa dạng của người chủ doanh nghiệp.
Theo ông, bước đầu tiên của tư vấn chiến lược là tìm hiểu công ty, trong đó phân tích hoạt động của công ty thông qua các chỉ số tài chính là một cấu phần rất quan trọng. Có thể hiểu nôm na là các chỉ số tài chính của một công ty giống như các chỉ số xét nghiệm máu của một con người.
"Nền tảng giáo dục chuyên ngành tài chính giúp tôi có một phương pháp luận để đánh giá hiểu được công ty thông qua những con số và xác định nhanh chóng một số vấn đề của một công ty. Bước phân tích các chỉ số tài chính này giúp định hướng đào sâu hơn nữa các vấn đề cốt lõi của công ty", Hiển nói với VnEconomy.
Mặc dù thừa nhận các kiến thức được trau dồi ở trường và kinh nghiệm trong thời kỳ còn làm việc ở quỹ đầu cơ về phân tích và định giá cổ phiếu cũng giúp hiểu được những yếu tố nào có thể giúp công ty nâng cao giá trị cổ phiếu, nhưng TS. Vũ Quốc Hiển cũng phải thừa nhận, trong một số trường hợp, không thể hoàn toàn chiều theo ý kiến cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp.
Đơn giản, bởi họ thường có cá tính rất mạnh, lại không dám tin cậy tuyệt đối nhà tư vấn, do sợ sai lầm có thể khiến họ đánh mất tài sản tích góp được trong bao nhiêu năm.
Một số ông/bà chủ doanh nghiệp lại thích can thiệp vi mô vào công việc chuyên môn của nhà tư vấn, theo tâm lý "tôi trả tiền cho anh thì tôi có quyền làm gì tôi thích, vì đây là công ty của tôi".
Thành bại tại nhân
TS. Vũ Quốc Hiển là một trong gần 20 chuyên gia tài chính của bộ phận Tư vấn chiến lược doanh nghiệp thuộc EY Việt Nam. Công ty này đang trong quá trình chiêu hiền đãi sĩ để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn chiến lược.
Việc tư duy một cách lý tính, với lý luận được hỗ trợ bằng dữ liệu có thể giúp các chuyên gia tư vấn xây dựng được lòng tin với khách hàng, từ đó khách hàng làm theo những lời tư vấn.
Tuy nhiên, sự nhạy cảm và thấu hiểu khách hàng dường như mới quyết định thành, bại của một hợp đồng tư vấn - nhiều khi có giá trị hàng trăm nghìn USD.
"Tôi xin lấy ví dụ một thương vụ mà chúng tôi từng tư vấn cho một công ty xây dựng của Việt Nam nhiều năm trước", Hiển kể.
"Chúng tôi đưa ra lời khuyên cho họ là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần để tăng vốn hoạt động, từ đó mở rộng thị phần của họ trên thị trường. Đây là một quyết định đầy khó khăn với hội đồng quản trị công ty này bởi vì việc có nhà đầu tư sẽ làm pha loãng cổ phiếu, dẫn đến giảm quyền lực của các ông chủ doanh nghiệp, vốn rất coi trọng quyền lực của mình. Cuối cùng, sau một thời gian kiên trì thuyết phục nhiều khó khăn, họ nghe theo lời khuyên của chúng tôi, và giờ là một trong những công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam".
Yếu tố nào quan trọng nhất đối với nghề này? Theo TS. Nguyễn Quốc Toàn, phụ trách lĩnh vực Tư vấn chiến lược doanh nghiệp của EY Việt Nam, niềm tin của khách hàng có thể nói là điều quan trọng nhất.
Nếu khách hàng không có niềm tin vào tư vấn, thì sản phẩm tư vấn cũng trở nên vô giá trị, cho dù khách hàng có thanh toán hợp đồng tư vấn đầy đủ. Niềm tin giúp khách hàng có thể chia sẻ hết tất cả khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải, mà không lo ngại việc lộ thông tin.
Tuy nhiên, tin ở đây không có nghĩa là khách hàng nên hoàn toàn làm theo tất cả lời tư vấn nói, mà nên tham khảo những luận điểm và dẫn chứng của tư vấn để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Để xây dựng được niềm tin này, tư vấn và doanh nghiệp cần phải thực sự hiểu nhau.
Về phía tư vấn, tư vấn phải hiểu về ngành, hiểu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hiểu văn hóa doanh nghiệp và hiểu lãnh đạo cấp cao. Còn về phía doanh nghiệp, lãnh đạo cần hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp và tư vấn trong quá trình thay đổi và hiểu phương pháp và luận điểm của tư vấn.
TS. Nguyễn Quốc Toàn cho rằng, một sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp là không thuê đơn vị tư vấn hoặc chọn đơn vị tư vấn không phù hợp khi thực hiện giao dịch M&A với đối tác ngoại. Hoặc có thuê, nhưng không nghe lời tư vấn, mà tự quyết định các vấn đề quan trọng.
- 50% các công ty tại Đông Nam Á có kế hoạch M&A vào 12 tháng tới.
- 72% các nhà lãnh đạo xem việc tái cấu trúc danh mục đầu tư là vấn đề trọng tâm nhất trong quá trình xây dựng chiến lược.
- 83% các nhà lãnh đạo cho biết họ không thể hoàn tất hoặc phải hủy bỏ các thương vụ mua lại dự kiến.
- 5 điểm thu hút đầu tư hàng đầu tại Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
(Nguồn: EY)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nghe-tu-van-chien-luoc-tai-viet-nam-bong-dang-sau-nhieu-thuong-vu-sap-nhap-lon-a43447.html