Bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ
"Tôi đã được trở về Trung Nguyên", kèm theo một biểu tượng hình trái tim - đó là những cảm xúc mới nhất của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau khi được TAND TP.HCM xử thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ tranh chấp liên quan tới tập đoàn Trung Nguyên kéo dài nhiều năm qua.
Sau khi nghị án, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, bản án sơ thẩm được giữ nguyên, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, huỷ bỏ quyết định bãi nhiệm chức vụ chức danh của bà Thảo.
Theo hồ sơ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện chồng là ông Vũ nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của mình. Bà Thảo cho rằng quyết định này đã được ông Vũ ban hành trái quy định pháp luật .
Bà Thảo cũng yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi ngăn chặn bản thân thực hiện các quyền và trách nhiệm điều hành công ty với tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Phó Tổng giám đốc thường trực. Ngoài ra, bà Thảo còn có yêu cầu một số nội dung khác.
Khối tài sản nghìn tỷ của Dũng lò vôi
Rời công ty nhà nước sang làm kinh doanh riêng, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty Đại Nam hiện đang sở hữu khối bất động sản "khủng" tại Bình Dương.
Ngay khi rời khỏi chức vụ tại công ty Thành Lễ, ông Dũng đã thuê gần 500ha đất tại đây, biến vùng đất này trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực phía Nam.
Ông Dũng còn làm chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam. Công ty Du lịch Đại Nam đến nay đã nắm trong tay nhiều bất động sản và tài sản khủng như: Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Đại gia Lương Trí Thìn có thêm 100 tỷ
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) thông báo chủ tịch Lương Trí Thìnvừa mua số cổ phiếu ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động) trị giá gần trăm tỷ đồng.
Với mức giá như hiện tại, ông Lương Trí Thìn có thêm khối tài sản trị giá gần 100 tỷ đồng và chỉ phải bỏ ra khoảng 32 tỷ. Đại gia bất động sản này hiện có túi tiền quy ra từ cổ phiếu đạt gần 1 ngàn tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn đặt mục tiêu cho Tập đoàn trong 10 năm tới là có vốn hóa 5 tỷ USD.
Tỷ phú Trần Đình Long áp đảo
Sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong năm 2017 và lọt danh sách tỷ phú USD thế giới, trở thành tỷ phú giàu thứ 3 tại Việt Nam, ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục bỏ xa đối thủ, vượt qua đại gia Lê Phước Vũ và áp đảo các doanh khác trong ngành thép.
Cho tới thời điểm hiện tại Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long vẫn đang giữ vững vị thế ông trùm trong lĩnh vực thép xây dựng ở thị trường miền Bắc, và Tập đoàn đã tiến vào thị trường thép phía Nam với một dự án có quy mô rất lớn - Hòa Phát Dung Quất, dự kiến vốn 60 ngàn tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn.
Nếu dự án này thành công, theo như đánh giá của ông Trần Đình Long, Hòa Phát sẽ từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4 và Hòa Phát có thể vào top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
CEO mới của Thế Giới Di Động
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động chính thức công bố bổ nhiệm ông Đoàn Văn Hiểu Em vào vị trí CEO của một trong những công ty con là Công ty cổ phần Thế Giới Di Động.
Gia nhập Thế Giới Di Động từ tháng 3/2007, ông Đoàn Văn Hiểu Em đã có hơn 11 năm làm việc tại công ty với những vị trí khác nhau, bắt đầu từ phòng tài chính kế toán, trưởng ngành hàng, Giám đốc ngành hàng điện thoại và sau đó là Giám đốc ngành hàng Điện tử - Viễn thông - vị trí mà ông nắm giữ trước khi được bổ nhiệm lên Tổng giám đốc.
Ba con gái bà Chu Thị Bình gom loạt cổ phiếu
Hai con gái của ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Minh Phú và bà Chu Thị Bình là Lê Thị Minh Quý và Lê Thị Minh Ngọc cùng đăng ký mua hơn 4,61 triệu cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư tài chính.
Bên cạnh đó, người con gái khác vốn có tiếng tăm trên sàn chứng khoán của ông Lê Văn Quang là Lê Thị Dịu Minh cũng đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu MPC để đầu tư tài chính, theo phương thức giao dịch khớp lệnh/thỏa thuận, thời gian mua vào từ ngày 14/8 đến ngày 12/9/2018.
Hiện, Lê Thị Dịu Minh đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Minh Phú, sở hữu 6,4 triệu cổ phiếu MPC - tương ứng 4,62% vốn của công ty.
Theo thống kê, gia đình ông Quang đang sở hữu hơn 82,5 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng gần 60% vốn điều lệ công ty. Trong đó, bà Bình chiếm tỷ lệ lớn nhất với 25,31%.
'Siêu Ủy ban' sẽ ra mắt vào ngày 27/9
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức tổ chức lễ ra mắt tại Hà Nội vào ngày 27/9 tới sau hơn nửa năm được thành lập.
Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; Tổ Phó là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bầu Hiển vào danh sách đề nghị 'công dân Thủ đô ưu tú'
Hội đồng thi đua - khen thưởng TP. Hà Nội đã thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2018 cho 10 cá nhân, trong đó có ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 12/2017, ông Đỗ Quang Hiển là doanh nhân duy nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được trao giải thưởng “Doanh nhân châu Á 2017”.
Sếp mới nhiệt điện Thái Bình 2
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Ban Quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình 2, một trong những người làm việc đầu tiên tại dự án vừa được lãnh đạo PVN bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Phụ trách Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Hồi đầu tháng 7/2017, ông Nguyễn Thành Hưởng - Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vừa gửi đơn xin nghỉ việc lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trước đó, ông Hưởng đã có ý định nghỉ việc.
Tiến độ dự án đã bị ảnh hưởng nặng nề từ khi xảy ra đại án liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và các lãnh đạo khác ở PVC.
Vũ 'nhôm' tiêu hết 13 triệu USD
Trong quá trình điều tra thu giữ giấy tờ viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ hội sở DongABank) thể hiện, từ 11/10/2012 – 12/3/2015 xuất quỹ chi 12 khoản tổng cộng hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho ông Trần Phương Bình.
Ông Bình thừa nhận trong 13,9 triệu USD ông chỉ đạo mua thì có đến 13,4 triệu USD mua giúp cho Vũ nhôm, còn 500.000 USD ông Bình đưa cấp dưới để chi phí thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác. Vũ nhôm thường nhận USD tại phòng làm việc của ông Bình ở hội sở DongABank. Đến nay, ông Bình không giải thích rõ lý do mua hộ Vũ nhôm là gì.
Đến nay, Vũ chưa trả số tiền này cho ông Bình và cũng không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua 13,4 triệu USD.
Bảo Anh/VietNamnet (Tổng hợp)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoi-doi-am-tham-dung-lo-voi-ngan-ha-dat-tai-san-khong-lo-it-ai-sanh-bang-a43918.html