Người đàn bà xinh đẹp trồng rau công nghệ Isarel thu tiền tỉ mỗi năm

Chị Lê Thị Thắm (thôn Hương Mỹ, xã Xuân mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đã mạnh dạn vay vốn trồng dưa lưới theo công nghệ Isarel, đem lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Chị Lê Thị Thắm, SN 1991, quê ở thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là một trong hai đại diện của tỉnh Hà Tĩnh được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2018 - giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh thanh niên tiêu biểu trong SXKD, chuyển giao tiến bộ KHKT, phát triển ngành nghề...

Hệ thống nhà kính hiện đại trồng dưa lưới của gia đình chị Thắm

Vốn là một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm, chị Thắm luôn nuôi ý nghĩ làm sao để cải thiện kinh tế gia đình, đưa kinh tế phát triển dựa trên chính nền nông nghiệp vốn có tại địa phương. "Đó chính là điều làm tôi trăn trở, nên trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt ở địa phương mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Thắm nói.

Vào năm 2014, chị Thắm cùng với gia đình và một số thanh niên đã cùng nhau xây dựng một mô hình nhà kính để trồng hoa ly và một số loại hoa như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lưu ly, hoa nhiều màu, hoa tuy lip... Sau đó tận dụng các cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh đối với các mô hình kinh tế tập thể, chị đã mạnh dạn liên kết các thanh niên để thành lập Tổ hợp tác trồng Nấm-Hoa-Dược liệu thanh niên xã Xuân Mỹ với 11 thành viên.

Sau 3 năm vật lộn với mô hình loại hoa khó tính, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt bước đầu đã cho thành quả. Hơn hết, loài cây này đã được người dân ở đây chấp nhận và thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp như khoai, sắn... Cũng xuất phát từ những thử nghiệm ban đầu này của chị, nhiều mô hình trồng hoa khác đã được ứng dụng sản xuất có hiệu quả tại nhiều địa phương khác của tỉnh Hà Tĩnh.

Đến năm 2017, chị Thắm đã bàn bạc với chồng mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến với hệ thống nhà màng công nghệ cao và hệ thống tưới tự động của Isarel để trồng dưa lưới.

Chị Lê Thị Thắm là người dám nghĩ dám làm, luôn học hỏi để tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Để trồng loại cây mới mẻ này tại Hà Tĩnh, hai vợ chồng chị đã đi tìm hiểu và học hỏi nhiều mô hình trồng dưa lưới tại Thái Lan và nhiều địa phương khác trong cả nước. Chồng chị vốn là kỹ sư nông nghiệp công tác tại Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi của huyện Nghi Xuân, còn chị là cử nhân ngành Khí tượng thủy văn, vì vậy hai vợ chồng chị học hỏi và nắm bắt kỹ thuật rất nhanh. Sau khi tìm tòi nghiên cứu, anh chị quyết định vay vốn đầu tư thực hiện.

"Ban đầu khi xây dựng đề án dự toán kinh phí thì nguồn vốn lại là bài toán khó đối với tôi và gia đình. Vì thực tế, để làm kinh tế và nhất là làm kinh tế dựa trên nền nông nghiệp cao thì kiến thức đơn thuần là chưa đủ. Sau những trăn trở đó tôi đã quyết định vay vốn, thuê đất, thiết kế xây dựng một hệ thống nhà màng với kinh phí lên tới gần 2 tỷ đồng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay vườn tôi đã xây dựng được 1 năm, đã cho thu hoạch lứa dưa lưới thứ 2 với sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP được các cơ quan chức năng công nhận”, chị Thắm chia sẻ.

Mỗi nhà kính chị Thắm đầu tư có diện tích 1000m2 trồng được hơn 2000 cây dưa lưới cho thu hoạch mỗi năm 3 vụ

Hiện nay, gia đình chị có hệ thống 3 nhà kính trồng dưa lưới. Mỗi nhà kính có diện tích 1.000 m2 trồng được hơn 2000 cây. Chu kỳ mỗi vụ dưa khoảng từ 75 -80 ngày, như vậy mỗi năm có thể sản xuất được 3 vụ. Với giá dao động từ 45.000 – 60.000/kg, mỗi lứa thu hoạch ở cả 3 nhà đạt khoảng 10,5 tấn thu về hơn gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, thuê nhân công lao động thì lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi lứa.

Với giá dao động từ 45.000 – 60.000/kg, mỗi lứa thu hoạch ở cả 3 nhà đạt khoảng 10,5 tấn cho doanh thu gần 500 triệu đồng

Dưa lưới của chị chủ yếu nhập cho các cửa hàng thực phẩm sạch và các siêu thị tại thành phố Vinh (Nghệ An) và Hà Nội .

"Hiện tại mô hình của tôi đã giải quyết được cho 7 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương 4 đến 5 triệu đồng một tháng. Qua quá trình học hỏi và thực hiện, tôi có thể khẳng được rằng bất cứ loại cây nào dù khó tính đến đâu, chỉ cần có sự kiên trì quyết tâm và cố gắng của con người thì nhất định sẽ làm được và mạng lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Thắm cho biết.

Theo Infonet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-dan-ba-xinh-dep-trong-rau-cong-nghe-isarel-thu-tien-ti-moi-nam-a43928.html