Trong một bài viết dài trên trang cá nhân, TS. Huỳnh Thế Du đã phân tích một số điểm chính yếu về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày một leo thang. Đáng chú ý, ông Du phân tích rằng, sự xung đột này, có thể là cơ hội để Trung Quốc trở nên hùng cường, thậm chí, đẩy thời cơ của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân đến nhanh hơn.
Vị chuyên gia này cho biết khi nhìn lại các nước đã trở nên giàu có trong khu vực từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay sẽ thấy rằng một nhân tố hết sức quan trọng tạo ra sự thần kỳ của họ chính là áp lực sinh tồn. Nghĩa là lớn mạnh hay là chết.
Ông Huỳnh Thế Du phân tích, với phát biểu của Jack Ma cùng một số người khác gần đây cho thấy, người Trung Quốc, nhất là giới tinh hoa đang cảm thấy bị sỉ nhục và cảm thấy bị tổn thương.
"Điều này có lẽ sẽ tạo ra quyết tâm hay áp lực để Trung Quốc phải lớn mạnh bằng được", ông viết.
Và việc "biến đau thương thành hành động" của Trung Quốc là có cơ sở vì các nền tảng cơ bản của quốc gia này rất căn cơ.
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang rất lớn với thị trường đông dân nhất thế giới. GDP theo giá danh nghĩa của Trung Quốc bằng 2/3 Mỹ. Nếu tính ngang bằng sức mua thì Trung Quốc có 23,3 nghìn tỷ so với 19,4 nghìn tỷ của Mỹ.
Theo ông Du, điều cần lưu ý là tính đàn hồi hay khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất cao với tỷ lệ tiết kiệm/GDP hiện là 47%, trong khi đó, Việt Nam là 24% và Mỹ là 18%. Mặt khác, tổng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 20% GDP (Việt Nam là 102%).
Thứ hai, năng lực nghiên cứu và sáng tạo và chiếm lĩnh công nghệ của Trung Quốc được ông Du đánh giá là đang rất khủng khiếp. Cụ thể, quốc gia này có 9/20 công ty Internet hàng đầu thế giới hiện tại (còn lại là Mỹ).
Hơn thế, theo Tổ chức đăng lý sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số lượng đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vào năm 2016 cao hơn cả châu Âu, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cộng lại.
Thứ ba, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã xếp thứ ba thế giới và chi tiêu quân sự của họ năm 2017 là 228 tỷ đô la Mỹ (đương đương với GDP của Việt Nam), bằng hơn 1/3 Mỹ và tương đương với chi tiêu quân sự của Nga, Ấn Độ, Pháp và Anh cộng lại.
Tính toán của Morgan Stanley cho thấy, cuộc chiến thương mại này có thể làm giảm 0,0007% đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Một phân tích trên Bloomberg thì nói rằng tác động chỉ là 0,0001-0,0002% hoặc cao nhất chỉ là 0,002%.
"Bằng chứng gần nhất về tác động này là từ hôm Trump công bố đánh thuế 200 tỷ đô la Mỹ hàng nhập khẩu Trung Quốc thì chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 4,3%.
Một số phân tích cho rằng cuộc chiến này có thể định hình lại các chuỗi giá trị toàn cầu và đảm bảo Trung Quốc sẽ chơi công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Du nhấn mạnh, điều mà Việt Nam cần quan tâm là tác động tổng thể sẽ như thế nào và nên hành động như thế nào là tốt nhất cho mình.
Theo quan điểm của ông Huỳnh Thế Du, Việt Nam cần phải khôn khéo trong tình hình hiện tại. Việc Việt Nam cần làm hiện nay là xác định một vị trí phù hợp để tận dụng các cơ hội phát triển, tránh bị lôi kéo trong bối cảnh thương mại thế giới đang ngày một phức tạp hơn.