Công nghệ eSIM trong chiếc iPhone XS và XS Max của Apple được giới chuyên môn nhìn nhận là "Kẻ thay đổi thế giới". Trong cuộc chơi mà chưa nhà mạng Việt Nam nào tham gia, đơn vị nào nhanh tay khả năng sẽ hút được một lượng đông đảo các tín đồ của iPhone, và cả những hãng sản xuất điện thoại đang manh nha tham gia "chuyến tàu eSIM" mới. Thực tế, đã có nhà mạng Việt lập riêng một ban dự án mang tên công nghệ mới này.
Một nhà mạng lớn nhất nhì Việt Nam tiết lộ họ đã lập riêng một dự án mang tên "eSIM".
ESIM xuất hiện lần đầu trên chiếc đồng hồ thông minh Samsung Samsung Gear S2 năm 2016 và ngày càng trở nên phổ biến.
Việc Apple mới đây công bố dòng điện thoại mới của hãng - iPhone XS và XS Max được sử dụng công nghệ eSIM bên cạnh 1 khe SIM truyền thống càng khẳng định hơn dự đoán của nhiều chuyên gia công nghệ rằng công nghệ này sẽ bùng nổ trong tương lai.
Nhiều người cho rằng SIM vật lý sẽ sớm bị "khai tử".
Hiện công nghệ eSIM mới được hỗ trợ ở 10 quốc gia, gồm Áo, Croatia, Canada, Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ, với một số lượng hữu hạn các nhà mạng cung cấp dịch vụ. Tại Việt Nam, vẫn chưa có nhà mạng nào hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho eSIM.
Việc chưa có đơn vị nào cung cấp dịch vụ cho eSIM lại là lợi thế cho đơn vị nào "dám" tiên phong trong công nghệ mới này. Bởi chiếc iPhone mới sẽ hỗ trợ 2 SIM, những người dùng iPhone sẽ có nhu cầu thử dùng eSIM bên cạnh SIM vật lý đã có của họ.
Như vậy, nhà mạng nào tiên phong hỗ trợ eSIM đầu tiên sẽ "hút" được tất cả khách hàng đang sử dụng iPhone - sản phẩm điện thoại được rất nhiều người Việt ưa chuộng, chưa kể những cái tên hãng sản xuất khác đang manh nha ứng dụng công nghệ mới này trong các dòng điện thoại sắp tới của họ như Samsung, OPPO, Huawei… Thử hình dung xem con số khách hàng mới sẽ lớn như thế nào.
Phát biểu về công nghệ mới này trên Nhịp sống Kinh tế, đại diện một nhà mạng lớn ở Việt Nam khẳng định: eSIM chắc chắn là xu hướng mà doanh nghiệp trong ngành viễn thông Việt Nam phải đi theo, dù muốn dù không.
"Sớm muộn các nhà mạng cũng sẽ phải hỗ trợ eSIM, vì nó là xu hướng của các nhà phát triển phần cứng, nên các dịch vụ viễn thông đi kèm cũng sẽ phải bước theo…"
"Đây vốn không phải là chuyện làm hay không làm, mà là bài toán làm lúc nào, làm như thế nào sẽ phải tính rất kỹ. Vì với một sản phẩm mới, có phần phi truyền thống và liên quan đến cả phần cứng lẫn phần mềm (dịch vụ) như vậy là không dễ", đại diện này cho biết.
Thực tế, một nhà mạng lớn nhất nhì Việt Nam tiết lộ họ đã lập riêng một dự án mang tên "eSIM".
Tiềm năng thị trường của eSIM lớn đến đâu?
Trên trang LinkedIn, ông Sebastian Barros - Phó Chủ tịch bộ phận bán hàng của hãng viễn thông Axiata tại Ericsson trích báo cáo của hãng phân tích viễn thông Ovum cho biết: Thị trường eSIM được kỳ vọng sẽ tăng từ 4,4 triệu thiết bị vào năm năm 2016 lên 234 triệu thiết bị năm 2021.
Nguồn: Ovum.
Máy tính bảng và thiết bị đeo được như iPad Pro và đồng hồ thông minh Samsung Galaxy Gear chiếm phần lớn số lượng thiết bị được trang bị eSIM bán ra trong năm 2016, nhưng tỷ lệ này sẽ thay đổi ngay khi điện thoại thông minh tương thích eSIM đầu tiên được giới thiệu trong năm 2018.
Đến năm 2021, 66% thiết bị ứng dụng eSIM sẽ là điện thoại thông minh.
Việc sử dụng eSIM của người tiêu dùng có nghĩa là các nhà sản xuất chipset sẽ thương lượng với các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) như Apple và Samsung trực tiếp và chuỗi giá trị ngành có thể được cấu trúc lại. Việc sản xuất và phân phối các thẻ SIM vật lý trở nên (phần nào) lỗi thời, nhưng các thẻ SIM vật lý sẽ không biến mất khỏi thị trường trong vài năm tới, bài nghiên cứu của ba tác giả Markus Meukel, Markus Schwarz, và Matthias Winter của McKinsey cho biết.
Thay vào đó, sẽ có một giai đoạn tương đối dài tồn tại song song giữa công nghệ SIM hiện tại và SIM tiêu chuẩn mới. Vô số các thiết bị hiện có sẽ vẫn phải được phục vụ liên tục, và đặc biệt là các thị trường đang phát triển sẽ có chu kỳ sử dụng các thiết bị và điện thoại với SIM truyền thống dài hơn.
Cơ hội nào khi lòng trung thành của khách hàng vơi đi?
Với eSIM, khách hàng có lẽ dễ dàng thay đổi nhà mạng (ít nhất là tệp khách hàng trả trước), những quảng cáo và khuyến mãi ngắn hạn cũng có thể dễ dàng khuyến khích khách hàng đổi mạng. Điều này có nghĩa eSIM có thể khuấy động sự cạnh tranh giữa các nhà khai thác mạng trong hệ sinh thái trả trước một cách mạnh mẽ.
Nhưng điều này không có nghĩa là một khách hàng không bị ràng buộc vào một hợp đồng hợp đồng sẽ thay đổi nhà mạng thường xuyên hơn hoặc chi tiêu ít hơn. Người tiêu dùng vẫn có thể ưu tiên một giao dịch cung cấp trải nghiệm người dùng cao cấp với chất lượng cuộc gọi ở mức chấp nhận được. Khách hàng hài lòng sẽ ở lại lâu hơn với nhà mạng của họ.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ