Hơn 25% vốn huy động được từ đợt chào bán cổ phần trong quý II được báo cáo là dùng vào tái cấu trúc nguồn vốn, nợ vay nhưng vay nợ của TTC Land không hề giảm.
Điều đáng nói TTC Land vẫn đẩy mạnh cho vay các cá nhân, công ty liên quan nhưng hiệu quả thu lại rất thấp và dường như một lượng tiền lớn của công ty này đang chạy vào “túi” của các bên.
Sở hữu một loạt dự án nằm vị trí đắc địa và vừa túi tiền của khách hàng ở từng khu vực như Jamona Home Resort, Jamona City, Jamona Golden Silk, Charmington La Pointe, Carillon, Charmington Plaza đã giúp cho CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã SCR) bán hàng “đắt như tôm tươi” ngay khi thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại giai đoạn năm 2014 – nay.
Bán hàng thuận lợi, dự án thực hiện đúng và sớm hơn tiến độ đã giúp cho TTC Land có nguồn vốn tài trợ từ khách hàng trả trước cho các sản phẩm bất động sản của TTC Land vào cuối năm 2017 hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng nguồn vốn; và hơn 2.070 tỷ đồng vào cuối tháng 6.2018, chiếm hơn 20% tổng nguồn vốn.
Tuy nhiên, như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác ở Việt Nam, TTC Land vẫn phát hành thêm cổ phiếu để gọi vốn. Quý II.2018, TTC Land phát hành thành công hơn 73,16 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ để huy động thêm gần 732 tỷ đồng.
Hơn 25% vốn huy động từ đợt phát hành nói trên được báo cáo là dùng vào tái cấu trúc nguồn vốn, nợ vay; 75% còn lại được dùng để M&A, nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hùng Anh Năm.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính soát xét bán niên của TTC Land cho thấy, vay nợ của TTC Land vào cuối tháng 6.2018 không hề giảm cả về số tương đối lẫn tuyệt đối, đồng thời một lượng tiền lớn của TTC Land đang chạy vào “túi” của các công ty.
Tại ngày 30.06.2018, TTC Land có gần 2.118 tỷ đồng dư vay nợ ngắn và dài hạn, chiếm 20,8% tổng nguồn vốn. So với hồi đầu năm, số dư vay nợ chiếm 20,1% tổng nguồn vốn và tăng thêm gần 197 tỷ đồng. Đồng thời, trong số nợ vay nói trên, số dư các khoản vay từ cá nhân của TTC Land cuối kỳ là 547 tỷ đồng, tăng thêm hơn 230 tỷ đồng so với đầu năm.
Hơn nữa, số dư khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của TTC Land tại ngày 30.06.2018 lên mức 1.683,6 tỷ đồng so với hồi đầu năm số dư này là 991,3 tỷ đồng, bằng 16,5% tổng tài sản.
Thuyết minh báo báo cáo bán niên cho thấy, hơn 1.300 tỷ đồng đang được TTC Land cho 2 công ty liên kết vay là CTCP May Tiến Phát (gần 1.192 tỷ đồng) và CTCP KCN Thành Thành Công (120 tỷ đồng). Riêng cho các công ty liên kết, liên quan và bên thứ vay phát sinh thêm trong 6 tháng đầu năm là 1.244 tỷ đồng.
TTC Land hiện đang nắm giữ khoảng 12% vốn điều lệ của May Tiến Phát; 39,05% vốn của Khu công nghiệp Thành Thành Công.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, 6 tháng đầu năm TTC Land đã 2.413 tỷ đồng để cho vay đơn vị khác, tăng hơn 900 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Thuyết minh báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy trong 6 tháng đầu năm chi phí lãi vay TTC Land là 75,5 tỷ đồng, trong khi thu nhập lãi cho vay hơn 52 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa TTC Land vay các cá nhân và ngân hàng, tổ chức tài chính tài trợ vốn và dùng tài sản đem cho vay các bên không mang lại lợi ích đáng kể cho công ty, ngược lại làm tăng rủi ro tài chính nhiều hơn.
TTC Land tiền thân là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), được thành lập năm 2004. Sau 14 năm thành lập và phát triển, ngày 29.3.2018 đã chính thức đổi tên thành TTC Land.
Hiện, vốn điều lệ của TTC Land là 3.170 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Thành Thành Công đang nắm 22,04% vốn điều lệ, ông Đặng Hồng Anh nắm 10,11% vốn; CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre nắm gần 6%; CTCP Kho vận Thiên Sơn nắm hơn 2,2% vốn… Hơn 50% vốn của TTC Land thuộc về các cổ đông không kiểm soát, thiểu số. Mặc dù sở hữu lượng cổ phần lớn, nhưng ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, đã không tham gia điều hành TTC Land từ năm 2015. |
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tien-cua-ttc-land-dang-chay-di-dau-a44427.html